Cơ hội nghề nghiệp trong ngành logistics & vận chuyển hàng không
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Ngành logistics nói chung và vận chuyển hàng không nói riêng đang rất khan hiếm về nguồn nhân lực, đặc biệt là ở Việt Nam, sinh viên ra trường rất ít được tiếp cận với ngành này. Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo chuyên nghiệp, đạt chuẩn đào tạo hành nghề quốc tế cho ngành logistics và vận chuyển hàng không, Công ty TNHH MTV Tri Thức Hậu Cần, là đơn vị được ủy nhiệm đào tạo chương trình nghiệp vụ hàng không của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - IATA, và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics (là đơn vị duy nhất tại VN được ủy nhiệm đào tạo chương trình nghiệp vụ logistics của Liên đoàn Quốc tế Các Hiệp hội Giao nhận - FIATA) đã tổ chức Hội thảo “Cơ hội nghề nghiệp trong ngành logistics và vận chuyển hàng không” tại TP.HCM diễn ra ngày 29.9.2012.
Hội thảo lần này với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý cấp cao của các tập đoàn, công ty đa quốc gia trong ngành logistics và hàng không, giới thiệu xu hướng phát triển của ngành logistics và hàng không tại thị trường VN và thế giới, yêu cầu về tiêu chuẩn nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế cho người lao động làm việc trong các ngành công nghiệp logistics và hàng không; và đưa đến những cơ hội nghề nghiệp cho người lao động trong các ngành công nghiệp này.
NHÂN LỰC LOGISTICS, HÀNG KHÔNG VN ĐANG THIẾU HỤT
Sau 5 năm gia nhập WTO, ngành dịch vụ logistics VN hiện đang xếp hạng 53/155 quốc gia, với tốc độ tăng trưởng tốt, bình quân 20-25%/ năm. Và theo thông tin từ Hiệp hội VIFFAS, đây là ngành đang phát triển “nóng”, nhu cầu về nguồn nhân lực đào tạo chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn hành nghề quốc tế hiện đang thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt nhân sự cho nghiệp vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Những nhân tố cần cho ngành logistics và vận tải hàng không (hay còn gọi là phần cứng) đó là trang thiết bị, thủ tục, công nghệ IT, luật lệ và nhân sự. Tuy nhiên điều đó chưa đủ làm nên sự đột phá cho ngành logistics và hàng không, mà điều kiện đủ để có sự phát triển bền vững là nguồn nhân lực chuyên nghiệp (còn gọi là phần mềm kỹ năng).
Theo khảo sát mới nhất của Viện Logistics - đơn vị trực thuộc VIFFAS, trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm khoảng 18.000 lao động. Các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, phân phối, dịch vụ… dự trù sẽ cần thêm 1 triệu nhân sự có chuyên môn logistics. Riêng về hoạt động vận chuyển hàng không: hiện tại đã có trên 51 hãng hàng không nước ngoài hoạt động vận chuyển/khai thác vận tải kết nối VN với toàn cầu, nhưng cho đến nay hiện cả nước chỉ có một đơn vị đào tạo chính quy là Học viện Hàng không nhưng phục vụ chủ yếu nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành hàng không dân dụng VN. Chính vì thế, nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp khác trong ngành này hiện cực kỳ khan hiếm.
VIỆN LOGISTICS – NƠI HƯỚNG NGHIỆP CHO SINH VIÊN
Theo ông Trần Huy Hiền – Tổng Thư ký Hiệp hội VIFFAS, hiện nay VN đang đối diện với thực trạng là sinh viên ra trường thì thất nghiệp, trong khi đó các doanh nghiệp trong ngành lại kêu là thiếu nhân lực, vậy giải quyết bài toán này như thế nào? Ông chia sẻ, muốn làm việc trong ngành logistics thì sinh viên khi ra trường cần phải có kiến thức một cách chuyên sâu, tuy nhiên để có được điều này thì đòi hỏi phải được đào tạo ngành nghề, đó là cách nhanh nhất cho sinh viên mới ra trường với những khóa học bổ ích để đào tạo nguồn nhân lực, đây là phương pháp đào tạo mà các nước trên thế giới đã áp dụng rất thành công. Ông Hiền cho biết thêm, không cần phải chờ đến lúc ra trường mà ngay khi học, sinh viên cũng nên định hướng nghề nghiệp và tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để có được những kiến thức chuyên sâu sớm nhất có thể.
Ông Đỗ Xuân Quang cũng cho biết: Viện Logistics là đào tạo là Viện duy nhất đào tạo nhân lực ngành logistics ở VN, là những khóa học chủ yếu của chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành logistics của FIATA đang áp dụng trên 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, những khóa học này sẽ rút ngắn khoảng trống về kiến thức và kỹ năng làm việc của nguồn nhân lực giữa các quốc gia về logistics và giao nhận vận tải quốc tế.
Chương trình đạo ở Viện Logistics được nghiên cứu thực tế và yêu cầu của ngành hàng không giúp người học có thể bố trí việc học phù hợp, chủ yếu hướng vào thực hành, với những giảng viên được huấn luyện và phê chuẩn bởi FIATA. Giúp sinh viên nhanh chóng biết rõ về ngành nghề và có kỹ năng làm việc thực tế ngay từ khi còn học. Đó chính là khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp và tạo cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề có giá trị toàn cầu, được thừa nhận ở các tập đoàn, các công ty đa quốc gia trong ngành logistics, ngành hàng không trong nước và quốc tế.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC LOGISTICS
Ông Jonathan Mark Pereira, Chuyên gia huấn luyện hậu cần hàng không Singapore, giảng viên IATA, cho biết: để có một chương trình hành động cho việc đào tạo nguồn nhân lực logistics, cần phải thiết lập hướng đào tạo nhằm thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics và vận chuyển hàng không, qua đó cung cấp một chuẩn mực đào tạo cho nguồn lực hàng không cũng như tổng quan các khóa học được công nhận của quốc tế và được cung cấp từ những chứng chỉ đáng tin cậy.
Để phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, cần đào tạo từ căn bản đến chuyên sâu và có mối liên quan tới một tổ chức, tìm hiểu rõ về nhu cầu ngành nghề, những dịch vụ giá trị gia tăng, chi phí đào tạo hiệu quả và đào tạo Anh ngữ cho nguồn nhân lực. Để thực hiện sinh viên theo học ngành logistics cần được đào tạo bởi các nhà đào tạo được công nhận toàn cầu, các khóa học, các chương trình được công nhận trên toàn cầu, với những giảng viên chuyên nghiệp. Đồng thời quá trình hỗ trợ sau đào tạo cho sinh viên, đối với VN ông cũng cho rằng: các khóa đào tạo ở Viện Logistics với sự hướng dẫn của các chuyên gia trong ngành sẽ giúp sinh viên có được những kiến thức chuyên sâu về logistics và vận tải hàng không, từ đó sinh viên có thể định hướng được nghề nghiệp của mình trong tương lai.