Cần thẩn trọng khi chấp nhận giới hạn trách nhiệm theo quy tắc điều chỉnh vận đơn

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Cho tới nay, VN chưa gia nhập Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc về vận đơn, ký kết tại Brussels, thủ đô Vương Quốc Bỉ ngày 25.8.1924. Công ước này có tất cả 16 điều, tuy nhiên chỉ có 9 điều (từ Điều 1 tới Điều 9) đề cập tới quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, những điều còn lại chỉ quy định về thủ tục phê chuẩn gia nhập hay rút khỏi Công ước.

Cho tới nay, VN chưa gia nhập Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc về vận đơn, ký kết tại Brussels, thủ đô Vương Quốc Bỉ ngày 25.8.1924. Công ước này có tất cả 16 điều, tuy nhiên chỉ có 9 điều (từ Điều 1 tới Điều 9) đề cập tới quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, những điều còn lại chỉ quy định về thủ tục phê chuẩn gia nhập hay rút khỏi Công ước.

Thực tế, ngay từ năm 1921 một Ủy ban về vận đơn (Bill of Lading Committee) đã được các giới chủ hàng và chủ tàu châu Âu thành lập và đã họp tại thành phố Hague, thủ đô hành chính của Hà Lan, để thống nhất một số các quy tắc điều chỉnh vận đơn. Vì vậy các quy tắc đó có tên gọi tắt là Hague Rules. Chính những quy tắc này sau đó đã làm nền tảng cho Công ước Brussels 1924 nói trên nên khi gọi tắt Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc về vận đơn người ta không gọi là Brussels Rules (như Hamburg Rules hay Rotterdam Rules) mà vẫn gọi là Hague Rules.

Khi sử dụng 9 điều của Công ước để quy định nghĩa vụ và quyền hạn của người vận chuyển, người ta gọi nó là Hague Rules. Nói cách khác, khi gọi là Hague Rules người ta thường chỉ đề cập tới các nội dung từ Điều 1 tới Điều 9 hay còn gọi là Quy tắc I tới Quy tắc IX của Công ước trên.

Thực tế ký kết và thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ở VN cho thấy tới nay trong tuyệt đại đa số trường hợp khi ký kết hợp đồng vận chuyển theo chứng từ (vận đơn) hay hợp đồng vận chuyển theo chuyến (voyage charter party), nếu người thuê có yêu cầu áp dụng Hague Rules để điều chỉnh trách nhiệm hai bên, DN giao nhận vận tải phía VN thường chấp nhận coi như là một sự thỏa thuận riêng giữa hai bên mà không có bất kỳ một bảo lưu nào cả, nghĩa là người vận chuyển VN, với tư cách là người vận chuyển (carrier), chấp nhận toàn bộ 9 quy tắc của Hague Rules.

Mọi người đều biết rằng ngoài 17 miễn trách nhiệm nêu trong Điều 4.2 của Hague Rules, người vận chuyển trong bất kỳ trường hợp nào cũng không phải bồi thường tổn thất mất mát hàng hóa vượt quá giới hạn 100 Bảng Anh cho một kiện hay đơn vị hàng hóa như quy định tại Điều 4.4. Giới hạn này gọi là Hgue Rules Limitation. Tiếp đó, Điều 9 quy định 100 Bảng Anh nói trong Hague Rules là 100 Bảng Anh tính theo bản vị vàng, chứ không phải 100 Bảng Anh thông thường vẫn lưu thông trên thị trường. Một khi đã là 100 Bảng bản vị vàng thì nó sẽ tương đương với 732,238 gram vàng hàm lượng nguyên chất theo quy định trong Đạo luật Coinage của Vương Quốc Anh, từ đó nếu quy đổi ra đồng Bảng thông thường nó sẽ là 6.630,50 Bảng.

Ở một vụ kiện nổi tiếng trong luật hàng hải Anh, gọi là vụ “Rosa S. (1988) 2 Lloyd’s Rep. 754”, người vận chuyển in sẵn trong vận đơn của mình rằng “hợp đồng vận chuyển mà vận đơn này là bằng chứng sẽ áp dụng Hague Rules để điều chỉnh trách nhiệm của người vận chuyển, theo đó, Điều IV r.5 của Hgue Rules nói rằng trong bất cứ trường hợp nào cả người vận chuyển lẫn tàu đều không chịu trách nhiệm đối với hư hỏng, tổn thất và mất mát hàng hóa vượt quá 100 Bảng Anh cho một kiện hay một đơn vị hàng hóa trừ khi người gửi hàng đã kê khai trị giá hàng trước khi xếp lên tàu và trị giá của hàng phải được ghi vào vận đơn”. Không may trước khi đến cảng đích, một số hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển và người vận chuyển không có bằng chứng bác bỏ trách nhiệm của mình. Căn cứ vào quy định trên trong vận đơn, người vận chuyển đồng ý bồi thường cho chủ hàng nhưng chỉ giới hạn ở mức 100 Bảng Anh/kiện. Chủ hàng không chấp nhận mức bồi thường này mà yêu cầu áp dụng Điều 9 của Hague Rules, tức là 100 Bảng theo bản vị vàng, tương đương 6630,50 Bảng/Kiện như quy định trong Đạo luật Coinage nói trên. Người vận chuyển không đồng ý, vì vậy hai bên đã đưa nhau ra tòa án hàng hải Anh để phân xử. Thẩm phán Hobhouse, chủ trì vụ xét xử này, phán rằng:

“Người vận chuyển đã in sẵn trong vận đơn một quy định áp dụng Hague Rules không có một bảo lưu nào cả, điều này đồng nghĩa là người vận chuyển đã chấp nhận áp dụng toàn bộ 9 quy tắc và không loại trừ quy tắc 9, tức quy tắc quy định 100 Bảng phải là 100 Bảng theo bản vị vàng. Điều này cũng phù hợp với Điều 3.8 trong Hague Rules nói rằng bất cứ điều khoản hay thỏa thuận nào trong hợp đồng vận chuyển làm giảm nhẹ trách nhiệm của người vận chuyển về hư hỏng mất mát hàng hóa do lỗi lầm hay không làm tròn nghĩa vụ như quy định trong điều này hoặc giảm bớt trách nhiệm so với quy định của Công ước đều bị vô hiệu hóa và không có giá trị. Hơn thế nữa, Điều khoản cơ bản (Paramount Clause) trong vận đơn do người vận chuyển cấp cho chủ hàng cũng quy định rõ không có điều nào trong vận đơn này được coi là sự thoái lui của người vận chuyển đối với các quyền và các miễn trách nhiệm của mình cũng như được coi là sự gia tăng trọng trách của người vận chuyển đối với các trách nhiệm quy định trong Hague Rules hay các quy định tương tự. Nếu có điều nào trong vận đơn này mâu thuẫn với quy định như vậy hoặc mâu thuẫn với Hague Rules thì điều đó sẽ bị vô hiệu hóa và không có giá trị trong phạm vi và chừng mực của những quy định đó”. Trên cơ sở đó, Thẩm phán Hobhouse kết luận chủ hàng được hưởng mức bồi thường 6630,50 Bảng/Kiện như quy định trong Điều 9 của Hague Rules.

Từ sau vụ kiện nổi tiếng nói trên, các hãng vận tải thông minh trên thế giới đã ngay lập tức sửa đổi quy định trong vận đơn hoặc hợp đồng vận chuyển theo chuyến về việc áp dụng Hague Rules theo cách như sau:

“Với trường hợp hợp đồng vận chuyển là từ cảng tới cảng, trách nhiệm (nếu có) của người vận chuyển đối với hư hỏng, mất mát hay chậm trễ xảy ra với hàng hóa từ lúc xếp lên tàu cho đến khi dỡ khỏi tàu sẽ được xác định căn cứ vào luật quốc gia có quy định Hague Rules bắt buộc áp dụng cho vận đơn, hoặc trong bất cứ trường hợp nào khác, theo quy định của Hgue Rules nhưng chỉ áp dụng từ Điều 1 tới Điều 8 của Quy tắc này mà thôi.

Trước tình hình nói trên, DN giao nhận vận tải VN cần khẩn trương kiểm tra lại các vận đơn in sẵn của mình cũng như các hợp đồng vận chuyển theo chuyến để gấp rút sửa đổi lại các quy định về áp dụng Hague Rules sao cho phù hợp với cách viết như các chủ tàu thông minh trên thế giới đã vận dụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.