Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải: Tín hiệu trở thành cảng trung chuyển quốc tế
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:27, 22/01/2014
Việc các hãng tàu, các nhà khai thác cảng đã có mặt tại khu vực Cái Mép – Thị Vải để đầu tư, khai thác cảng và việc đưa được các tàu mẹ có sức chở lên đến 11.000 TEU vào khu vực Cái Mép có thể coi là tiền đề cơ bản và có sức thuyết phục nhất trong việc phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu thành cảng trung chuyển container quốc tế.
Đó là tín hiệu chuyển mình của ngành dịch vụ logistics Bà Rịa – Vũng Tàu hội nhập và phát triển. Vậy cụm cảng Cái Mép – Thị Vải cần phải có những thay đổi gì để trở thành cảng trung chuyển container quốc tế trong tương lai?
CÓ SỰ CHÍNH DANH
Thời gian qua, các đối tác nước ngoài cũng luôn nhìn nhận cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là cảng trung chuyển quốc tế. Thế nhưng, vẫn chưa có văn bản chính thức nào từ phía Chính phủ công nhận Cái Mép – Thị Vải là cảng trung chuyển quốc gia và quốc tế và đến thời điểm hiện nay vấn đề đó đã được giải tỏa.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết, ngày 22.10 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải”. Một trong những mục tiêu của Đề án là để điều chỉnh, cân đối cung cầu hàng hóa và bến cảng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của những bến cảng đã được đầu tư. Triển khai các giải pháp thu hút hàng hóa trung chuyển về các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải nhằm tận dụng khả năng tiếp nhận tàu lớn (trên 80 ngàn tấn) thực hiện dịch vụ trung chuyển.
Từ đó có thể khẳng định, các bến cảng Cái Mép - Thị Vải đã được Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận là cảng trung chuyển. Hiện nay, công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển VN được Portcoast thực hiện, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch điều chỉnh đã kiến nghị chuyển chức năng của cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) thành cảng đa năng, đồng thời kiến nghị bổ sung chức năng trung chuyển quốc tế cho cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. “Cái Mép - Thị Vải chắc chắn sẽ được định danh là cảng trung chuyển quốc tế”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.
NHỮNG VẤN ĐỀ PHẢI LÀM
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, để phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu thành cảng mang tính chất trung chuyển container quốc tế thì còn rất nhiều việc phải làm. Một là, cần nghiên cứu phát triển cơ sở hạ tầng công cộng phục vụ cảng biển như luồng hàng hải; hệ thống quản lý hoạt động hàng hải điện tử; hệ thống giao thông kết nối với cảng biển. Nghiên cứu phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc. Hai là, nghiên cứu cơ chế đặc thù thu hút lượng hàng trung chuyển quốc tế qua cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu. Tuy nhiên để khuyến khích, thu hút lượng hàng trung chuyển quốc tế cần có cơ chế chính sách ưu đãi để đảm bảo các cảng có sức hấp dẫn đối với các chủ hàng và chủ tàu, từ đó có thể cạnh tranh với các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực. Ba là, nghiên cứu phát triển dịch vụ logistics hỗ trợ cho hoạt động cảng biển, trong đó chú trọng phát triển Trung tâm dịch vụ hậu cần logistics sau cảng, kể cả việc hình thành một khu Kinh tế mở hoặc khu vực mậu dịch tự do phía sau hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải. Bốn là nghiên cứu phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu quản lý và khai thác của dịch vụ kinh doanh khai thác trung chuyển quốc tế và dịch vụ logistics hỗ trợ. Năm là, đẩy mạnh phát triển và áp dụng hải quan điện tử; Nghiên cứu hình thành Trung tâm dữ liệu quản lý hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ logistics cho toàn khu vực.
Các cơ chế, chính sách đề xuất nhằm tạo điều kiện cho khu vực Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải đảm nhận nhiệm vụ trung chuyển quốc tế cơ bản như: Được hưởng các ưu đãi về các loại thuế áp dụng đối với dự án thuộc ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư chung và các ưu đãi khác về thuế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết khi gia nhập WTO; Cho phép tàu nước ngoài ra/vào làm hàng tại cảng không phải làm thủ tục xuất nhập cảnh với nguồn hàng, chỉ làm thủ tục đối với tàu theo quy định của luật hàng hải. Được áp dụng cước, phí tại cảng phù hợp với điều kiện thực tế, tính chất của một cảng trung chuyển quốc tế bước đầu tham gia vào một thị trường cạnh tranh quyết liệt với những cảng trung chuyển quốc tế lớn trong khu vực như cảng Singapore, cảng Hồng Kông, cảng Tanjung Pelepas… nhằm thu hút chủ hàng và chủ tàu, ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.
Cần tăng nguồn hàng nội địa và trung chuyển nội địa để cụm cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải thực hiện đúng chức năng cụm cảng cửa ngõ. Theo đó, phải có chính sách giảm chi phí hàng hải để tạo sự hấp dẫn từ các hãng tàu container lớn nước ngoài để họ lựa chọn Cái Mép - Thị Vải làm cảng trung chuyển hàng nội địa mà không tiếp tục đưa sang trung chuyển tại Malaysia, Hồng Kông, Singapore. Ưu đãi về phí hàng hải cho tàu feeder còn giúp cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thu hút hàng trung chuyển quốc tế từ cảng nhỏ trong khu vực (Campuchia, Thái Lan, Philippines…) sang chuyển tải sang tàu mẹ tuyến Mỹ, châu Âu tại Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực may mặc, gia công xuất khẩu, gia công hàng điện tử, ôtô… nhằm thu hút các nhà đầu tư đổ về tỉnh xây dựng một nguồn hàng “hậu phương” của tỉnh xuất đi các thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) phân tích.
Ông Seong Won Hong, Tổng Giám đốc Cảng Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) cho rằng, cần phát triển, gia tăng tỷ lệ hàng trung chuyển từ các nước trong khu vực. Để làm được điều đó, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng xem xét giảm cảng phí cho hãng tàu bao gồm giảm phí luồng lạch, phí trọng tải, phí hoa tiêu, áp dụng riêng cho các tàu container vào khu vực Cái Mép - Thị Vải có trọng tải trên và dưới 50.000 DWT. Việc giảm cảng phí này sẽ hỗ trợ nhiều cho hãng tàu, tạo lợi thế cạnh tranh so với các cảng Singapore và Hồng Kông, nên sẽ thu hút mạnh mẽ lượng hàng trung chuyển tại khu vực Cái Mép, làm tăng sản lượng xếp dỡ của toàn khu vực Cái Mép. Cần lưu ý rằng, Singapore là cảng hàng đầu trên thế giới là do tỷ lệ hàng trung chuyển ở mức rất cao khoảng 80%. Do vậy, việc thu hút hàng trung chuyển chiếm tỷ lệ cao hơn là một mục tiêu rõ ràng để phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.