Diễn đàn logistics Việt Nam lần thứ nhất
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:46, 18/01/2014
THIẾU SỰ GẮN KẾT
Logistics đã và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, nhưng cho đến nay, thị trường logistics VN vẫn ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Chi phí logistics so với GDP của VN khoảng 25%, một tỉ trọng rất cao xuất phát từ việc thiếu thốn về hạ tầng và năng lực vận tải còn non yếu. Trong khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang hối thúc kinh tế VN phát triển, bằng việc gia nhập WTO, và các Hiệp định thương mại đã và đang mang lại những kết quả khả quan, đang và sẽ gây không ít những khó khăn cho DN nội địa từ môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Cùng với sự phát triển của kinh tế, khoảng cách trong các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như chất lượng hàng hóa hay giá cả ngày càng thu hẹp. Các nhà sản xuất, xuất khẩu đã chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, hợp lí hóa quá trình lưu chuyển hàng hóa trong cả hệ thống quản lý phân phối của DN, giảm chi phí. Vì vậy logistics đã được chuyên môn hóa và phát triển trở thành ngành dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, lưu thông, phân phối của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong giao thương quốc tế hiện nay”.
Tuy nhiên, cơ hội cho VN càng mở rộng bao nhiêu thì thách thức cũng tăng theo bấy nhiêu, khi sức ép phải mở cửa kinh tế trong đó dịch vụ logistics đóng vai trò hết sức quan trọng. Thống kê của một số tổ chức nghiên cứu về logistics, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển và 15-20% ở các nước đang phát triển, việc giảm chi phí logistics đã góp phần không nhỏ trong việc tăng sức cạnh tranh hàng hóa của một quốc gia. Trong khi đó xuất nhập khẩu của VN tăng đều theo hàng năm. Nhưng trong thời gian qua, các DN logistics VN chưa thật sự tìm được tiếng nói chung với DN xuất nhập khẩu, chưa tạo ra sự gắn bó để thúc đẩy sự phát triển chung cho cộng đồng DNVN. Ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh của chính các DNVN do phải chịu các loại phí cao mà điển hình là chi phí logistics.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Trong những năm qua, chi phí cho hoạt động logistics của VN chiếm tới 25% GDP cả nước. Điều này đã dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn nhân lực trong nước. Việc giảm chi phí logistics chắc chắn sẽ giúp nền kinh tế VN tăng được sức cạnh tranh trong một môi trường hội nhập và cạnh tranh ngày càng nhiều hơn. Để đạt được điều này, chúng ta cần phải xem xét lại toàn diện các vấn đề liên quan đến hệ thống logistics”.
Diễn đàn lấy ý kiến từ nhiều chuyên gia trong ngành mà phần lớn là sự lên tiếng của chính các DN đang vận hành hệ thống logistics. Tất cả đều cho rằng mấu chốt làm cho chi phí logistics trong nước cao là do sự phát triển không đồng bộ giữa các hệ thống với nhau như hệ thống cơ sở hạ tầng, các thể chế pháp lý, nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ… đều gặp nhiều vướng mắc và bất cập.
VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Trong những năm qua, VN đã dành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics phát triển. Hệ thống cảng biển VN đã và đang được đầu tư xây dựng với quy mô lớn và trang thiết bị xếp dỡ hiện đại. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn của các khu vực cảng là cơ sở hạ tầng kết nối với vùng tập trung hàng hóa còn yếu. Đáng chú ý nhất là các địa phương hầu như còn thiếu trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung cấp chuyên dụng. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia một cách đồng bộ, hợp lý. Vừa có những bước đi vững chắc, vừa có những bước đi đột phá để nhanh chóng tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, kết nối các phương thức giao thông vận tải. Xã hội hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước, phát triển kết cấu hạ tầng logistics dựa trên sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm mục tiêu phát triển logistics bền vững.
VỀ KHUNG THỂ CHẾ VÀ PHÁP LÝ
Khung thể chế và pháp lý về logistics phức tạp và còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Thủ tục hàng chính chậm trễ, sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý cũng như văn bản pháp luật ảnh hưởng tới sự hiệu quả của hoạt động logistics. Các quy định và khái niệm trong luật hiện nay về dịch vụ logistics còn có nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình mới và xu thế phát triển, chưa làm rõ, thể chế hóa dịch vụ logistics cũng như tạo thuận lợi cho người làm dịch vụ và thúc đẩy thị trường dịch vụ logistics.
VỀ NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ
Với các con số về thị phần và thực trạng những nhà cung cấp dịch vụ logistics VN là rất khiêm tốn và ít ỏi, thị trường này đang nằm trong tay các công ty nước ngoài. Một số DN trong nước đã tiến hành các dịch vụ logistics bên thứ 3 (3PL – third party logistics) nhưng sự “bứt phá” này vẫn chưa bền vững, còn thiếu về tính chuyên nghiệp, kỹ năng, mạng lưới, công nghệ, kỹ thuật và vốn đầu tư hệ thống thông tin hiệu quả. Sự cạnh tranh về giá, hoạt động manh mún, làm thuê cho các 3PL, 4PL nước ngoài ngay tại sân nhà… vẫn là tình trạng chung của các nhà cung cấp dịch vụ logistics VN. Một số DN nhà nước có vốn và cơ sở vật chất khá lớn (nay đã cổ phần hóa) vẫn chưa chịu đột phá, tiên phong trong lĩnh vực mới.
Nhìn chung Diễn đàn đã mổ xẻ nhiều vấn đề đang còn là vướng mắc và việc giải quyết khó khăn thật sự là một bài toán khó. “Một khía cạnh không kém phần quan trọng là chất lượng dịch vụ của các DN dịch vụ logistics hiện nay đến đâu? Điều này tùy thuộc vào năng lực thực hiện, tính chuyên nghiệp thông qua trình độ tay nghề, công tác đào tạo huấn luyện của từng DN cũng như việc đầu tư thiết bị, phương tiện, công nghệ thông tin… Cho đến thời điểm này, chỉ vài trường đại học trên cả nước có chuyên khoa đào tạo logistics kết hợp với chương trình vận tải”, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics (VLA) cho biết.