“Đứt gãy” niềm tin

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Sau giai đoạn hồ hởi, hầu hết DN và NĐT đều trở lại với tâm lý thận trọng và dè dặt với khả năng phục hồi của nền kinh tế và TTCK.
(ĐTCK) Sau giai đoạn hồ hởi, hầu hết DN và NĐT đều trở lại với tâm lý thận trọng và dè dặt với khả năng phục hồi của nền kinh tế và TTCK.

    Sự kiện BIDV hoãn niêm yết thêm 3 tháng nữa so với dự kiến ban đầu được dư luận đánh giá là hợp lý, bởi nếu niêm yết vào thời điểm thanh khoản thị trường thấp và bước giá dao động trong một biên độ hẹp như hiện nay, cổ phiếu BIDV có thể gây ra những xáo trộn nhất định đối với diễn biến thị trường. Vào thời điểm BIDV thực hiện IPO, TTCK đang ở vùng đáy và khi đó, ngân hàng này đã cam kết sẽ niêm yết vào tháng 6/2012. Để đưa ra cam kết này, Ban lãnh đạo BIDV đã ước tính kịch bản của lạm phát, lãi suất giảm và chứng khoán sẽ sôi động trở lại. Nhưng tác động của chính sách lên TTCK luôn có sai số về thời điểm, nên tháng 6 không còn là thời điểm thuận lợi cho BIDV niêm yết.

    Cách đây 2 tháng, khi TTCK đạt thanh khoản hơn 2.000 tỷ đồng/ngày, tại ĐHCĐ của một CTCK lớn, cổ đông đã đề nghị ban lãnh đạo công ty điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận. Khi đó, ban lãnh đạo công ty đã đồng ý sẽ xem xét điều chỉnh kế hoạch sau 6 tháng đầu năm. Nhưng thời điểm này, “không có ý định điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận, dù công ty đã vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm, mà chỉ cân nhắc xem có cần thiết điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận hay không”, giám đốc CTCK này chia sẻ.

    Khảo sát ở một số công ty lớn cũng cho thấy, việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm là chưa thể hứa trước, thậm chí lãnh đạo nhiều doanh nghiệp còn nghiêng về khả năng vỡ kế hoạch.

    Chính vì thế, tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư lúc này là thận trọng, không bi quan, nhưng cũng không quá lạc quan. Tâm lý này thể hiện trong diễn biến lình xình của TTCK khi nhà đầu tư không hoảng loạn bán tháo, nhưng cũng sẵn sàng bán ra khi giá tăng cao và mua vào khi giá giảm. Thị trường không đến nỗi chia làm 2 phe, một bên cầm tiền muốn giá xuống và một bên cầm cổ phiếu muốn giá lên, mà hai tâm lý đó đều có trong mỗi chủ thể đầu tư. Dù thị trường lên hay xuống, nhà đầu tư cũng chuẩn bị phương án để hành động và không có sức ép quá lớn phải mua hay phải bán chứng khoán ở thời điểm này.

    Nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã được ban hành với kỳ vọng làm lực đỡ cho thị trường. Nhưng tác động của chính sách lại đến chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu, khiến TTCK không thể đi trước nền kinh tế một khoảng cách quá xa. Đã gần một tháng từ khi trần lãi suất huy động 9%/năm được áp dụng, lãi suất cho vay giảm xuống mức trên dưới 12%/năm, nhưng các chỉ số như tăng trưởng tín dụng, nhập siêu, tỷ giá khá ổn định… phần nào cho thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư vẫn chưa sôi động trở lại.

    Trong bối cảnh đó, sự phục hồi của TTCK không thể đếm bằng ngày, nên tâm lý dè dặt của nhà đầu tư là điều dễ hiểu.

Người quan sát