Quý 2: Giá xăng, dầu thế giới tuột dốc không phanh

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Tín hiệu tích cực từ cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành chất xúc tác tuyệt vời cho các thị trường hàng hóa quốc tế đêm qua 29/6. Không chỉ chứng khoán, vàng, ngoại hối, giá các mặt hàng năng lượng cũng tăng như vũ bão.

Cập nhật lúc: 30/06/2012-08:55:36


Phiên cuối tuần 29/6, giá các mặt hàng năng lượng tăng như vũ bão sau tín hiệu lạc quan từ châu Âu.
KTĐT - Tín hiệu tích cực từ cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành chất xúc tác tuyệt vời cho các thị trường hàng hóa quốc tế đêm qua 29/6. Không chỉ chứng khoán, vàng, ngoại hối, giá các mặt hàng năng lượng cũng tăng như vũ bão.

Hôm qua, kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày, các nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý thành lập cơ quan giám sát tài chính chung cho các ngân hàng Khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhằm cho phép các ngân hàng này tái cấu trúc vốn trực tiếp bằng quỹ giải cứu khu vực mà không làm gia tăng nợ công.

Trước đó, cuối ngày 28/5, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng ý về nguyên tắc “hiệp ước tăng trưởng và việc làm” có quy mô 120 tỷ Euro. Tuy nhiên, Italy và Tây Ban Nha lại yêu cầu các thành viên khác, cụ thể là Đức, ưu tiên thực hiện các biện pháp để hạ thấp chi phí vay mượn tại 2 nước này trước.

Ngay sau tin này đồng Euro bật tăng mạnh tại châu Á, châu Âu và duy trì tốt đà tăng ở thị trường Bắc Mỹ, trong khi đồng USD suy yếu nặng nề. Chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh với 6 loại tiền chủ chốt khác, đã hạ xuống còn 81,631 điểm, từ mức 82,849 điểm cuối phiên liền trước.

Thông tin tích cực ngoài dự báo đã đẩy bật các thị trường hàng hóa trong đó có năng lượng đi lên phiên đêm qua. Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 8 tại sàn hàng hóa New York tăng 7,27 USD, tương ứng 9,4%, lên 84,96 USD/thùng, mức cao nhất trong khoảng 3 tuần vừa qua.

Đây cũng là phiên có mức tăng % mạnh nhất kể từ ngày 12/3/2009. Với mức tăng nay, 5 phiên vừa qua, giá dầu thô thế giới đã tăng được tổng cộng 6,5%. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 6, giá dầu vẫn giảm 1,8%, còn trong cả quý, giá dầu thô đã giảm tới 18%. Đây là quý tồi tệ nhất từ cuối năm 2008.

Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, giá dầu thô tại sàn New York đã để mất 14%. Trong khi đó, trên sàn London, giá dầu thô Brent Biển Bắc cũng giảm tới 20% trong quý 2, cho dù phiên cuối tuần 29/6, dầu thô loại này đã bốc giá 6,44 USD, tương ứng 7%, lên chốt ở mức 97,80 USD trên mỗi thùng.

Tương tự như dầu thô, chốt phiên cuối tuần, giá xăng giao tháng 7 tăng tới 11 cent, tương ứng 4,3%, lên 2,73 USD/gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn tăng 14 cent, tương ứng 5,7%, lên mức 2,70 USD/gallon. Khí tự nhiên giao tháng 8 tăng được 10 cent, tương ứng 3,8%, lên 2,82 USD/ triệu BTU.

Tính chung cả tuần, giá xăng tăng 6,1%, giá dầu sưởi tăng 6,4%, giá khí tự nhiên tăng 5,9%. Xét chung cả tháng 6, giá xăng trượt tới 3,5%, giá dầu sưởi giảm 0,4%, trong khi khí tự nhiên tăng 17%. Còn xét cả quý 2 vừa qua, giá xăng giảm tới 20%, dầu sưởi hạ 15%, còn giá khí tự nhiên tăng được 3%.
Theo VnEconomy