Vận tải hàng hóa hàng không: trì trệ liệu có kéo dài?

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Gần 35% giá trị thương mại thế giới được tạo ra bởi ngành công nghiệp vận tải hàng không. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài vừa qua, tình hình vận tải hàng hóa hàng không chỉ cho thấy những dấu hiệu đi xuống.

Gần 35% giá trị thương mại thế giới được tạo ra bởi ngành công nghiệp vận tải hàng không. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài vừa qua, tình hình vận tải hàng hóa hàng không chỉ cho thấy những dấu hiệu đi xuống.

CÒN NHIỀU BẤP BÊNH

Theo Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (APPA), do sự bất ổn trong các dòng chảy thương mại toàn cầu, nhu cầu vận tải hàng hóa hàng không quốc tế trong năm 2012, tính theo số khối tấn/km, đã giảm 3.4%.

Vì nhu cầu giảm nên sức tải hàng hóa cũng giảm 3,2%, hệ lụy đến sự suy giảm 66,5% chỉ số tải hàng hóa quốc tế trong năm 2012.

Những dấu hiệu này vẫn đang tiếp diễn, chỉ có một vài dấu hiện bình ổn vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết.

Có thể thấy rõ tình trạng này kéo dài trong sự suy giảm 4% nhu cầu vận tải hàng hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý 1 năm 2013, và trong tháng 4 con số này vẫn suy yếu đi 0,8% so với cùng kỳ, khiến cho lưu thông hàng hóa quốc tế 4 tháng đầu năm giảm 3,2%.

Sân bay Changi là một trong những sân bay tấp nập nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng ghi nhận những con số ảm đạm với sự sụt giảm 2.1% sản lượng hàng hóa trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ, đạt 579,600m3 tấn.

Đối phó với tình hình này, Hãng hàng không Singapore Airlines Cargo (SIA Cargo) đã cho dừng hoạt động thêm một chuyên cơ vận tải Boeing 747-400 trong tháng 7.2013 do tình hình dư tải vẫn tiếp diễn. Theo các kế hoạch hiện tại, máy bay này sẽ không hoạt động cho đến tháng 5.2014 và sẽ được đưa đến Victorville, California. Đây là chuyên cơ vận tải thứ hai của hãng bị tạm ngừng hoạt động. Chuyên cơ đầu tiên đã ngừng hoạt động vào tháng 12.2012.

Theo ông Tan Kai Ping, Chủ tịch SIA Cargo cho biết, giá nhiên liệu vẫn tiếp tục cao và thị trường vận tải hàng hóa hàng không vẫn yếu do dư tải và áp lực về giá. Hãng sẽ theo dõi các điều kiện thị trường chặt chẽ cũng như thực hiện các điều chỉnh sức tải khi cần thiết.

Bên cạnh đó, các hãng vận tải hàng hóa Nga cũng đang căng thẳng với sự giảm sút trong lượng hàng hóa vận tải hàng không thời gian qua.

Polet Airlines đã ngừng khai thác chuyên cơ vận tải its IL-96-400T sau một khoảng thời gian “nằm chờ”, dù vẫn giữ các máy bay An-124. Hãng hãng không Aeroflot có vẻ cũng đang gặp khó khăn khi dự định trả ba máy bay MD 11F về cho chủ thuê hoặc cho tạm ngừng bay.

Tình hình trước mắt của ngành hàng không vẫn tương đối ảm đạm, với nhiều mối đe dọa từ bên ngoài, từ giá nhiên liệu cao đến những viễn cảnh u ám của nền kinh tế toàn cầu.

NHỮNG TÍN HIỆU LE LÓI

Phần lớn các hãng máy bay, các sân bay đang vật lộn với sự trì trệ kéo dài của ngành công nghiệp vận tải hàng hóa hàng hàng không. Tuy nhiên, vẫn còn những tín hiệu le lói cho sự phục hồi.

Sân bay Quốc tếDubai cũng công bố sự tăng trưởng 11.5% trong bốn tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 784,832 m3 tấn. Theo ông Paul Griffiths, CEO của Sân bay Quốc tếDubai, tỷ lệ tăng trưởng sân bay đã đi lên và sẽ còn tiếp tục tăng với tốc độ tương tự trong thời gian tới.

Hãng hàng không Saudi Airlines Cargo (Ảrập Xêút) cũng có công bố sự bổ sung hai chuyên cơ vận tải B747-400 vào đội bay chở thuê của mình. Đội bay của Saudi Cargo sẽ gồm 15 máy bay, với 4 máy bay MD11, 2 máy bay B747-8F, 7 máy bay B747-400 và 2 máy bay B747-200. Trong số những máy bay này, 12 chiếc sử dụng cho các dịch vụ chở hàng thường xuyên và ba máy bay B747 sẽ được dùng cho mảng kinh doanh chở thuê của hãng.

Mới đây, hãng hàng không Volga-Dnepr (Nga) cũng đầu tư hơn 100 triệu USD vào đội bay 5 chuyên cơ vận tải IL-76TD-90VD. Những máy bay này sử dụng nhiên liệu hiệu quả ơn và ít tiếng ồn hơn các máy bay IL-76 cũ, vốn đã bị cấm ở Australia, châu Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ. Những máy bay này cũng có tầm bay và sức tải được gia tăng.

Đặc biệt là sự đi vào hoạt động của đội bay hãng Aerospace One S.A. (Hy Lạp). Hãng sử dụng các máy bay 747-200 và các máy bay jumbo 747-400 để chở thuê hoặc cho thuê, đây là các máy bay chở hàng thân rộng. Nhà sáng lập Jaideep Mirchandani cho biết Aerospace One S.A. sẽ hướng đến việc chở thuê trên toàn cầu, chuyên sử dụng các máy bay chở hàng nặng. Hãng sẽ xây dựng các cầu hàng không giữa các lục địa, ban đầu là châu Á và Nam Mỹ, qua châu Âu.

Việc đầu tư cho những chuyên cơ mới của các hãng hàng không, đáp ứng những yêu cầu cao hơn để tăng tính tối ưu trong kinh doanh, cho thấy sự tin tưởng vào sự hồi phục của ngành công nghiệp này trong tương lai.

Theo công bố của hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ), mặc dù doanh thu quý I của hãng giảm 2,5% so với năm ngoái, nhưng lợi nhuận đã tăng 20%, lên 1,1 tỷ USD. Lợi nhuận này đến từ việc bàn giao số lượng máy bay 777 và 737. So với cùng kỳ, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới này đã giao nhiều hơn bốn chiếc 777 và ba chiếc 737 trong quý I. Trong đó, 777 là dòng máy bay hai động cơ có giá cao nhất của Boeing.

Ngành vận tải hàng không có lẽ đang dần bước qua sự suy thoái và chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới.

Khải Minh