Nhà thơ Đinh Nho Tuấn, vì thương người lắm mới say thơ

Văn hóa - Ngày đăng : 15:58, 04/01/2025

Đề tài trong thơ Đinh Nho Tuấn phong phú, mỗi góc phố, con đường, dòng sông, cánh đồng, ngọn núi đều hiển hiện trong thơ một cách rất riêng, rất đặc thù.

Học chuyên văn Phan Bội Châu hồi cấp 3, tôi là người yêu thơ dù không biết làm thơ. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn với bao lo toan giữa bộn bề cuộc sống, cảm xúc của tôi chai sạn dần, nhìn cuộc đời thực tế hơn, bớt mơ mộng hơn. Tuy nhiên tình yêu đối với thơ vẫn còn mênh mang lắm. Bên cạnh những người tích cực làm kinh tế thì vẫn còn rất nhiều người làm thơ.

z4539601910101_a82067238d2047ecba41557779a98397.jpg
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn (bìa phải) tặng các nhà thơ nhà văn tập thơ "Lời phả hương". Từ phải sang: Nhà văn Đặng Chương Ngạn, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Ngô Đức Hành, nhà thơ Trần Sỹ Tuấn, nhà thơ Trương Nam Hương. Ảnh: Lê Bình Minh

Hiện nay, Hội nhà văn TP.HCM có đến 80% hội viên là nhà thơ. Mạng xã hội mở ra, tôi đọc được rất nhiều thơ. Tiếc rằng không có nhiều thơ hay. May mắn thay, giữa bạt ngàn thơ ca của rất nhiều nhà thơ không danh tiếng, tôi được thưởng thức thơ của Đinh Nho Tuấn, là một nhà thơ mới nổi trên văn đàn thơ ca Việt Nam nhưng lại là người bạn thân thiết của chúng tôi đã hơn 40 năm.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn (sinh năm 1966) tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp quốc gia Odessa (Liên Xô cũ), khoa luật. Sau đó Tuấn bảo vệ thành công tiến sỹ kinh tế tại Matxcova (Nga). Sau 20 năm, học tập và mưu sinh nơi xa xứ, chúng tôi về Việt Nam, định cư tại TP. HCM. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau và bàn luận về mọi vấn đề trong cuộc sống. Tuấn am hiểu mọi lĩnh vực, từ lịch sử, chính trị, nghệ thuật, kinh tế, xã hội. Cuộc hội ngộ nào chúng tôi cũng thu nhập được rất nhiều kiến thức từ Tuấn. Những năm gần đây, Tuấn đã đưa đến cho chúng tôi nhiều bất ngờ khi liên tục đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ do Tuấn sáng tác. Chỉ riêng 3 năm (từ 2018 - 2020), tác giả Đinh Nho Tuấn cho ra mắt liên tục 3 tập thơ: Em hãy cho anh vội, Em tôi và Díu dan với núi sông.

Đinh Nho Tuấn đã vinh dự được trở thành hội viên hội nhà văn TP. HCM và nhận được giải thưởng của Hội nhà văn TP.HCM. Tôi đã nghiền ngẫm 3 tập thơ ấy, đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Ở cái tuổi trên 50, cứ tưởng lời thơ thường là viết về kinh nghiệm sống, những triết lý cuộc đời thì thơ Tuấn vẫn đầy ắp cảm xúc mộng mị về tình yêu lứa đôi, quê hương, Tổ quốc.

Nhiều bài thơ của Tuấn đã được phổ nhạc thành những bài hát thiết tha. Đặc biệt bài thơ Tiếng Choa được thi sỹ Thanh Vân ngâm lên đầy diệu vợi khiến cho bất cứ ai “quê choa’ cũng xúc động nghẹn ngào.

Thơ không phải là văn xuôi dài dòng kể lể. Thơ là sự cô đọng của cảm xúc được diễn tả bằng những ngôn từ ẩn dụ nhiều hơn là mô tả. Đề tài trong thơ Tuấn vô cùng phong phú, mỗi góc phố, con đường, dòng sông, cánh đồng, ngọn núi đều hiển hiện trong thơ Tuấn một cách rất riêng, rất đặc thù. Chúng tôi nhớ về quê hương qua những vần thơ da diết của Tuấn và nhận thấy tâm hồn mình trong đó:

"Thật kỳ lạ khi u buồn, mệt mỏi.
Tôi hướng về quê hương.
Giấc ngủ tôi sẽ ấm êm rơm rạ.
Tôi quên đi bao đau khổ chán chường…"

Sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, bao người con gốc quê như tôi tìm đến thơ của Tuấn để nương náu nỗi lòng mình.

z5390496269693_3ecf97f858d118940f35318f2a6e40a7.jpg
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn và phu nhân Lê Nghiêm (thứ 2, thứ 3 trái sang) hiện sinh sống ở TP.HCM trong một lần về quê hương Hà Tĩnh

Yêu quê nhưng vẫn thủy chung với nơi mình đang sống, Tuấn đã dành cho TP. Hồ Chí Minh bao nhiêu sự quan sát, cảm nhận và chỉn chu viết nên những trang thơ thấm đượm nghĩa tình. Trong cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất Phường Nam năm 2024 do Hội nhà văn TP.HCM tổ chức, thật vinh dự và tự hào khi Đinh Nho Tuấn giành giải nhất với chùm thơ Khuôn mặt Sài Gòn, Thành phố của tôi và Lòng ta ở trọ.

Tham gia cuộc thi có gần 1500 bài thơ được gửi về tham dự nhưng 3 bài thơ của Tuấn đã nổi trội, chinh phục Ban Tổ chức với sự nhất trí tuyệt đối đề cử vào Giải nhất.

Phương Nam, nơi đô thị nhộn nhịp không chỉ là sự bề bộn, hối hả của cuộc sống thị thành mà còn ẩn chứa trong đó bao nhân nghĩa của tình người lắng sâu. Đinh Nho Tuấn đã phác thảo bộ mặt Thành phố và chiều sâu ân nghĩa bằng những nét chấm phá đặc biệt, thể hiện sự quan sát tinh tế bởi một tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc:

"Lòng ta ở trọ
Vào muôn khóm nắng vàng
Trọ vào tiếng rao….
Trọ khuôn mặt Sài Gòn
Mộc, không phấn son
Trang điểm bằng những điều tử tế
”.

Có sống, ngụp lặn giữa dòng đời, va vấp với bao điều dối trá mới thấm được cái đẹp của cuộc đời là sự chân thật, không phấn son. Cái đẹp nhất của Sài Gòn là những điều tử tế ta bắt gặp hàng ngày trong hành động của những người quan chức, doanh nhân, nhân viên đi làm, bác xe ôm hay chị lao công đêm đêm nhọc nhằn bên xe rác. …

nam_ngon_chua_dat_ten-1727422621591.jpg
"Năm ngón chưa đặt tên", tập thơ mới nhất của nhà thơ Đinh Nho Tuấn

3 tập thơ ra đời cùng với giải nhất cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất Phương Nam đã khẳng định vị thế của nhà thơ đinh Nho Tuấn trên văn đàn. Bất ngờ, hôm nay, tôi lại được nhận tiếp 2 tập thơ của bạn, Lời phả hươngNăm ngón chưa đặt tên. Tôi sửng sốt trước sức viết mãnh liệt của bạn. 

Đi xa, ai chẳng nhớ nhà, nhớ quê da diết. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: “Anh nhớ em mỗi đoạn đường anh bước, mỗi tối anh nằm, mỗi bữa anh ăn”. Nguyễn Bính thì mô tả: “Anh ơi! Em nhớ, em không nói,
Nhớ cứ đầy lên, cứ rối lên
.”. Đinh Nho Tuấn không viết thế, tác giả sáng tạo hơn, đặc sắc hơn:

Thời gian âm thầm giăng dải lụa.
Quấn lấy lòng ta nỗi nhớ nhà.
Có cơn bão xa là thanh kiếm.
Bất ngờ hướng mũi vào tim ta
…”.

Không đơn thuần là nỗi nhớ quê, đó là cả tấm lòng thấu hiểu, sẻ chia, đau đáu âu lo trước thiên tai khắc nghiệt đang tàn phá quê nhà.

Ra đời liên tiếp 5 tập thơ trong khoảng thời gian không dài nhưng thơ của Đinh Nho Tuấn không hề dễ dãi mà là sự chưng cất rất nhiều chất men cuộc sống để làm nên một bầu rượu đắm say. Đúng như tác giả đã tâm sự:

“ Để có một vần thơ cho em
Đã xóa đi ngàn bài thơ viết dở
Để có cùng một đêm thâu
Đã bạc tóc chiều dài nỗi nhớ….”…

Mỗi bài thơ là “một lời phả hương” về sự thấu cảm đối với những phận đời lam lũ (cô công nhân), về quê nhà, nơi có mẹ, có cha: "Khâu manh áo tình yêu bằng những con đường đất", về niềm hạnh phúc khi được làm ông của đứa cháu dấu yêu, về tình yêu lứa đôi tha thiết… về cả những nỗi trăn trở trước cuộc đời còn nhiều điều làm con người ta sớm bạc tóc…

Câu thơ của ai đó vẫn thường ám ảnh tôi mỗi khi thơ thẩn đứng một mình dưới hàng cây đang mùa rụng lá, trong cái lạnh sẽ sẽ của gió thu về : Giơ tay bứt lá, buồn 5 ngón...5 ngón tay ấy, lẽ ra phải được đan xem vào trong 5 ngón khác để truyền cho nhau hơi ấm, cùng tung tăng dạo bước. Nhưng vì lý do nào đó, 5 ngón tay trống rỗng quá, thừa thãi quá, không biết làm gì nên phải “giơ tay bứt lá"…

Thơ của Đinh Nho Tuấn là: "Năm ngón chưa đặt tên”. Thơ là sự gợi mở để người đọc hướng tới một điều xa xăm hơn. Ai sẽ đặt tên cho 5 ngón đó, hẳn phải là người tri kỷ, tri âm.

Thơ của Tuấn còn nhiều điều kỳ bí lắm. Tôi là bạn, luôn trân trọng và tri ân Tuấn về tính cách phóng khoáng, giàu lòng trắc ẩn, nhiệt tình vô cùng với bạn bè nhưng để hiểu hết những nỗi niềm Tuấn trao gửi trong thơ, cần 1 người am hiểu hơn về văn chương và thấu hiểu Tuấn. Đọc thơ Tuấn, tôi thấy hay, còn hay như thế nào, rất mong bạn đọc tự cảm nhận.

Xuân Diệu từng viết: “Ai đem phân tích một mùi hương / Hay bản cầm ca, ta chỉ thương / Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc / Như thuyền ngư phủ lạc trong sương”…

Thưởng thức thơ cũng như khi ta hít hà một loài hương, người thích mùi hoa hồng, người thích mùi hoa chanh, hoa bưởi, người mê mùi hoa sen, hoa nhài…Cảm nhận mùi hương, đưa ta đếm cảm xúc đê mê, huyễn hoặc, mơ hồ như “thuyền ngư phủ lạc trong sương”. Đọc thơ của Tuấn cũng vậy, mỗi người sẽ có những cảm nhận theo cách của riêng mình. Tôi tin rằng sẽ có người thấu hiểu để “đặt tên cho 5 ngón”. Ngón để đeo nhẫn, ngón để ấp ui, ngón để sẽ chia , ngón để yêu thương, tin tưởng, 5 ngón khăng kít để cùng nhau tin tưởng đi trọn cuộc đời...

Nhà thơ Lưu Trọng Lư (1911-1991) từng viết: “Đi giữa vườn nhân, dạ ngẩn ngơ / Vì thương người lắm, mới say thơ”. Tin rằng độc giả, đọc thơ Tuấn sẽ “say thơ” để rồi “thương người lắm”!

TP. HCM ngày 04/01/2025

Nguyễn Thị Cúc