Đội tàu Việt đi ngược xu hướng thế giới
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Hiện nay, các DN vận tải biển VN đang chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng bởi giá cước vận tải và giá cho thuê tàu giảm mạnh, chi phí vận hành nhiên liệu bảo dưỡng ngày càng tăng, nguồn hàng vận chuyển khan hiếm, kinh doanh kém hiệu quả, gần như DN vận tải biển VN đều trong tình trạng thua lỗ. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước đã sụt giảm từ 50-60% và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Tình trạng tàu không đủ hàng để vận tải hệ số hiệu quả của tàu bình quân chỉ là đạt 50-60%, vào mùa cao điểm chỉ đạt 80%.
Về hoạt động vận tải quốc tế, hiện nay chủ tàu VN đã có những tàu đủ trọng tải và tiêu chuẩn để hoạt động trên khắp thế giới, nhưng số lượng còn đếm trên đầu ngón tay. Hiện có đến hơn 80% đội tàu biển đăng ký hoạt động quốc tế của VN chỉ hoạt động trên các tuyến gần, nhưng chỉ có khoảng 30% hoạt động trên các tuyến tới Đông Bắc Á, Trung Đông hoặc châu Phi, đa phần đội tàu Việt mới chỉ hoạt động trên các tuyến khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Một số DN lớn cũng đã có tàu hàng tổng hợp đủ năng lực hoạt động khai thác trên các tuyến đến châu Mỹ, châu Âu nhưng còn ít. Đối với tàu container hầu hết mới chỉ hoạt động vận tải feeder trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan mà chưa thể thực hiện các chuyến đi thẳng.
DN vận tải VN không chỉ ảnh hướng của cuộc suy thoái mà các công ty vận tải biển lớn trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng chung của cuộc suy thoái, tình trạng kinh doanh thua lỗ do giá cước vận tải thấp và nguồn hàng vận tải khan hiếm.
Mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi hơn so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia,…, VN đang là điểm kết nối giữa các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là khu vực có tiềm năng là đầu mối trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực. Đội tàu biển VN đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, trọng tải, tốc độ tăng trưởng nhanh, bình quan đạt 35,7% trong giai đoạn 2009-2012. Tuy nhiên, cơ cấu đội tàu VN lại không phù hợp với xu thế vận tải biển thế giới. Tỷ lệ tàu hàng rời và tàu bách hóa chiếm tỷ trọng quá lớn với 60% trọng tải đội tàu, tàu hàng container chiếm 3,2$, tàu dầu chiếm 27%. Đội tàu VN đang trong tình trạng dư thừa trọng tảu nhỏ, tàu hàng khô hàng rời và kể cả các tàu chở container trọng tải nhỏ, trong khi đó lại thiếu các loại tàu chuyên dùng và tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế.
Thống kê của Cục Đăng kiểm cho biết, VN hiện có 597 chủ tàu thuộc mọi thành phần kinh tế trong đó chỉ có 33 chủ tàu sở hữu đội tàu có tổng trọng tải trên 10.000 DWT hầu hết là thuộc các tập đoàn kinh tế lớn. Cũng theo số liệu của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTA), đội tàu biển VN đứng thứ 29 trên thế giới và thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, đứng sau các nước Singapore (gấp 15 lần tổng trọng tảu đội tàu VN); Malaysia (gấp 2,9 lần); Philippines (gấp 1,8 lần). Theo xu hướng vận tải biển thế giới trong những năm gần đây theo phương thức vận tải container, trọng tải đội tàu container trên thế giới chiếm tỷ lệ 12,9% đội tàu, giá trị thương mại vận tải chiếm tới 52% giá trị hàng hóa vận tải bằng container. Trong khi đó, đội tàu container của VN chỉ chiếm 3,5% về tải trọng và gần 2% về số lượng so với tổng đội tàu. Có thể thấy rằng, thị phần tàu container của VN quá nhỏ và đã bị bỏ xa so với sự phát triển của ngành hàng hải thế giới.
Trong tổng số 1.755 tàu thì có tới hơn 1.000 tàu với tổng trọng tải dưới 3 triệu DWT chuyên chạy nội địa, trong số tàu container cũng chỉ có 3 tàu có sức chở trên 1.000 TEU, số còn lại chỉ có sức chở dưới 1.000 TEU chuyên chạy nội địa, tuyến quốc tế trong khu vực Đông Nam Á, Hồng Kông hoặc chạy feeder gom hàng cho các hãng tàu nước ngoài chứ chưa có tàu chạy tuyến thẳng đến tận thị trường tiêu thụ. Trong khi xu hướng thế giới chuyển sang vận tải hàng hóa bằng container thì đội tàu VN lại phát triển tàu hàng khô, tốc độ tăng trưởng container của thế giới là 8% thì đội tàu container VN chỉ là 2%. Trọng tải thị phần đội tàu container của thế giới chiếm 12,8% tổng đội tàu trong khi ở VN chỉ chiếm 3,2% tổng đội tàu.
Chưa kể là tình trạng kỹ thuật, trang thiết bị đội tàu VN bị tụt hậu so với thế giới. Việc tàu VN bị lưu giữ vẫn còn phổ biến và chiếm tỷ lệ khá cao do vi phạm các công ước quốc tế về an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường của các chủ tàu VN. Theo Cục Hàng hải VN, tính đến tháng 6.2013, tuổi tàu bình quân của VN có 39% trọng tải tàu trên 15 tuổi, trong đó có 49% tàu hàng khô, 46% tàu hàng rời, 100% tàu chở khí hóa lỏng có tuổi tàu trên 15%. Điều này đã làm giảm uy tín và ảnh hướng đến khả năng cạnh tranh của đội tàu VN trên thị trường vận tải xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế.
Trong những năm gần đây, chất lượng thuyền viên đã được cải thiện đáng kể nhờ sự quan tâm của Nhà nước và ngay chính các DN hàng hải, tuy nhiên phần lớn chất lượng thuyền viên VN chưa theo kịp với sự phát triển của vận tải biển, trình độ tiếng Anh yếu, năng lực thực hành, thao tác nghiệp vụ còn chậm thiếu chính xác, chưa đúng quy trình kỹ thuật.
Đội tàu biển quốc gia mạnh sẽ đem lại nguồn thu ngoại tệ, giải quyết việc làm, tăng cường thương mại quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, và đây là một mắt xích quan trọng và không thể thiếu trong dây chuyền dịch vụ logistics. Vì vậy, cần phải nhanh chóng đưa ra những giải pháp có tính chiến lược để dần thay đổi chất lượng avf số lượng đội tàu biển quốc gia, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.