Singapore Airlines Cargo - Thương hiệu hàng đầu trong vận tải hàng hóa hàng không

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Singapore Airlines Cargo là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới về vận tải hàng hóa hàng không, dù ngành hàng không chịu ảnh hưởng nhiều từ cuộc quy thoái kinh tế nhưng Singapore Airlines Cargo vẫn duy trì được mức tăng trưởng và vị trí của mình trong ngành vận tải hàng hóa hàng không. Phóng viên Tạp chí Vietnam Logistics Review đã có dịp trao đổi với Võ Trung Hiếu - Đại diện Chi nhánh củaSingapore Airlines Cargo tại VN.

Singapore Airlines Cargo là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới về vận tải hàng hóa hàng không, dù ngành hàng không chịu ảnh hưởng nhiều từ cuộc quy thoái kinh tế nhưng Singapore Airlines Cargo vẫn duy trì được mức tăng trưởng và vị trí của mình trong ngành vận tải hàng hóa hàng không. Phóng viên Tạp chí Vietnam Logistics Review đã có dịp trao đổi với Võ Trung Hiếu - Đại diện Chi nhánh củaSingapore Airlines Cargo tại VN.

-Hơn 50 năm thành lập và phát triển, ông có thể định vị thương hiệu của Singapore Airlines Cargo trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa hàng không?

Singapore Airlines Cargo đã và đang được đánh giá là một trong những hãng hàng không có uy tín và bề dày kinh nghiệm bậc nhất trên thế giới (hiện Singapore Airlines Cargo đang nằm trong top 3 hãng vận tải hàng hóa hàng đầu thế giới).

Hiện chúng tôi đang sở hữu thông số “uplifted as booked“ (hàng hóa bay đúng theo lịch đã book) lên tới hơn 96% và Singapore cũng đang là một trong những trạm trung chuyển hàng hóa hiệu qủa hàng đầu thế giới.

Sự phát triển của Singapore Airlines Cargo tại Việt Nam cũng đồng hành với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Từ tần suất 3-4 chuyến/tuần trong thập niên 90 với máy bay A310 chỉ có sức chở khoảng 6 tấn/chuyến, hiện chúng tôi đang phục vụ 2 chuyến/ngày với máy bay B777-200 có sức chở trung bình từ 13-15 tấn/chuyến.

Hiện tốc độ tăng trưởng của chúng tôi tại VN đang ở mức khoảng hơn 12%/năm, tuy nhiên do mức độ phát triển nhanh chóng của rất nhiều các hãng hàng không khác tại VN nên hiện Singapore Airlines Cargo chiếm khoảng 6% thị phần.

-Ông có thể cho biết những dịch vụ của Singapore Airlines Cargo hiện nay?

Hiện chúng tôi cung cấp những dịch vụ vận chuyển sau trên toàn cầu, như Vận chuyển hàng hóa thông thường; Vận chuyển hàng hóa tươi sống; Vận chuyển hàng quý hiếm, giá trị cao; Vận chuyển hàng phát chuyển nhanh; và Vận chuyển thư tín, bưu phẩm.

- Ngành hàng không thế giới vẫn chịu ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ông nhận xét thế nào về ngành vận chuyển hàng hóa hàng không thế giới năm 2012, và năm 2013? Singapore Airlines Cargo đã chèo lái như thế nào trước tình hình biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới?

Nhìn chung, khủng hoảng kinh tế đã và đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của hầu hết các hãng hàng không trên thế giới, và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của IATA và một số nghiên cứu thị trường khác cho thấy ngành vận chuyển hàng hóa hàng không tại VN sẽ có những bước phục hồi nhanh chóng vào khoảng quý 3 năm 2013 và sẽ tăng trưởng tích cực ít nhất 10-15%/năm trong giai đoạn sau đó. Với kinh nghiệm sẵn có về thị trường hàng hóa VN, chúng tôi rất tin tưởng vào những dự báo như vậy.

Đối với Singapore Airlines Cargo, chúng tôi đã và đang tiến hành hàng loạt những biện pháp nhằm tích cực đối phó với khủng hoảng, trong đó bao gồm cắt giảm rất nhiều các chi phí (cost-cutting) và tối đa hóa hiệu quả khai thác của các tuyến bay quan trọng.

- Những mục tiêu, định hướng xây dựng thương hiệu của Singapore Airlines Cargo là gì thưa ông?

Mục tiêu của chúng tôi là giữ vững vị trí là một trong những hãng hàng không hàng đầu thế giới về vận chuyển hàng hóa. Để giữ vững thương hiệu, chúng tôi luôn luôn phải rèn luyện, nâng cao tính hiệu quả, chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; Đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật nhất cho khách hàng về tình trạng hàng hóa; và xây dựng và duy trì một hệ thống khách hàng truyền thống ổn định, tiềm năng, tin cậy, hợp tác.

Hiện chúng tôi đang có chính sách hỗ trợ chi phí xe tải (trucking cost) cho các điểm đến ngoài hệ thống on-line của hãng và hỗ trợ chi phí kho lạnh (cold room storage) tại Singapore. Ngoài ra, chúng tôi luôn theo sát thị trường để đưa ra những mức giá vận chuyển linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường.

- Quay trở lại đôi chút về thị trường vận tải hàng hóa hàng không ở VN, ông nhận định như thế nào?

Thị trường hàng hóa hàng không ở VN tuy được đánh giá là có tiềm năng lâu dài nhưng hiện đang bị rơi vào tình trạng “ thừa cung - thiếu cầu “ do đã có đến trên dưới 40 hãng hàng không tham gia trong khi sức tăng trưởng của thị trường trong những năm gần đây đã có chiều hướng chậm lại do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ hai thị trường truyền thống là EU và Hoa Kỳ.

-Ông đánh giá như thế nào về các hãng hàng không Việt Nam? Cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành vận chuyển hàng không VN?

Các hãng hàng không VN đang phát triển ngày càng nhanh, tuy nhiên hiện chỉ có Vietnam Airlines là có sự tham gia chuyên nghiệp và tích cực trong thị trường vận tải hàng hàng hóa hàng không. Hiện Vietnam Airlines đang ngày càng có thêm nhiều máy bay, đường bay mới và là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của chúng tôi trên nhiều thị trường.

Với hai ga hàng hóa hiện đại, qui mô tại TP.HCM là SCSC và TCS , điều kiện khai thác vận chuyển hàng hóa hàng không của VN có thể nói là khá tốt so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do điều kiện VN còn hạn chế về lượng máy bay cũng như còn thiếu những chuyên gia kinh nghiệm trong một số lĩnh vực, ngoài ra vấn đề thủ tục hải quan, kiểm dịch, vận chuyển nội địa cũng còn chưa được thực sự thông thóang nên vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các mô hình khác trong khu vực.

-Trong thời gian tới, Singapore Airlines Cargo có dự định cho việc mở rộng thị trường kinh doanh tại VN? Và có sự hợp tác nào về lĩnh vực này đối với VN hay không?

Vì lý do thị trường tăng trưởng còn chậm vào lúc này nên hiện chúng tôi chưa có dự định mở rộng thêm thị trường tại VN. Tuy nhiên, khi nhu cầu thị trường tăng mạnh chúng tôi sẵn sàng đưa máy bay chở hàng (freighter) vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện chúng tôi chưa có sự hợp tác nào cụ thể với thị trường Việt Nam, nhưng chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về huấn luyện đào tạo nghiệp vụ hoặc có thể chia sẻ tải (code-share) trên những đường bay mà phía VN có nhu cầu hợp tác.

Cảm ơn ông.

Hoàng Bình, Thanh Hương