Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp logistics : Động lực & Rào cản
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Tương tự như trong mọi ngành công nghiệp khác, việc các DN trong ngành logistics ứng dụng CNTT xuất phát từ những động cơ cụ thể, và thực tế triển khai cũng gặp phải nhiều rào cản; dĩ nhiên tính đặc thù của ngành nghề sẽ qui định nhiều điểm khác biệt.
Đầu tiên, hãy thử xét những nhóm động lực phổ biến nhất khiến cho một DN quyết định ứng dụng CNTT. Động cơ hay được nhắc đến nhất là đáp ứng nhu cầu dịch vụ của khách hàng. Thật ra, đây là cái bắt đầu và cũng là kết thúc: mọi thứ mà DN làm đều hướng đến khách hàng. Nói riêng trong ngành logistics, khi mà chuỗi cung ứng và hiệu quả của nó ảnh hưởng một cách trực tiếp và sâu sắc đến hiệu quả của DN, thì hơn bao giờ hết, đòi hỏi của khách hàng về mức độ đáp ứng của các DN cung cấp dịch vụ logistics là rất cao, và rất chính đáng.
Tiết giảm và quản lý tốt chi phí là một động cơ khác, rất uy lực trong việc thúc đẩy lãnh đạo các DN chọn CNTT làm công cụ. Một trong những chi phí có thể giảm khi ứng dụng CNTT triển khai thành công là chi phí nhân sự. Sự tự động hóa mà CNTT mang lại sẽ giúp DN có thể giảm bớt biên chế ở những khâu hậu cần, quản trị, và tập trung nhân sự cho những khâu sản xuất trực tiếp.
Kiểm soát và hoạch định tốt hơn lại là một mong muốn khác. Đầu tiên là thông tin sẽ xuyên suốt trên toàn bộ tiến trình sản xuất kinh doanh, tạo nên một mức độ minh bạch cao, mà thật ra hoàn toàn có thể trong thời gian thực. Nếu có một ngành nào mà nhu cầu sử dụng thông tin quản lý theo thời gian thực là bức thiết thì đó chính là ngành logistics; khi mà tất cả những gì xảy ra đối với hàng hóa đi đường đều được nhìn thấy rõ ràng trên hệ thống quản lý thì việc ra quyết định của cả nhà cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng sẽ chính xác hơn rất nhiều lần. Và đó chính là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn!
Việc áp dụng CNTT có khi còn xuất phát từ yêu cầu của chính khách hàng, bởi chỉ bằng cách đó thì hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ logistics và khách hàng của họ mới có thể tích hợp được với nhau; một lần nữa, CNTT sẽ đóng góp tính cực và độ chính xác trong việc ra quyết định về quản lý cho cả hai bên.
Khi mà động lực của việc áp dụng CNTT trong quản lý đã đủ mạnh và rõ ràng, thì điều gì cản trở các DN triển khai, hay ít nhất là làm họ chần chừ? Thực tế cũng cho thấy là điều kiện để ứng dụng CNTT ở các DN là rất khác nhau, từ qui mô cho đến chất lượng. Các DN logistics ở VN cũng không tránh khỏi vấn đề này, thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn, và khó khăn có mức độ nặng nề hơn, do tiềm lực của các DN VN còn chưa đủ mạnh và lịch sử phát triển chưa đủ dài.
Một trong những trở lực lại đến từ chính sự phát triển quá nhanh và phong phú của CNTT: có quá nhiều khả năng, quá nhiều giải pháp làm cho việc lựa chọn trở thành một vấn đề! Khi mà chi phí cho việc ra quyết định lựa chọn là quá cao do tiêu tốn nhiều công sức của người làm chuyên môn lẫn các nhà quản lý thì tiến trình triển khai áp dụng các giải pháp sẽ bị kéo dài, thậm chí hủy bỏ.
Yếu tố nhân lực là yếu tố đáng kể khác tác động đến tiến trình xem xét lựa chọn và ứng dụng CNTT. Đầu tiên là năng lực về kỹ thuật của đội ngũ. Kinh nghiệm cho thấy, ở những DN có đội ngũ am hiểu về CNTT và có nhiều năng lực về kỹ thuật hơn thì tiến trình triển khai ứng dụng CNTT sẽ nhanh chóng và thuận lợi. Sau đó nữa, do CNTT ứng dụng trong quản lý là một công cụ có thể nói là tinh xảo, đòi hỏi con người có đủ nhận thức và có kỹ năng làm việc tương xứng mới có thể khai thác hiệu quả. Ở các DN logistics VN, đây thật sự là vấn đề, khi mà thói quen quản lý của các DN chưa thực sự nền nếp, còn thiếu tính hệ thống và đầu tư cho phát triển còn người vẫn còn nhiều hạn chế.
Khi được hỏi về những trở lực của việc ứng dụng CNTT, lãnh đạo các DN còn chia sẻ về những yếu tố khác làm họ e dè, trong đó có thể kể đến các yếu tố nổi cộm khác như: hệ thống mới khó tương thích với hệ thống cũ, thay đổi quá nhiều, an ninh thông tin không đảm bảo…
Có thể thấy rằng, một bên là các DN logistics đang có rất nhiều lý do thiết thực để đưa CNTT vào phục vụ sản xuất kinh doanh, một bên là các nhà cung cấp đang nắm giữ những giải pháp tốt thì việc nhìn nhận đầy đủ những rào cản, hay trở lực, từ cả hai phía, là rất cần thiết. Chỉ bằng cách thấu hiểu từ hai phía thì sự gặp gỡ của hai bên mới thuận lợi, và nhờ thế CNTT sẽ dễ dàng trở thành công cụ quản lý hiệu quả, gia tăng lợi thế canh tranh của DN và ngành logistics nói chung.
Box 1 - Động cơ điển hình của việc triển khai CNTT trong DN logistics
|
Box 2 - Trở lực điển hình đối với việc triển khai CNTT trong DN logistics
|