Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019: Bàn luận về các vấn đề lớn của kinh tế đất nước
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 17:59, 16/01/2019
Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 (năm 2018) đã mang lại nhiều thông tin tốt cho việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế Việt Nam (Ảnh TL)
Tham dự hội thảo này sẽ có các chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Bangladesh, Maldives; đại diện của tổ chức quốc tế đa phương như IMF, ADB, WB, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Tài chính dự án và hạ tầng (IPFA), Bộ Tài chính Indonesia, Bộ Tài chính Thái Lan, Công ty PwC.
Qua hai kỳ tổ chức vào các năm 2017 và 2018, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm tổ chức cũng như xác định rõ các mục tiêu trọng điểm, bức thiết nhất cần phải tập trung. Từ những kinh nghiệm đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ được mở rộng về cả quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự…
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ có 3 chuỗi Hội thảo quan trọng và một phiên Đối thoại chính sách cấp cao. Diễn đàn sẽ bàn luận về các vấn đề lớn của kinh tế đất nước, nhận diện xu thế cùng những cơ hội và thách thức, từ đó gợi mở định hướng cho thời gian tới.
Ngoài sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, học giả nổi tiếng còn có sự tham gia và chủ trì của các chính khách để tiếp nhận, chia sẻ và tìm tiếng nói chung giúp đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, bền vững và thịnh vượng trong tương lai.
Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” (chiều ngày 17.1) với sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phát biểu khai mạc của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Nhìn lại năm 2018, kinh tế Việt Nam được đánh giá đã vượt qua được những rào cản khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư cũng như đang xây dựng được các thiết chế kinh tế mới để tham gia hiệu quả vào các hiệp định thương mại tự do mới. Trong đó, chúng ta không những hoàn thành tất cả mà còn có 9/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 3,54%, xuất siêu đạt kỷ lục với hơn 7 tỉ USD.