Tiếp cận vốn vay giá thấp: “Miếng bánh treo cao”

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Kỳ vọng khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp của NHNN sau quyết định bất ngờ hạ mức lãi suất tiền gửi còn 9%, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng VN còn 13% vào trung tuần tháng 6 khó hiện thực hóa bởi tấm rào cản mà dường như ai cũng biết: nợ xấu.

Kỳ vọng khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp của NHNN sau quyết định bất ngờ hạ mức lãi suất tiền gửi còn 9%, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng VN còn 13% vào trung tuần tháng 6 khó hiện thực hóa bởi tấm rào cản mà dường như ai cũng biết: nợ xấu.

4 tháng chờ “độ trễ chính sách”

Trên thực tế, động thái hạ lãi suất với quyết tâm mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của NHNN gần như nằm ngoài tiên đoán của các chuyên gia kinh tế, bởi theo dự kiến thì mỗi quý sẽ giảm 1% lãi suất. Cũng từ đây, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng mức lãi suất cho vay 13%/năm trên nền vốn huy động ngắn hạn 9%/năm có thể là mặt bằng hợp lý trên thị trường. Lãi suất sẽ khó giảm thêm ít nhất hết quý III/2012.

Ngân hàng siết điều kiện cho vay vốn DN vì ngại nợ xấu

Ngân hàng siết điều kiện cho vay vốn DN vì ngại nợ xấu

Ngân hàng siết điều kiện cho vay vốn DN vì ngại nợ xấu

Cũng theo các chuyên gia thì nếu nhanh, phải 4 tháng nữa DN mới có thể tiếp cận được mức lãi suất “quá hoàn hảo” hiện tại. Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thẳng thắn công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên tới 10%. Cũng theo ông Bình, chi phí vốn thực tế của các ngân hàng còn rất cao do phải gánh tỷ lệ 10% nợ xấu, vì thế, chiều hướng chung của lãi suất là có giảm nhưng chưa giảm được như mong muốn của các DN.

“Thị trường trường cần chờ thêm ít nhất khoảng 4 tháng nữa mới có nhiều vốn giá rẻ, ngân hàng mới trung hòa được số vốn huy động giá cao trước đây với số vốn huy động trên dưới 10%/năm trong thời điểm hiện nay” - Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco Nguyễn Phi Thường khẳng định. Mặc dù vậy, ông Thường cũng cho rằng động thái hạ lãi suất cơ bản lần này của NHNN đang tiếp tục hướng đến mục tiêu rộng đường tín dụng lãi suất thấp cho nền kinh tế, từ đó từng bước tiến đến tháo dỡ trần lãi suất, thực thi cơ chế thị trường. Phía DN, nếu có thể tiếp cận được nguồn vốn này thì quả là không còn gì bằng trong bối cảnh hiện tại.

Doanh nghiệp “đứng mà nhìn”

Tuy vậy, việc tiếp cận mức lãi vay thấp không hề đơn giản. “Lãi suất danh nghĩa hạ nhưng lãi suất thực tế thì vẫn cao” là nhận định chung của doanh nghiệp hiện nay. Không ít lãnh đạo DN đã ví von mức lãi suất thấp hiện tại cũng giống như miếng bánh treo quá cao, DN chỉ có thể “đứng mà nhìn”. “Trong bối cảnh hiện tại, DN dù có nằm trong các nhóm ưu tiên cũng không tiếp cận lãi suất thấp do không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định mà NH đưa ra, hoặc DN muốn tiếp cận được tín dụng phải chấp nhận mức lãi hiện hành trên thị trường, là mức vẫn dao động trên 17%/năm” – ông Thường khẳng định.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, dù nhu cầu rất lớn

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, dù nhu cầu rất lớn

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, dù nhu cầu rất lớn

Cũng xung quanh chuyện tiếp cận vốn vay, ông Trần Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) cho biết, Vinashinlines gần như không quan tâm tới các động thái hạ lãi suất của NHNN hiện nay, hay nói đúng hơn là có muốn quan tâm cũng không được. Tình hình tài chính hiện tại của công ty không thể thuyết phục nổi bất cứ ngân hàng nào. Phóng viên Báo GTVT cũng nhận được câu trả lời tương tự của hàng chục doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển khác – những doanh nghiệp vẫn chưa thoát được ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và đang ngập ngụa trong khó khăn do những nguyên nhân khách quan bởi sự suy thoái của thị trường vận tải biển, hay nguyên nhân chủ quan do đầu tư nóng vội, công tác dự báo thị trường yếu kém...

Khó trách ngân hàng

Có thể nói, nợ xấu hiện đang là rào cản lớn khiến ngân hàng và doanh nghiệp không thể gặp nhau. Ông Thường bức xúc: “Vì nợ xấu quá nhiều, nên dù lãi suất hạ, dù đang thừa tiền, nhưng ngân hàng cũng không cho vay được. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thì hàng hóa tồn kho nhiều, không tiêu thụ được sản phẩm, sản xuất cầm chừng, không đủ điều kiện vay vốn, dẫn đến nợ xấu ngày càng gia tăng”.

Cũng khó trách được các ngân hàng, vì họ cũng chỉ là doanh nghiệp mà mục tiêu kinh doanh an toàn, có lãi phải được đặt lên hàng đầu. Hiện nay các ngân hàng đang phải đối mặt với những khoản nợ xấu, do đó, họ không thể để nợ xấu gia tăng. Trả lời báo chí, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank cho biết, ngân hàng cũng là một DN cần phải đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh trước cổ đông. Eximbank đã dành ra 6.000 tỷ đồng để cung ứng tín dụng giá rẻ cho DN, nhưng với điều kiện DN phải có triển vọng kinh doanh sáng sủa.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng dư nợ tín dụng năm 2011 tăng 12%, so với mức kế hoạch là dưới 20%. Với tình trạng tín dụng tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm 2012, chắc chắn tỉ trọng dư nợ này chưa thể cải thiện, dù lãi suất đã hạ và thanh khoản của các NH không còn là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm như hiện nay.

Thanh Bình

Doanh nghiệp phải chờ

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc doanh nghiệp đã được hưởng mức lãi suất mới sau khi các ngân hàng công bố hạ lãi suất hay chưa, các doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đều cho biết, lãi suất đã giảm từ 19% - 20%/năm xuống còn 16%-17%/năm. Theo đại diện các doanh nghiệp, tuy ngân hàng công bố mức lãi suất cho vay về mức 13%/năm nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận được ngay mức lãi suất này. Dự đoán, khoảng 3-4 tháng nữa doanh nghiệp mới có thể được hưởng mức lãi suất như ngân hàng công bố.

Bên cạnh đó, tiếp cận nguồn vốn khó khăn cũng là ý kiến của nhiều doanh nghiệp. "Do những thủ tục khó khăn khi vay vốn nên khi vay được vốn thì nhiều cơ hội kinh doanh đã trôi qua", đại diện một doanh nghiệp của Vinamotor than phiền. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng nên “cởi mở” hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, cần lựa chọn và phân loại các doanh nghiệp ra từng nhóm, theo một số tiêu chí để có những chính sách vay, mức độ tiền vay cũng như áp dụng lãi suất vay cho hợp lý...

3 - 4 tháng nữa DN mới được vay vốn với mức lãi suất 13%/năm như ngân hàng công bố

3 - 4 tháng nữa DN mới được vay vốn với mức lãi suất 13%/năm như ngân hàng công bố

3 - 4 tháng nữa DN mới được vay vốn với mức lãi suất 13%/năm
như ngân hàng công bố

Mặc dù mức lãi suất cho vay đã giảm nhưng các doanh nghiệp Vinamotor cho rằng vẫn còn cao so với sức chịu đựng của các doanh nghiệp cơ khí ô tô, bởi thị trường đang quá ế ẩm. Theo nhiều doanh nghiệp, vốn vay lãi suất thấp luôn là vấn đề quan trọng với doanh nghiệp nhưng ở thời điểm này thì họ cần nhất là chính sách kích cầu một cách hợp lý.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, dù đang khó khăn về vốn nhưng không quá kỳ vọng vào việc vay được vốn lãi suất thấp hay không, bởi lẽ lượng hàng tồn kho hiện nay rất lớn, nên mối quan tâm hàng đầu là giải phóng hàng tồn kho, chứ không phải vay mới để sản xuất.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang vướng trong vòng luẩn quẩn. Đó là lượng tồn kho trong doanh nghiệp khá lớn, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được, không có tiền trả lãi cho ngân hàng, vì vậy ngân hàng không tiếp tục cho vay khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Theo một số chuyên gia kinh tế, để giải quyết những khó khăn, doanh nghiệp phải tự đánh giá để tự tái cơ cấu trúc; xây dựng chiến lược kinh doanh mới; tính toán khâu giảm chi phí; có kế hoạch phân bổ, sử dụng lao động; nâng cao trình độ dự báo, dự đoán tình hình để linh hoạt trong hoạt động của mình. Ngoài ra, cần có các giải pháp tổng thể của Chính phủ về chính sách thuế, kích thích sức mua trên thị trường, và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô khác.

Thanh Thúy