Ngành bán lẻ Việt Nam trước những yêu cầu mới
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
VN đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 1/1/2007 và bắt đầu thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường nói chung và thị trường dịch vụ phân phối nói riêng từ 1.1.2009. Trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, VN cam kết mở cửa thị trường cho các nhà phân phối nước ngoài. Đồng thời, VN cũng đã thỏa thuận hợp tác song phương với Trung Quốc về kế hoạch phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế, cùng với các nước ASEAN xây dựng kế hoạch phát triển tuyến đường xuyên Á, các hành lang kinh tế Đông-Tây,... Điều đó sẽ làm thay đổi nhanh chóng thị trường trong nước và đặt ra những yêu cầu mới về quản lý quá trình đầu tư phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Nền kinh tế VN đang trong thời kỳ công nghiệp hóa (CNH) và hiện đại hóa (HĐH) với mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành thời kỳ CNH. Trong đó, thương mại cũng chuyển biến mạnh mẽ từ nền thương mại nhỏ lên nền thương mại lớn và hiện đại với những thay đổi to lớn về cách thức tổ chức kinh doanh, phương thức cung ứng, phương thức tiêu thụ,...
PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KẾT CẦU HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI BÁN BUÔN
Hiện nay, ở VN, các loại hình kết cấu hạ tầng bán buôn chủ yếu bao gồm: mạng lưới chợ; mạng lưới bán buôn của các DN; mạng lưới cơ sở bán buôn hiện đại.
Với loại hình mạng lưới chợ, trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 50 chợ đầu mối, trong đó chủ yếu là chợ đầu mối nông sản. Các chợ đầu mối này được phân bố tại các vùng sản xuất nông nghiệp chính và các thị trường tiêu thụ lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Tại các chợ đầu mối đã bao gồm cả diện tích bày hàng, diện tích dành cho giao dịch mua bán hàng hóa và cơ sở kho hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chợ đầu mối có quyết định thành lập nhưng chưa được xây dựng, hoặc xây dựng nhưng chưa đưa vào khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả.
Về mạng lưới bán buôn của các DN: Trong số các DN bán buôn lớn, tập đoàn Metro là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên phát triển mạng lưới phân phối bán buôn theo mô hình tổng kho phân phối Cash&Carry. Hiện nay, trên cả nước đã có 19 trung tâm của tập đoàn này. Vốn đầu tư xây dựng cho mỗi trung tâm khoảng từ 15-20 triệu USD với diện tích đất khoảng 2-3 ha. Vị trí của các trung tâm này thường đặt tại các quận nội thành, nhưng liền kề với khu vực ngoại thành.
Ngoài ra, ở nước ta hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh lấy tên gọi là trung tâm bán buôn, nhưng thường có qui mô nhỏ, chuyên về một mặt hàng, ngành hàng nào đó (điện thoại, máy tính,...) và vừa bán buôn vừa bán lẻ.
Mạng lưới các cơ sở bán buôn hiện đại: Trung tâm Giao dịch Cà phê Ban Ma Thuột (BCEC) được thành lập theo Quyết định số 2278/QĐ-UBND ngày 04.12.2006 của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay trung tâm này đã được đổi thành Sàn giao dịch cà phê. TP.HCM cũng đã có kế hoạch xây dựng các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu trong giai đoạn 2007-2010, trong đó ưu tiên cho 2 ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố là dệt may và da giày. Tuy nhiên, do khó khăn về quỹ đất, mới có trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may tại huyện Dĩ An (Bình Dương) đưa vào sử dụng đầu năm 2009. Tháng 12.2009, sàn giao dịch hàng hóa của Sacombank với tên gọi Sacom - STE đã đi vào hoạt động với mặt hàng chủ lực được giao dịch là thép. Gần đây, cũng chính Sacombank đã mở lại sàn giao dịch điều tại Bình Phước với hệ thống giao dịch hiện đại.
PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI BÁN LẺ
Các loại hình bán lẻ truyền thống: ở VN hiện nay các loại hình bán lẻ truyền thống (chợ truyền thống, cửa hàng, cửa hiệu, quán hàng, sạp hàng,...) vẫn tồn tại khá phổ biến. Theo số liệu thống kê, năm 2008, cả nước có 7.871 chợ, đến năm 2011 tăng lên 8.550 chợ, nhưng đến năm 2012 thì số lượng giảm 3 chợ còn 8547. Trong đó có 247 chợ hạng I, 926 chợ hạng II giảm 10 chợ so với năm 2011 và 7.374 chợ hạng III. Số lượng chợ giảm do chủ yếu tăng số lượng chợ hạng II.
Phân bố theo vùng: vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có số lượng chợ nhiều nhất (chiếm 28,39% số lượng chợ cả nước), tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long (cùng chiếm 20,84%), Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm 16,64%), Đông Nam Bộ (chiếm 8,96%), Tây Nguyên (chiếm 4,33%).
Trong các năm từ 2009-2012, vùng Đông Nam bộ có tốc độ tăng trưởng lớn nhất đạt 10%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của cả nước (3%/năm), đứng thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (5%/năm), Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 3 (2%/năm), vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ & duyên hải miền Trung có tốc độ tăng trưởng thấp nhất (1%/năm).
Các loại hình bán lẻ hiện đại:
Siêu thị (super market): Theo số liệu niên giám thống kê, năm 2008 cả nước có 386 siêu thị, đến năm 2012 tăng lên khoảng 713 siêu thị, tăng chủ yếu do tăng số lượng siêu thị hạng 2. Trên thực tế, hầu hết các siêu thị hiện có tại nhiều địa phương cũng chưa hoàn toàn đạt chuẩn.
Phân bố theo vùng: số lượng siêu thị tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ (chiếm 29,2% số siêu thị), Đồng bằng sông Hồng (25,9%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (22,6%) %), Đồng bằng sông Cửu Long (8,8%), Tây Nguyên (3,8%). Nếu tính theo tỉnh thành phố, số lượng siêu thị tập trung nhiều nhất ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Ninh. Trong các năm từ 2009-2012, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng số lượng siêu thị nhanh nhất (25%/năm), đạt mức cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của cả nước (18%/năm), tiếp đến là vùng Trung du và miền núi phía bắc (24%/năm), Đông Nam Bộ (19%/năm), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (17%/năm), Đồng bằng sông Hồng (16%/năm) và thấp nhất là Tây Nguyên với 12%/năm.
Qui mô của các siêu thị chủ yếu là qui mô nhỏ, tính bình quân trên cả nước diện tích đất của một siêu thị khoảng 6.000m2 và diện tích sàn kinh doanh khoảng trên 3.000m2.
Trung tâm thương mại (department store- bao gồm cả của hàng bách hóa đây là một dạng của TTTM nhưng chủ yếu là bán lẻ hàng hiệu):Trên thực tế, các TTTM hiện đại ở nước ta chưa nhiều và chủ yếu mới phát triển ở TP.HCM, Hà Nội như Diamond Plaza, Parkson, Vincom centre…
Về phân bố, số lượng TTTM tại vùng Đông Nam bộ chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 37,9% số TTTM cả nước), tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 32,8%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (19%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (6%), Đồng bằng sông Cửu Long (3,4%), Tây Nguyên (0,9%). Nếu tính theo tỉnh thành phố, số lượng TTTM tập trung nhiều nhất tại TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng. Từ năm 2009-2012, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tốc độ tăng trưởng lớn nhất (21%/năm, trong khi cả nước đạt 17%/năm), Đông Nam bộ đứng thứ hai với tốc độ tăng trưởng 19%/năm, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng với 17%/năm, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 14%/năm. Năm 2009, Tây Nguyên mới chỉ có 1 TTTM và cho đến nay vẫn chưa có thêm TTTM nào.
Qui mô của các TTTM: tính bình quân trên cả nước, diện tích đất của một TTTM là trên 28.500m2 và diện tích sàn kinh doanh là trên 11.800m2. Diện tích đất bình quân một TTTM cao nhất là ở Đông Nam bộ (40.500m2), Tây Nguyên (18.230m2), Đông Bắc bộ (16.870m2), Duyên hải miền Trung (15.000m2), Đồng bằng sông Hồng (7.790 m2), Bắc Trung bộ (6.340m2), Đồng bằng sông Cửu Long (5.020m2) và thấp nhất là Tây Bắc (2.430 m2).
Trung tâm mua sắm (shopping mall): Hiện nay, ở nước ta, chỉ có Lotte Mart tại TP.HCM được xem là mang dấp của shopping mall.
Cửa hàng tiện lợi: Tại VN hiện nay có khoảng 30 chuỗi đang kinh doanh như Circle K, Shop&Go, Ministop, FamilyMart, B&B, Day&Night, Co.opfood, Satrafoods, New Chợ, CExpress, Hapromart…
Các cửa hàng chuyên doanh: Đây là loại hình cửa hàng chuyên kinh doanh trong một lĩnh vực ngành hàng nào đó, thường có qui mô nhỏ hơn siêu thị và thường đặt tại các khu dân cư lớn. Hiện nay, các cửa hàng chuyên bán hàng thực phẩm của Saigon Coop, hay các siêu thị điện thoại di động, các trung tâm điện máy của Nguyễn Kim có thể được xem là loại hình cửa hàng chuyên doanh.
XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BÁN LẺ TRƯỚC NHỮNG YÊU CẦU MỚI
Cùng với quá trình gia tăng qui mô kinh tế và qui mô thương mại, mạng lưới bán buôn hàng hóa trong nền kinh tế đã phát triển trên cả hai phương diện: một là, gia tăng mật độ và qui mô các cơ sở bán buôn trong mạng lưới bán buôn truyền thống (chợ bán buôn); hai là, bước đầu đã hình thành các cơ sở bán buôn hiện đại, tạo điều kiện để từng bước gắn kết hoạt động thương mại trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn chung mạng lưới bán buôn hàng hóa ở VN hiện nay vẫn chủ yếu là loại hình chợ truyền thống có qui mô hạng I và II. Các loại hình bán buôn hiện đại mới đang trong thời kỳ thử nghiệm, chưa phát huy được hiệu quả. Các giao dịch bán buôn vẫn chủ yếu có qui mô nhỏ, phân tán...
Sự phát triển của mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại đã đáp ứng được sự gia tăng cả về qui mô và trình độ phát triển nhu cầu mua sắm của các tầng lớn dân cư có thu nhập khác nhau, tại các vùng, địa phương khác nhau trong cả nước. Xu hướng thay thế các loại hình bán lẻ truyền thống bằng các loại hình bán lẻ hiện đại đang diễn ra khá mạnh mẽ ở các đô thị lớn, nhất là ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài tại VN đã góp phần nâng cao văn minh thương mại, văn minh đô thị... Bên cạnh những kết quả đạt được, mạng lưới bán lẻ ở nước ta hiện nay còn những hạn chế như: chủ yếu là các cơ sở nhỏ và siêu nhỏ của các hộ kinh doanh; lực lượng chủ lực, trực tiếp bán lẻ hàng tiêu dùng vẫn chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ, trình độ, kỹ năng kinh doanh thấp; phân bố chủ yếu theo các trục giao thông gây ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông; mạng lưới bán lẻ tại các vùng sâu, vùng xa còn mỏng…