Cảng Cái Mép - Thị Vải hướng tới trung tâm hàng hải Đông Nam Á
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 16:02, 22/11/2024
Điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á
Được quy hoạch đảm nhận và trò quan trọng là khu bến cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế của Việt Nam nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Thời gian qua, CM-TV có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2021, cụm cảng xếp thứ 22 cảng container lớn nhất thế giới và hạng 11 về cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu. Hơn thế nữa, năm 2022, CM-TV được xếp hạng thứ 32 trong số các cảng container phát triển nhất toàn cầu theo xếp hạng của Lloyd List cho 100 cảng container. Đặc biệt, năm 2023 CM-TV liên tiếp đạt những kỳ tích như top 7 cảng container hiệu quả nhất thế giới, top 30 cảng container lớn nhất thế giới.
Hiện CM-TV có sự hiện diện của hầu hết các hãng tàu vận tải container lớn trên thế giới như MSC, Maersk, CMA-CGM Evergreen, One, HMM, Zim, Wan Hai. Những tuyến dịch vụ có hành trình dài ngày đặc biệt là tuyến Á - Âu đều do những siêu tàu vận chuyển. Đây chính là tiền đề để hình thành cảng trung chuyển quốc tế tại CM-TV.
Ngày 13/8/2024, Đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong chuyến thăm và làm việc tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tại trụ sở hãng tàu ZIM, bà Hani Kalinski, Phó Chủ tịch, phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và ông Atul Dutt, Tổng Giám đốc thương mại đánh giá cao tiềm năng phát triển của cụm cảng CM-TV. Công ty cho biết sản lượng hàng hóa của hãng qua khu vực CM-TV đã tăng gấp 5 lần từ năm 2020. Đồng thời, hãng tàu ZIM đã chính thức lựa chọn CM-TV trở thành trung tâm trung chuyển của hãng tại Khu vực Đông Nam Á từ năm 2024.
Tại hội thảo lấy ý kiến đối với đề án "Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới" vào ngày 15/5/2024, ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, CM-TV là cụm cảng nước sâu duy nhất ở Việt Nam có thể đón tàu trên 100 ngàn tấn và 1 trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu siêu trọng. CM-TV đã làm tốt vai trò cảng cửa ngõ khi chia sẻ lượng hàng ở miền Nam với cảng Cát Lái, nhưng đang định hướng rõ nét để trở thành cảng trung chuyển.
Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, cụm cảng CM-TV chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển toàn quốc và 35% lượng hàng container cả nước, 60% lượng hàng container khu vực phía Nam. Đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 20 ngàn tỷ đồng thuế xuất, nhập khẩu/năm.
Nghị quyết 24 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho CM-TV
Tuy đảm nhận với vai trò, vị thế quan trọng, song CM-TV chưa có cơ chế đặc biệt để phát triển như kỳ vọng của các nhà đầu tư, khách hàng. Do đó, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã mở ra triển vọng mới cho CM-TV khi đã đề cập đến việc thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng. Đặc biệt là định hướng hình thành khu thương mại tự do, gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Nghị quyết 24 đã đề ra các giải pháp như đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cụm cảng CM-TV. Đồng thời, tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế.
Đồng thời, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023 cũng mở ra một không gian phát triển, một động lực đổi mới để tỉnh phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, với hệ thống logistics, cảng biển, hàng hải quốc tế; trung tâm du lịch đẳng cấp và là một trong những trung tâm năng lượng xanh, công nghiệp xanh có hàm lượng giá trị cao.
Tại Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 30/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu, với vị trí địa lý đặc biệt và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thành trung tâm kinh tế biển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tỉnh có đường bờ biển dài khoảng 140 km, bao gồm nhiều bãi biển đẹp và hệ thống cảng biển hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các ngành kinh tế biển.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, việc phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển không chỉ là mục tiêu của tỉnh mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Với tiềm năng lớn, sự quyết tâm của chính quyền và sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, Bà Rịa - Vũng Tàu chắc chắn sẽ vươn lên, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế biển của khu vực Đông Nam Á. Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển; Trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á; Trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; và là một trong những Trung tâm công nghiệp lớn nhất của Vùng Đông Nam Bộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển thành trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực, Bà Rịa - Vũng Tàu cần có những chiến lược phát triển dài hạn và đồng bộ. Trước hết, tỉnh cần tăng cường quảng bá hình ảnh và tiềm năng của mình đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về đầu tư và thương mại sẽ tạo cơ hội để kết nối các doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực hàng hải, logistics và vận tải biển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cảng và logistics sẽ giúp tối ưu hoá quy trình làm việc, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.