Thách thức lớn về lạm phát

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Nhằm kiểm soát mục tiêu lạm phát từ 6-6,5% vững chắc trong năm 2013 ngoài việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các chính sách khác như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công... Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%.

Nhằm kiểm soát mục tiêu lạm phát từ 6-6,5% vững chắc trong năm 2013 ngoài việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các chính sách khác như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công... Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%.

KIỂM SOÁT CHẶT CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Định hướng của Chính phủ là kiềm chế lạm phát năm 2013 dưới 6,8% (con số lạm phát năm 2012), tuy nhiên mới 2 tháng đầu năm, chỉ số tiêu dùng (CPI) đã biến động cao hơn mức bình quân các tháng trước đó. Vì thế, đã có những cảnh báo lạm phát quay trở lại, nếu việc điều hành các giải pháp kém hiệu quả.

Kể từ năm 2007 đến năm 2011, lạm phát tại VN luôn cao. Năm 2012, mặc dù lạm phát đã được đưa về mức một con số, nhưng lạm phát vẫn luôn chờ chực bùng phát do áp lực tăng trưởng tín dụng cho một nền kinh tế đang ốm yếu. Các chuyên gia cho rằng, năm 2012, CPI giảm chủ yếu do giá lương thực giảm, nhu cầu tiêu dùng yếu, do người dân thắt chặt chi tiêu... Trong khi đó, năm 2013 lại có nhiều yếu tố tăng như tăng lương, điều chỉnh giá xăng dầu, điện, than... Vì vậy, chỉ cần giá lương thực không giảm thì CPI sẽ dễ dàng đạt mức 10%. Điều này trở nên đáng lo hơn khi xu thế điều chỉnh tăng giá các hàng hóa dịch vụ cơ bản vẫn tiếp tục, việc bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế lại đang được giới doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng.

Trong khi đó, thời gian qua NHNN mua lại từ các tổ chức tín dụng lượng ngoại tệ lớn. Cụ thể cả năm 2012 NHNN đã mua vào 15 tỷ USD, đặc biệt trong 2 tháng cuối năm 2012 mua vào tới 5 tỷ USD. Tháng 1 và 2 năm 2013 cũng vậy. Khi tháng 1.2013 chưa qua, nhưng NHNN đã kịp mua vào khoảng 2 tỷ USD. Tính chung 4 tháng gần đây, lượng tiền VND được NHNN cung ra là khá lớn và điều này rất dễ gây áp lực lên lạm phát. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, chống lạm phát không nên đi vào vài điểm mấu chốt mà cần đi vào những giải pháp dài hạn, căn cơ hơn, để tránh chu kỳ một năm giảm hai năm tăng, như quy luật đã từng xảy ra trước đó.

CẤP BÁCH XỬ LÝ NỢ XẤU

Năm 2012, lãi suất liên tục giảm, kể cả lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Đó là do lạm phát trong năm đã được kiềm chế xuống thấp (6,8%). Tuy nhiên, vốn huy động trong hệ thống NH năm rồi tăng khá cao, ở mức khoảng 17%. Năm nay, Chính phủ chỉ đạo làm sao nền kinh tế có mức tăng trưởng cao hơn năm rồi, nhưng lạm phát phải thấp hơn. Theo kế hoạch của NHNN, thì tín dụng năm 2013 sẽ tăng khoảng 12%, bình quân tăng 1%/tháng. Do vậy, ngay từ quý I.2013, các NHTM đã mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, tín dụng lại tăng trưởng âm trong tháng đầu năm, làm dấy lên mối lo ngại dồn vào các tháng cuối năm và lại gây áp lực lên lạm phát.

Các chuyên gia nhận định rằng, hệ thống NHTM VN đang có hai vấn đề lớn: một là chưa xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém. Những NH này luôn rơi vào tình trạng kém thanh khoản. Do vậy, họ luôn phải phá trần lãi suất huy động, từ đó làm dấy lên cuộc đua lãi suất giữa các NHTM. Điểm yếu thứ hai, đó là nợ xấu ngày càng nhiều. Nợ xấu không chỉ ở những NH nhỏ mà ở cả NH lớn, trong khi đó, đến nay VN chỉ mới xử lý nợ xấu bằng hai biện pháp cơ bản: Đó là giãn, hoãn và dùng dự phòng rủi ro - tức là biến nợ xấu thành nợ không xấu. Bởi vậy mà nợ xấu thì vẫn còn và chỉ xử lý được ở mức độ nhất định: khoảng 30.000-40.000 tỉ đồng.

Theo lý thuyết về tài chính, nợ xấu có thể làm cho cung ứng tín dụng của NH tắc nghẽn. Điều này đẩy các NHTM nhỏ rơi vào tình trạng khốn đốn, rồi từ đó lan sang các NH khác theo lối dây chuyền. Và quan trọng nhất là nếu xử lý nợ xấu không cẩn thận, sẽ làm sụp đổ thị trường bất động sản, vì các NH bán ồ ạt tài sản thế chấp.

Giám đốc một NHTM cho biết, mục tiêu quan trọng nhất của NH hiện nay vẫn là thu hồi được nợ, còn việc bung mạnh cho vay thì rất thận trọng. Bởi các DN đều tồn kho lớn, nên rất ít nhu cầu vay vốn sản xuất mới. Tuy vậy, điều ngạc nhiên là dù không cho vay được, nhưng nhiều NHTM vẫn đang chạy đua huy động vốn bằng nhiều hình thức khuyến mãi, tặng thưởng cho khách gửi tiền. Tại sao lại có nghịch cảnh như vậy? Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do nợ xấu chậm được giải quyết, khiến một số NH lâm vào cảnh kém thanh khoản. Các chuyên gia cảnh báo rằng, từ ngày 1.6.2013, khi các NH buộc phải phân loại nợ theo quy định mới, khả năng việc đua huy động vốn sẽ càng căng thẳng hơn, vì khi đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM sẽ phải tăng lên.

Theo nhận định của các chuyên gia, VN đã quá chậm trễ trong giải quyết nợ xấu, khiến chi phí giải quyết nợ xấu ngày càng gia tăng. Trên thực tế, thời gian qua, nợ xấu của các NHTM có giảm, nhưng không nhiều. Chưa kể, nhiều khoản nợ xấu đã được các NH “treo” khi thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ, có nghĩa là các khoản nợ này chưa được xử lý dứt điểm. Do vậy, thách thức lớn nhất và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của VN trong năm 2013 là xử lý nợ xấu và khôi phục lại sự an toàn của hệ thống NHTM. Trên nền tảng đó, đà tăng trưởng kinh tế VN sẽ có cơ hội phục hồi.

Đến nay, VN đã có những bước đi quan trọng để đưa nền kinh tế đi theo đúng hướng, bao gồm ưu tiên ổn định vĩ mô hơn tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, lạm phát sẽ được coi là một thước đo về năng lực điều hành và cam kết của Chính phủ.