Lại Quốc Biểu người giữ "hồn quê" bằng thơ lục bát

Văn hóa - Ngày đăng : 19:31, 03/12/2024

Đọc lục bát Lại Quốc Biểu, nhận ra, bên cạnh sự chân quê, dung dị, ông đã có nhiều câu thơ óng ánh, huyền ảo. Làng quê, cánh đồng, bờ đê, con sông....luôn ám ảnh, trở thành vùng ký ức sâu đậm trong tâm hồn thơ Lại Quốc Biểu

Nhà thơ Lại Quốc Biểu là một người yêu thích lục bát, chỉ sáng tác thơ lục bát. Cho đến nay ông đã có 5 tập thơ, chuyên về thể thơ này; đó là Ngõ quê, năm 2018; Bóng trăng quê, năm 2019; Mái ấm tình thơ, năm 2020; Khúc ru chiều, NXB Hội Nhà văn năm 2021; Mênh mang mùa nhớ, năm 2022. Cả 5 tập thơ đều do NXB Hội Nhà văn cấp phép.

image002.jpg
Nhà thơ Lại Quốc Biểu (trái ảnh) và tác giả bài viết- nhà thơ Ngô Đức Hành  tại Nhà sáng tác Đà Lạt năm 2023. Ảnh: Nguyễn Linh Khiếu.

Tên các tác phẩm đã cho thấy cố thổ với làng quê, cánh đồng, bờ đê, con sông....luôn ám ảnh, trở thành vùng ký ức sâu đậm trong tâm hồn, trở thành đề tài căn cốt của thơ Lại Quốc Biểu. Dẫu ông từng tham gia quân ngũ, từ lâu đã là một doanh nhân, chủ một doanh nghiệp ở Hải Dương. Đọc thơ Lại Quốc Biểu, dễ nhớ bài hát của Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương mỗi người chỉ một”.

Lại Quốc Biểu sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ở Thái Bình, trong một gia đình nông dân lam lũ, nhúm ruột của người mẹ tảo tần: “Hong trời tã vắt giậu thưa / Ôm con rét cắt gió thừa lòng tay”, (Ngày mẹ sinh con).
...
Sữa khô nước mắt thì đầy
Áo chồng miếng vá đường may mấy lần
Tháng mười rơm rớm vàng sân
Chắt chiu hôm sớm tảo tần mẹ ơi

(Ngày mẹ sinh con)

Tình mẫu tử vốn thiêng liêng. Với bất cứ người mẹ nào cũng vậy, và ngược lại. Lại Quốc Biểu lớn lên từ dòng sữa, trong tình yêu thương, chăm bẵm, lo lắng của người mẹ. “Mẹ mong chín tháng mười ngày / Bầm tay thảng thốt mà quay quắt chiều / Váy thâm vá đụp bao nhiêu / Che sao cho đủ những điều mẹ mong”, (Ngày mẹ sinh con).

Không riêng Lại Quốc Biểu mà chắc chắn, nhiều đứa con lớn lên vẫn nhớ vị mồ hôi của mẹ: “Mùi mồ hôi mẹ năm xưa / Ròng ròng từ những nắng mưa tụ thành”. Ông là người con có hiếu, mang nặng nghĩa sinh thành. Với mẹ, ngoài Ngày mẹ sinh con; còn có Tình mẹ, Vọng mẹ, Mẹ ơi, Quê mẹ, Con đò của mẹ...

Viết nhiều về mẹ, và Lại Quốc Biểu cũng đã có nhiều câu thơ hay, lay thức; “Chỉ luồn miếng vá ngày trưa / Mùi mồ hôi vẫn nhặt thưa phận người”, (Mồ hôi mẹ) hoặc “Mẹ nằm muôn thuở cố hương / Mảnh quê vá lại dặm trường mẹ đi”, (Mẹ ơi). Hình ảnh người cha cũng xuất hiện trong các bài thơ Cha tôi, Tình cha, Tình mẹ nghĩa cha, Vọng cha, Kính dâng cha mẹ...
...
Rạ rơm thắt bụng buộc lòng
Nắng ghim bóng mẹ rạp còng lưng đê
Cha đi kháng chiến chưa về
Nhọc nhằn khuya sớm bộn bề đắng cay

(Tình cha nghĩa mẹ)

Ông cha ta ngày xưa vẫn thường nói “Văn là người”. Maksim Gorky, nhà văn kiệt xuất của nền văn học nước Nga vào thế kỷ XX, cũng đưa ra một khái niệm về văn học tương tự “Văn học là nhân học”. Tùy theo quán chiếu, nhưng có một nghĩa của khái niệm này, văn học là văn bản trước hết của chính tác giả. Đối với thơ càng như vậy.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh từng xác quyết, thơ không chịu được sự che đậy. Đọc thơ Lại Quốc Biểu, hiện lên không chỉ gốc gác, hơn thế, hiển thị tâm hồn một nhà thơ nặng lòng với tình quê, nghĩa xóm. Hay nói cách khác, hình bóng quê hương, ký ức làng luôn ám ảnh tâm hồn thơ của ông.

Ở tập thơ mới nhất Mênh mông mùa nhớ, đã cho thấy nỗi nhớ trong ông có cả một “mùa nhớ”. Không có gì ngạc nghiên nhiên khi trong tập, có Vị quê, Giấc mơ quê, Hồn quê, Người quê, Quê yêu, Tình quê, Với quê, Đêm quê, Bến nước tình quê, Chợ làng, Cầu ao quê. Tính ra về đơn vị, có 11 bài, trong số 99 bài, chiếm hơn 10%.

Ở tập Khúc ru chiều, NXB Hội Nhà văn năm 2021, cảm thức về quê được ông giãi tỏ trong Về làng, Nghĩa trọn tình quê, Bến sông quê, Chuyện quê, Một chút hương quê, Đất quê, Làng xưa, Thấm đẫm tình quê, Nắng quê, Một lối ta về, Hương quê, Bì bõm ao quê, Cầu quê, Nóng quê, Thu quê, Làng xưa. Như vậy là chiếm tới 16/75 bài, hơn 22%.

Nếu tính cả “quê” với tư cách là hình tượng nghệ thuật trong các bài về các tháng, các mùa trong năm thì còn nhiều. Có thể nói “quê” trở thành biểu tượng, “từ khóa” trong lục bát Lại Quốc Biểu.

Bóng chiều trôi giữa tháng năm / Rặng tre xoãi nắng vắt đằm vai đê / Cỏ non xanh tận lối về / Lở bồi ai dặm câu thề mà xưa”, (Tình quê).

Giặm ngày vào những vu vơ / Đêm lên tiếng cuốc dỗ bờ lúa non / Trăng chênh chếch mấy khuyết tròn / Bóng rơi giếng đất ngọt ngon đời người”, (Đêm quê).

Ao đình lóng lánh sắc xanh / Cây đa già vẫn nảy cành non tơ / Nổi chìm vốc nửa giấc mơ / Sảy sàng bớt chút ngu ngơ một thời”, (Làng xưa).

Quê hương chảy trong máu thịt, trở thành một phần máu thịt, đi vào giấc mơ của nhà thơ Lại Quốc Biểu. Ngay cả khi hoài niệm, cũng là vương vấn hồn quê, hồn làng: “Ngược dòng lên cũ tìm xưa / Bờ xanh cỏ mật hương vừa đủ men / Thoáng cơn gió mới đổi miền / Lưỡng đêm vắt mái tóc huyền sang vai”, (Hoài niệm).

Bất cứ nhà thơ nào cũng có bố mẹ sinh thành và thuộc về một vùng đất. Tình yêu quê hương, đất nước, trước hết, bắt nguồn từ yêu mái rạ nhà mình, yêu cánh đồng, con đê làng, tiếng sáo diều...Nói như nhà thơ Nga, Gamzatop, đi khắp thế giới nhưng ông thấy không đâu đẹp bằng làng của mình; bởi ở đó trên mỗi bước chân, ông gặp ký ức của mình. Thơ Lại Quốc Biểu, dung dị, chân thành; mảng thơ về bố mẹ, quê hương góp phần làm đẹp thêm “triết lý làng”, trong thơ ca của các nhà thơ Việt Nam, từ trung đại đến hiện đại.
...
Đi xa nhớ lắm quê nhà
Lầu son gác tía có là từ quê
Làng vòng bởi tự triền đê
Sông cong cũng tại bộn bề cỏ may

(Hồn quê)

image004.jpg
Một số tập thơ lục bát của nhà thơ Lại Quốc Biểu. Ảnh: Ngô Đức Hành

Theo nhà nghiên cứu, nhà văn, TS. Ngô Tự Lập, các thể thơ bao giờ cũng được hình thành trong một bối cảnh cụ thể, chúng gần gần gắn liền với một miền ký ức chung của một vùng, một nhóm người hay một thời đại. Và ông nhận định: “Thơ lục bát ở Việt Nam chẳng hạn, thường có xu hướng liên tưởng đến truyền thông Việt Nam, đến nông thôn”.

Thật vậy, lục bát Việt Nam hình thành, phát triển trên cái “nền” ca dao, tục ngữ. Việt Nam vốn là đất nước nông nghiệp, thị thành cũng hình thành từ “kẻ chợ”, nơi người nông dân xưa tìm về bày bán sản vật. Trong xã hội ấy, ca dao, tục ngữ sinh ra để nhắc nhở con người về thời tiết, kỹ thuật mùa màng, đạo lý làm người...Dần dần lục bát trở thành “hồn cốt” của thi ca dân tộc. Đọc thơ Lại Quốc Biểu thêm một lần nữa cho thấy, lục bát thuộc về làng quê, gợi hồi ức làng quê.

Theo TS. Đoàn Minh Tâm, đây là thể loại mang tính chất “quốc hồn quốc túy”, được yêu thích và sáng tác phổ biến bậc nhất ở nước ta. Tuy nhiên, lục bát dễ làm nhưng khó hay. Đây cũng là một “thách thức” không nhỏ đối với những người yêu thể thơ lục bát.

Đọc lục bát Lại Quốc Biểu, nhận ra, bên cạnh sự chân quê, dung dị, ông đã có nhiều câu thơ óng ánh, đẩy hiện thực lùi về huyền ảo. Có thể thấy ngay từ tên bài như Cơi chiều, Nửa giấc mơ, Khúc du miên, Phiêu du, Giọt buồn...Chính vì thế, nhiều nhạc sỹ đồng cảm phổ nhạc; tiêu biểu là ca khúc Chợ tình Khâu Vai (nhạc Lại Hồng Xứng), được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang sử dụng trong lễ kỷ niệm 100 năm chợ tình Khau Vai.

Nhiều câu thơ của ông có thi ảnh sáng tạo, không cũ, không sáo: “Đọt mây chuốt dáng bồn chồn / Ngược dòng tìm những dại khôn một thời”, (Với quê); “Tháng mười câu chữ đương thì / Ngoài kia bông cúc họa mi chạm mùa”, (Tháng mười); “Về làng vấp sợi nắng đông / Nhớ ngày áo vá mẹ chồng đường khâu”, “Chuông chùa thả giọt đăm chiêu / Trên tay ta nắm chặt điều thực hư”, (Về làng).

Tuy nhiên, với người làm thơ lục bát, không cẩn thận dễ thành ca, vè (ở cấp câu lạc bộ), “ép vần” theo “quy luật 6/8”. Lục bát Lại Quốc Biểu ở 5 thi tập, dễ nhận ra nhiều bài “còn đuối”. Dù chưa đều, nhưng phải ghi nhận, Lại Quốc Biểu trước hết là người yêu thơ, trăn trở với lục bát; người làm thơ với tất cả cảm xúc chân thành. Ông là người có đóng góp vào việc giữ hồn quê bằng lục bát./.

Ngô Đức Hành