Núi Tao Phùng và Tượng Chúa Ki Tô
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Núi Tao Phùng - núi Nhỏ (TP. Vũng Tàu), là một trong hai ngọn núi đẹp nhất của Thành phố biển Vũng Tàu. Núi không cao lắm, chỉ cách mặt nước biển 170m, nhưng lại có hai đỉnh và trải dài từ Bắc đến Nam. Dọc theo sườn núi phía Bắc đổ ra cầu Đá, dọc theo sườn núi phía Nam là Mũi Nghinh Phong lộng gió. Chinh phục gần 800 bậc tam cấp, sẽ đưa bạn lên đến chân tượng Chúa Kitô và trận địa pháo cổ cuối thế kỷ XIX. Với cảnh quan kiến trúc, nơi đây đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Núi Tao Phùng là ngọn núi đẹp của TP. Vũng Tàu, tên gọi Tao Phùng xuất phát từ câu chuyện xa xưa khi vị công chúa con Vua thủy tề hóa thân thành con cá vàng mải mê đi chơi nên bị sa vào lưới của chàng trai làng chài. Thấy cá đẹp chàng đem lên núi khoét đá thành vũng nước cho vào nuôi. Một hôm khi đi biển về, chàng thấy núi đầy hoa trái. Đang còn bỡ ngỡ bỗng từ trong núi có một thiếu nữ đi ra nói rõ sự tình. Từ đó, họ trở thành đôi vợ chồng. Cuộc sống đang yên vui, đầm ấm thì bỗng một ngày kia có người lạ tay cầm hộp ngọc sáng chói tìm đến, bắt nhốt người vợ vào bên trong. Người chồng đau đớn, tìm mọi cách van xin cho vợ nhưng đều vô ích. Trong hộp ngọc, người vợ trở lại hình dáng con cá vàng, mắt đẫm lệ. Từ đó, cứ 5 năm một lần, cá vàng mới được gặp mặt chồng. Núi nhỏ là nơi gặp gỡ của hai vợ chồng nên người ta đặt tên là núi Tao Phùng.
Tượng Chúa Kitô trên đỉnh Núi Tao Phùng do Giáo hội Thiên chúa giáo xây dựng từ năm 1974. Công trình hoàn thành giai đoạn 1 thì giải phóng đất nước, vì nhiều lý do, đến năm 1994 công trình chính thức khánh thành trọng thể và trở thành điểm tham quan ở Vũng Tàu, thu hút đông đảo du khách gần xa. Kiến trúc, điêu khắc tượng Chúa Kitô là một tác phẩm nghệ thuật lớn, là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với kiến trúc nghệ thuật Việt Nam hiện đại, mang đậm tính dân tộc và tôn giáo.
Tượng cao 32m đặt trên bệ cao 10m hình cánh cung, quay mặt ra biển, nét mặt bao dung, nhân hậu, đôi tay dang rộng như đang che chở, bao bọc chúng sinh. Dẫu là một bức tượng tô bằng đá nhưng những chi tiết về thẩm mỹ và nghệ thuật đều thể hiện sự mềm mại, sinh động, giàu sức sáng tạo. Phía trước bệ được trang trí bức phù điêu phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa người Ý (Leonard de Vinci) “bữa tiệc biệt ly”. Mặt sau là một bức tranh lớn mô tả cảnh “Đức Chúa trao chìa khóa cho Ông Phêrô”. Từ chân tượng, bạn phải chinh phục thêm hơn 130 bậc thang xoắn ốc trong lòng tượng để ra đến hai bên cánh tay. Từ đây bạn có thể ngắm bờ biển Vũng Tàu và đón những cơn gió biển vù vù, mát rượi.
Dưới chân tượng Chúa Kitô, du khách bắt gặp hai cỗ pháo khổng lồ, mỗi cỗ pháo đều được đặt trong một công sự đào sâu dưới mặt đất tròn, có đường kính 10,5m. Nhờ hệ thống bánh răng cưa gắn với bệ cố định, các cỗ pháo này có thể quay tròn mọi hướng và có thể nâng cao hay hạ thấp, được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn. Trận địa pháo này là một trong ba trận địa của tuyến phòng thủ Vũng Tàu của người Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX.
Có thể nói, tượng Chúa Kitô trên đỉnh núi Tao Phùng là phiên bản của tượng tại thành phố Rio de Janeiro - Brasil, được xem là tượng đài về Chúa Kitô lớn nhất thế giới hiện nay. Theo Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, giai đoạn 1 của cuộc xác lập kỷ lục châu Á, tượng Chúa Kitô là 1 trong số 10 kỷ lục Việt Nam trên tổng số 30 hồ sơ đề nghị công nhận kỷ lục vừa được Hội đồng xác lập kỷ lục châu Á thông qua.