Quy hoạch cảng biển: Cần có giá sàn dịch vụ cảng

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Với mức giá dưới 40USD/container các cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đang phải gồng mình chịu lỗ.

Do thiếu nguồn hàng, để cạnh tranh, một số cảng biển đã hạ giá bốc xếp xuống rất thấp, nên không những không mang lại lợi nhuận mà còn chấp nhận thua lỗ. Để bảo đảm sự phát triển bền vững cho hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải, các nhà đầu tư cảng cho rằng cần áp dụng mức giá sàn đặt dưới sự điều tiết của Nhà nước.

GIÁ QUÁ THẤP

Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép, khi quyết định đầu tư cảng, các nhà đầu tư đưa ra các giả định kinh doanh trên cơ sở giá cước bốc xếp chào khoảng 55-60 USD/TEU, thế nhưng hiện tại ở khu vực Cái Mép, giá cước bốc xếp chỉ còn dưới 40USD/TEU. Với mức giá này, phần lớn các cảng đang phải chịu thua lỗ.

Theo Hiệp hội cảng biển Việt Nam, hiện giá dịch vụ kho bãi, xếp dỡ hàng container tại các cảng nước sâu trong khu vực Cái Mép - Thị Vải là quá thấp. Chi phí tối thiểu cho việc xếp dỡ container tại các cảng thường dao động 65-70 USD/TEU, nhưng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải chỉ thu hơn 30 USD/container (loại 20 feet) và 50 USD/container (loại 40 feet), kèm theo nhiều khoản ưu đãi, khuyến mãi khác.

Nếu so với các cảng biển có năng lực bốc xếp container tương tự trong khu vực thì mức giá dịch vụ tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải thấp hơn 2-3 lần. Cụ thể như: Cảng Singapore thu 117 USD/container loại 20 feet và hơn 160 USD/container loại 40 feet, cảng Hong Kong thu 269 USD/container loại 20 feet và 450 USD/container loại 40 feet. Việc hạ thấp giá dịch vụ tại cảng đang khiến cho các cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải thua lỗ kéo dài.

Trong khi giá dịch vụ cảng biển Việt Nam so với các cảng khác trong khu vực thấp thì đầu tư của cảng biển rất lớn (hàng trăm triệu USD cho một bến cảng tiêu chuẩn), cộng với áp lực trả lãi vay ngân hàng, khiến không ít nhà đầu tư lo lắng về khả năng hoàn trả vốn vay và làm sao hoạt động có lãi. Đã có một số cảng đang phải thay đổi công năng, thậm chí còn nghĩ đến việc treo cẩu.

ĐỊNH MỨC SÀN ĐỂ NẮM QUYỀN CHI PHỐI

Hiện nay, mức giá dịch vụ tại các cảng biển là do cảng tự đưa ra trên cơ sở cân đối lỗ - lãi nên khi nguồn hàng khan hiếm, các cảng đành hạ mức giá để tăng sức hút. Trong khi đó, Nhà nước lại không thể can thiệp sâu vào giá dịch vụ vì những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cảng tại khu vực Cái Mép -Thị Vải, Hiệp hội cảng biển Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải và Cảng Sài Gòn đã có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2011, kiến nghị Nhà nước ban hành quy định liên quan tới giá sàn áp dụng cho các cảng nước sâu có đầu tư lớn tại khu vực BR-VT.

Đồng thời, Hiệp hội cảng biển Việt Nam cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3 năm 2012 về việc đưa dịch vụ xếp dỡ container tại các cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải vào danh mục bình ổn giá và Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải về việc ban hành giá sàn dịch vụ xếp dỡ tại khu vực Cái Mép - Thị Vải. Theo kiến nghị, đối với hãng tàu, cần có biện pháp hạn chế khả năng chi phối thị trường, áp đặt giá, phí. Từng bước xây dựng lộ trình và biện pháp làm thông thoáng thị trường, bình ổn và tiến đến thống nhất giá dịch vụ cảng biển cho dịch vụ vận tải nội địa và quốc tế, hạn chế khả năng thao túng thị trường.

Những năm gần đây, đã có nhiều dự án cảng nước sâu theo tiêu chuẩn quốc tế được đưa vào hoạt động tại hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải, tuy nhiên giá dịch vụ lại hoàn toàn chưa tương xứng. Sự lệch pha về phát triển này kéo theo những hệ quả đáng ngại, một mặt làm chùn bước những nhà đầu tư lớn, mặt khác cần thời gian dài để cho thị trường tự phát đi lên chính qui hiện đại. Để có tính chuyên nghiệp và thống nhất chung giữa các cảng biển trong đó có vấn đề giá dịch vụ cảng, Tiến sĩ Võ Đại Lược cho rằng, nên thành lập một “chính quyền cảng” để chịu trách nhiệm quy hoạch phát triển và chỉ đạo điều hành chung hệ thống cảng, trong đó có việc thống nhất giá dịch vụ.