Kết cấu hạ tầng xuất nhập khẩu gắn với các khu kinh tế
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng xuất nhập khẩu bao gồm những điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho quá trình vận chuyển và giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, phần lớn được sử dụng và cung cấp cho dịch vụ logistics và gắn liền với các phương thức vận chuyển như phương thức vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt và đường không. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng xuất nhập khẩu gắn với việc hình thành với các khu kinh tế - cảng biển.
KẾT CẤU HẠ TẦNG XUẤT NHẬP KHẨU GẮN LIỀN VỚI CÁC PHƯƠNG THỨC VẬN CHUYỂN
Ở VN hiện nay, nhu cầu xuất nhập khẩu đường bộ ở VN đang được chú trọng. Bên cạnh hệ thống chợ với hoạt động xuất nhập khẩu, trên tuyến biên giới đã bắt đầu hình thành và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó có 11 khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc; 10 khu kinh tế cửa khẩu với Lào; 8 khu cửa khẩu với Campuchia. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Chính phủ đã lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015, gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Đồng Đăng – Lạng Sơn; Lào Cai; Cầu Treo (Hà Tĩnh); Lao Bảo (Quảng Trị); Mộc Bài (Tây Ninh) và An Giang. 8 khu kinh tế cửa khẩu này đang được ưu tiên đầu tư nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu VN. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD với tốc độ tăng bình quân khoảng 12,3 %/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 16 tỷ USD.
Đối với kết cấu hạ tầng xuất nhập khẩu gắn với phương thức vận tải đường sắt ở VN cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Hiện nay chỉ có 2 hai tuyến đường sắt huyết mạch cho hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới VN và Trung Quốc (Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam và Hải Phòng – Hà Nội – Lạng Sơn – Nam Ninh, Trung Quốc). Các cửa khẩu đường sắt thường chỉ làm thủ tục hải quan với các loại hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch mà không làm thủ tục đối với các hàng hóa tiêu ngạch.
Hệ thống kết cấu hạ tầng xuất nhập khẩu gắn với phương thức vận tải hàng không ở VN chưa phát triển bởi lẽ tại các sân bay, khu vực chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu và phân phối hàng hóa nhập khẩu đều chưa được hình thành.
KẾT CẤU HẠ TẦNG XUẤT NHẬP KHẨU GẮN VỚI CÁC KHU KINH TẾ - CẢNG BIỂN
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại VN giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, có các khu kinh tế gắn liền với cảng biển: Chu Lai gắn với cảng biển Kỳ Hà; Dung Quất – cảng biển Dung Quất, Nhơn Hội – cảng Nhơn Hội, Chân Mây – Lăng Cô với cảng Chân Mây; Phú Quốc – Nam An Thới với cảng An Thới; Vũng Áng – cảng Vũng Áng; Vân Phong – cảng vân Phong; Nghi Sơn - cảng Nghi Sơn, Vân Đồng – cảng Vạn Hoa; Đông Nam Nghệ An – cảng Cửa Lò; Đình Vũ - Cát Hải - cảng Đình Vũ; Nam Phú Yên – cảng Vũng Rô; Hòn La – cảng Hòn La. Tuy nhiên, có một thực tế là các khu kinh tế ở nước ta hiện nay đa phần đều mới được thành lập, hoặc đang trong quá trình xây dựng. Theo thống kê, trên địa bàn cả nước có 15 khu kinh tế gắn liền với cảng biển. Tại miền Bắc có 2 khu kinh tế là Đình Vũ – Cát Hải và Vân Đồn, miền Nam có khu kinh tế Phú Quốc – An Thới, còn lại tập trung ở miền Trung. Đặc biệt là các khu kinh tế này hầu hết đều có khu vực thuế quan và phi thuế quan.
Các chuyên gia cho rằng, “các địa phương đồng loạt đề xuất thành lập quá nhiều khu kinh tế, trong khi khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách đầu tư hạ tầng lại rất hạn chế dẫn đến đầu tư hạ tầng các khu kinh tế yếu và thiếu, dàn trải, các khu kinh tế chậm phát triển”. Vì vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu tại các khu kinh tế vẫn còn sơ khai, nên lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là tại khu vực miền Trung còn thấp và không đồng đều.
Tuy nhiên, hiện nay tại VN, hệ thống kết cấu hạ tầng xuất nhập khẩu gắn với cảng biển vẫn đang đảm nhận vai trò chủ đạo của mình so với các loại hình vận chuyển khác, với hệ thống kho bãi, các cơ sở thu gom, phân loại, đóng gói hàng hóa xuất khẩu, các trung tâm phân phối hàng hóa nhập khẩu,… Hệ thống cảng biển nước sâu, hệ thống các khu kinh tế đa ngành mà trong đó xương sống của nó là một nền đại công nghiệp quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mới đây, ngày 17.8.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành văn bản phê duyệt Đề án rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển giai đoạn 2013-2015. Như vậy, trong tương lai, chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự phát triển của kết cấu hạ tầng xuất nhập khẩu đối với các khu kinh tế này. Đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được hình thành trên lĩnh vực kinh tế biển, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang ngày càng có tác động lớn đến sự phát triển của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, trở thành đối tác quan trọng đối với sự phát triển của Tiểu vùng sông Mê Kông, và nắm vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.