Thị trường bán lẻ yếu khâu logistics
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 17:08, 20/02/2014
Sau 6 năm gia nhập WTO, các DN bán lẻ VN đã từng bước trưởng thành. Tuy nhiên so với các doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành thì DN trong nước đang bị lép vế bởi nhiều nguyên nhân trong đó có dịch vụ logistics.
TỰ LÀM LOGISTICS
Tại cuộc giao lưu trực tuyến về thị trường bán lẻ do Báo Công Thương tổ chức mới đây, cho thấy các doanh nghiệp phân phối bán lẻ như Tập đoàn Dệt may, Hapro, Vinatex... vừa làm sản xuất, vừa phân phối và bán lẻ. Đa số đều tự làm dịch vụ logistics, có nghĩa là DN tự lo từ A đến Z, từ khâu lưu kho, vận chuyển hàng hóa đến các trung tâm phân phối hoặc cửa hàng bán lẻ của mình.
Theo các chuyên gia về logistics, việc DN tự làm dịch vụ logistics sẽ là sức cản cạnh tranh, lãng phí nguồn lực và không hiệu quả. Bởi vì DN phải bỏ ra khoản tiền lớn, thường là đi vay để đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật như kho bãi chứa hàng, trang thiết bị bốc xếp, phương tiện vận chuyển, nhân lực quản lý... Lúc đó, ngoài áp lực về tài chính, bộ máy phình to ra, DN còn chịu nhiều rủi ro, lãng phí nếu công suất của kho bãi, phương tiện không được khai thác hết, hoặc hàng bị ách tắc ở một trong nhiều khâu. Do vậy, tự làm dịch vụ logistics chỉ phù hợp với những DN cực lớn với chuỗi đại siêu thị tầm quốc tế.
Thị trường bán lẻ trải rộng khắp từ thành phố đến nông thôn, miền núi, từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đến cửa hàng hộ gia đình. Do vậy có nhiều nhà bán lẻ tham gia và không phải nhà bán lẻ nào cũng lớn.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN cho rằng, trong thời gian qua, ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, đã tác động lên sức mua thị trường, thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý, nhân lực... thì cái yếu nhất của DN bán lẻ hiện nay là mặt bằng và dịch vụ logistics, khiến DN khó cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, nếu giải quyết tốt vấn đề logistics thì mặt bằng không phải là vấn đề quan trọng, đơn cử một cửa hàng tiện lợi có mặt bằng khoảng 100m2, không thể bỏ ra 20% diện tích để làm kho, nếu có cũng không thể chứa đủ hàng nghìn mặt hàng, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm có vòng luân chuyển rất ngắn. Một trong những thành công của thị trường bán lẻ là tính kịp thời của sản phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
CHÌA KHÓA CẠNH TRANH
Nhiều chuyên gia logistics nhận định rằng dường như đang có một cách hiểu chưa đúng về logistics của nhiều DNVN, họ nghĩ rằng cứ có kho bãi, phương tiện chuyên chở hàng hóa tự phục vụ mình là đã tham gia chuỗi cung ứng logistics. Thứ hai họ cho rằng thuê dịch vụ logistics bên ngoài sẽ tốn kém chi phí và khó kiểm soát.
Thực tế, logistics là cả quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới khâu đầu vào và đầu ra. Trong đó việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành là điều cực kỳ quan trọng. Với những nhà cung cấp dịch vụ logistics hiện đại, họ có đủ năng lực về tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực, khoa học quản lý hiện đại... để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của DN từ việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, đến đầu ra. Có nghĩa là nhà sản xuất cứ lo sản xuất, còn nhà phân phối, bán lẻ chỉ tập trung vào công việc của mình.
Đối với mô hình siêu thị, đòi hỏi phải có khu vực kho bãi đủ lớn với đội ngũ quản lý riêng biệt, làm tăng chi phí quản lý. Điều này sẽ không còn phù hợp khi quỹ đất ở khu vực trung tâm đang dần hạn hẹp. Thêm vào đó, các DN bán lẻ đang phụ thuộc vào mạng lưới cung ứng hàng hóa của nhà cung cấp. Có nghĩa là nhà bán lẻ không nắm giữ trong tay quyền kiểm soát dòng chảy hàng hóa, dẫn đến việc thiếu hàng, không có hàng hoặc nhà cung cấp từ chối giao hàng với nhiều lý do...
Do vậy, để có thể tồn tại vững chắc trên thị trường bán lẻ, thì các DNVN cần thay đổi tư duy về dịch vụ logistics, chú trọng đến việc thuê dịch vụ bên ngoài để tối ưu hóa chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, các DN bán lẻ cần học hỏi những kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa, thiết lập chuỗi cung ứng của riêng mình và chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định và chất lượng cao cho hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Để nâng cao sức cạnh tranh choDN bán lẻ nội, Nhà nước cần có những sự hỗ trợ từ chính sách ưu đãi, cho thuê đất để phục vụ bán lẻ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, xu hướng mua sắm và các quy định khác không trái với các cam kết gia nhập WTO, FTA… để hỗ trợ cho DN.