Điện toán đám mây: không chỉ là chuyện thuê hay mua
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Bất chấp thực tế khách quan cho thấy các giải pháp dịch vụ điện toán đám mây, ví dụ như Software-as-a-Service (SaaS), đang đem lại những tính năng mới, quan trọng và tiết kiệm, thì vẫn còn những nhà quản lý trong ngành CNTT cũng như các ngành khác cảm thấy chưa thực sự thuyết phục trước những lợi ích mà điện toán đám mây đem lại; thậm chí họ cho rằng những lợi ích ấy là không thực.
Thông thường, các chuyên viên tài chính rất hay khuyên các nhà quản lý là nên sở hữu tài sản chứ không nên thuê. Tuy nhiên, khi xét đến các dịch vụ điện toán đám mây thì có lẽ các nhà quản lý và các chuyên gia có thể cần nghĩ lại.
Càng ngày càng nhiều công ty trả tiền thuê bao hàng tháng để có thể sử dụng ngay những dịch vụ mới nhất và hữu ích nhất chỉ có được nhờ điện toán đám mây; chúng bao gồm các dịch vụ cơ sở hạ tầng (infrastructure), các hệ quản lý (platform) và ứng dụng (application). Thực tế là nếu không có điện toán đám mây thì họ sẽ không thể mua các dịch vụ này ngay lập tức được. Thị trường cho thuê các dịch vụ IT như vừa nhắc đến đang “nóng” lên rất nhiều; các công ty hiện nay đã có thể tiếp cập với rất nhiều dịch vụ khác nhau. Xu hướng trên thế giới hiện đang chuyển biến rất rõ rệt và người ta bắt đầu nhắc đến thuật ngữ XaaS với ngụ ý là “mọi thứ đều có thể là dịch vụ, có thể thuê được”.
Về phía khách hàng và người sử dụng, sức hấp dẫn của điện toán đám mây đến từ tốc độ đáp ứng nhanh, tiêu chuẩn dịch vụ cao và, có thể xem là quan trọng bậc nhất, chi phí hợp lý. Ở thời điểm mà ở mọi nơi, tất cả mọi người đều nhắc đến các từ khóa “hạn chế đầu tư”, “giảm chi phí” thì sự hợp lý của chi phí còn ngụ ý là các khoản chi cần đóng góp vào dòng tiền của doanh nghiệp theo cách dễ chấp nhận nhất. Với tiếp cận đó thì “Thuê” dường như là lựa chọn nên ưu tiên hơn so với “Mua”.
Cuối năm 2012, khi TechTarget tiến hành khảo sát thăm dò ý kiến của giới chuyên môn CNTT ở Mỹ, gần 75% số người được hỏi đã chỉ ra rằng tiết kiệm chi phí là lý do chính để họ chọn điện toán đám mây. Cuộc khảo sát này được tiến hành trên 1.500 người làm IT chuyên nghiệp. Ở VN, hiện vẫn chưa có thống kê chính thức nào để đánh giá xu hướng này, nhưng chỉ nhìn vào những gì mà các công ty CNTT hàng đầu và cộng đồng CNTT đang làm thì có thể nhận thấy được sức nóng của vấn đề này.
Dĩ nhiên, sự băn khoăn của các nhà quản lý là có cơ sở. Câu hỏi họ thường đặt ra là, trong dài hạn, liệu các dịch vụ điện toán đám mây có còn tiếp tục lợi về chi phí hay không; và để trả lời nó, người ta có thể phải giải một bài toán phân tích đầu tư nghiêm túc.
Quay trở lại với những lợi ích của điện toán đám mây, người ta có thể liệt kê được một nhóm nhiều lợi ích của việc sử dụng nó. Dưới đây chúng ta có thể trao đổi về một số lợi ích tiêu biểu.
Đầu tiên phải kể đến tính linh hoạt (flexibility). Đơn cử trường hợp dịch vụ của máy chủ đám mây (cloud server): nếu người dùng cần một máy chủ với cấu hình cao hơn cái đang dùng thì chỉ trong tích tắc điều đó đã thành sự thật, chỉ với con chuột và bàn phím máy tính. Đây cũng là đặc điểm được ưa thích nhất của giới chuyên môn CNTT trong các cuộc khảo sát.
Tiếp đến là khả năng dự phòng, khắc phục trong trường hợp có thảm họa hay sự cố lớn. Chọn điện toán đám mây tức là chọn sự an toàn. Cùng với việc lựa chọn sử dụng dịch vụ điện toán đám mây thì công ty có thể giảm đáng kể các phần việc vốn rất nặng nhọc trong kế hoạch dự phòng thảm họa (disaster recovery plan) của họ.
Trong số các lợi ích hay được nhắc đến thì lợi ích về tài chính là thường xuyên được lặp lại. Mô hình chi phí pay-as-you-go (thanh toán theo mức độ sử dụng) giúp cho công ty giảm chi phí đầu tư. Và tốc độ triển khai nhanh gần như tức khắc của điện toán đám mây sẽ giúp cho công ty giảm cả chi phí khởi sự dự án, hay chi phí triển khai ứng dụng.
Điện toán đám mây là biểu hiện rõ rệt nhất của sự tác động của môi trường internet vào cách sống và làm việc của mỗi chúng ta. Việc truy cập vào các dịch vụ điện toán đám mây là dễ dàng và mọi lúc mọi nơi, chỉ với một điều kiện là có đường truyền internet. Đây là một lới ích quan trọng khác mà chúng ta không thể bỏ qua.
Có nhiều quan điểm cho rằng, đối tượng hưởng lợi nhất của các dịch vụ điện toán đám mây chính là các công ty nhỏ và vừa. Lý do là nhóm các công ty này có thể tiếp cập với các dịch vụ có chất lượng cao mà bình thường họ không có điều kiện trang bị. Có thể nói là khi đó thì công ty nhỏ cũng có thể tiếp cận với các dịch vụ mà thông thường chỉ có các công ty lớn mới có. Điều này hoàn toàn có thể trở thành một ưu thế cạnh tranh.
Như thế, rõ ràng chuyện lựa chọn sử dụng điện toán đám mây không chỉ là chuyện thuê hay mua, mà còn là rất nhiều các điểm cần xem xét khác. Khi tính đến khả năng tiếp cận với các dịch vụ đang trở thành xu hướng tất yếu này, nên chăng các nhà quản lý cần tham vấn các chuyên gia trên nhiều khía cạnh, trong đó tài chính là một, còn lại là các khía cạnh khác, như khoa học công nghệ và điều hành, để có được thông tin đầu vào tin cậy nhất cho quyết định của mình.
Điện toán đám mây (cloud computing), còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet. Thuật ngữ "đám mây" ở đây là lối nói ẩn dụ chỉ mạng Internet (dựa vào cách được bố trí của nó trong sơ đồ mạng máy tính) và như một liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa trong nó. Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến CNTT đều được cung cấp dưới dạng các "dịch vụ", cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó "trong đám mây" mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ đó, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó. | Một số dịch vụ điện toán đám mây điển hình ở VN:
|