Hội thảo Hiệp định FTA – Tận dụng ưu đãi xuất khẩu
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Ngày 24/10/2012, tại Hà Nội, Cục xúc tiến Thương mại đã tổ chức Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do FTA: Tận dụng các ưu đãi và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu”. Hội thảo đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu trong nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Xuân Dương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Bộ Công Thương nhấn mạnh: Để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập sâu vào nền kinh tế thương mại toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thì việc ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển. Hy vọng doanh nghiệp sẽ nắm bắt và tận dụng được những thuận lợi và ưu đãi từ các Hiệp định FTA để chủ động định ra chiến lược tiếp cận thị trường nước ngoài một cách hiệu quả.
Ông Trần Bá Cường – Trưởng phòng WTO, chuyên gia đàm phán, Vụ chính sách Thương mại Đa biên Bộ Công Thương đã giới thiệu những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ nhận được từ việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, hàng thủ công mỹ nghệ, nông lâm thủy sản…Qua thực tế triển khai các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam, Nhật Bản, Úc, Newdilan, Ấn Độ, các nước Asean…các doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất xuất khẩu, tuy nhiên ông Cường cũng đưa ra nhiều khuyến cáo về các rào cản thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải khi thâm nhập thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp nên liên tục cập nhật những thay đổi trong lộ trình cắt giảm thuế theo lộ trình mà các nước tham gia Hiệp định đã ký kết, để có thể thương lượng đàm phán sao cho có lợi hơn cho doanh nghiệp.
Đến từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học Công nghệ, ông Lê Quốc Bảo – Giám đốc Văn phòng TBT (Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) đã giới thiệu cơ bản những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu là các rào cản kỹ thuật (TBT), vệ sinh thực phẩm và dịch tễ (SPS), tự vệ thương mại… mà các nước đưa ra nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu hoặc các lý do khác như về an toàn vệ sinh, môi trường…để vượt qua thách thức này, bên cạnh nghiên cứu thị trường, thủ tục thuế, hải quan, các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu kỹ các văn bản quy định của các nước về sản phẩm mà doanh nghiệp định sản xuất, liên tục cập nhật thông tin để đưa ra kế hoạch cụ thể và phù hợp.
Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã ký kết 7 Hiệp định thương mại FTA với các đối tác, đang và sẽ đàm phán thêm nhiều Hiệp định khác nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo WTO, hiện có 333 các Hiệp định thương mại khu vực đã được thông báo, trong đó có 193 Hiệp định Thương mại Tự do, 22 Liên minh Hải quan, 93 Hiệp định Liên kết kinh tế và 25 Hiệp định Ưu đãi Thương mại.