Quy tắc xuất xứ trong TPP cơ hội và thách thức cho hàng xuất khẩu Việt (tiếp theo)

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:11, 19/02/2014

(VLR) Kỳ vọng của VN khi tham gia đàm phán TPP là tiếp tục mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường các nước đối tác cho các ngành xuất khẩu chủ lực. Tham gia TPP, hàng hóa và dịch vụ của VN sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác thông qua cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ.

Kỳ vọng của VN khi tham gia đàm phán TPP là tiếp tục mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường các nước đối tác cho các ngành xuất khẩu chủ lực. Tham gia TPP, hàng hóa và dịch vụ của VN sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác thông qua cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ.

CƠ HỘI CHO HÀNG XUẤT KHẨU VN

Trong khi đó, theo quy tắc xuất xứ của TPP thì khó khăn của các DNVN không nằm ở việc chứng minh xuất xứ hàng hóa, mà do VN chưa đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu phù hợp để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chí xuất xứ trong Hiệp định. Do vậy, trong những trường hợp đó, VN phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác, và sợ rằng phải nhập khẩu từ cả những nước không phải là thành viên tham gia Hiệp định.

Tuy nhiên, với việc Hiệp định TPP bao gồm 12 nước thành viên, trong đó có nhiều thành viên là đối tác lớn của VN, có khả năng cung ứng nguyên liệu như Malaysia, Nhật Bản, Mỹ, Mexico..., VN có thể sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ những đối tác này để áp dụng quy tắc cộng gộp, thỏa mãn quy tắc xuất xứ trong Hiệp định TPP để được hưởng ưu đãi thuế quan, qua đó sẽ kích thích sản xuất, gia tăng khả năng xuất khẩu của hàng hóa VN sang thị trường các nước TPP, đặc biệt là Mỹ.

Đặc biệt là đối với ngành thủy sản, đây là ngành mà VN có thế mạnh và quy tắc xuất xứ không phải là rào cản nữa, đổi lại là rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để tận dụng có hiệu quả ưu đãi mang tính bền vững từ hiệp định TPP, các nhà xuất khẩu chỉ cần lưu ý về môi trường ao nuôi và thức ăn cho thủy sản. Hay với ngành chế biến gỗ cũng tương đối thuận lợi vì trong thời gian qua, các nhà sản xuất gỗ nhập khẩu rất nhiều gỗ từ Úc, New Zealand, Hoa Kỳ. Các nước này là những thành viên của TPP.

khi VN có thể tiếp cận các thị trường lớn với mức thuế suất 0-5%, điều đó sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn và triển vọng cho nhiều ngành hàng, đặc biệt là dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ là các ngành xuất khẩu quan trọng hiện nằm trong nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta. Các nhóm hàng này sẽ có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các nước tham gia TPP, đặc biệt là tại Mỹ (thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới) và Nhật Bản (thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 thế giới).

THÁCH THỨC CHO HÀNG XUÂT KHẨU VN

Dệt may hiện là ngành được quan tâm nhất khi VN tham gia TPP, vì đây là ngành đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu rất lớn, tạo công ăn việc làm nhiều. Tuy nhiên, hiệp định TPP có những rào cản nhất định đối với ngành dệt may. Rào cản đó được thể hiện qua quy tắc xuất xứ như quy định về nguyên vật liệu để sản xuất ra sản phẩm may mặc phải đáp ứng yêu cầu từ sợi “yarn forward”, hoặc nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm vải dệt kim phải đáp ứng yêu cầu từ sợi “fiber forward”…

Thực tế có rất nhiều lo ngại cho ngành dệt may khi tham gia vào hiệp định này, mà trực tiếp là những thách thức đối với thị trường Mỹ. Như chúng ta biết, thị phần của VN xếp vị trí thứ 2 ở thị trường Mỹ nhưng vị trí này là không bền vững. Nguyên nhân là do thị phần của VN chỉ chiếm 8%, còn Trung Quốc đứng vị trí số 1 với 35-36% về thị phần, gấp 4,5 lần VN - sự chênh lệch là rất lớn. Trong khi đó, những thị trường ở vị trí thứ 3, thứ 4 cũng có 7% hoặc 6,5% thị phần, chỉ cần một sai lệch nhỏ trong định hướng chung là dệt may VN có thể mất vị trí thứ 2. Nghiêm trọng hơn, khi tham gia vào TPP, Mỹ yêu cầu áp dụng nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” là thách thức lớn đối với ngành dệt may VN. Thách thức này thể hiện ở chỗ, chuỗi cung ứng dệt may trên thế giới là chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất, mua hàng đã có xu thế thiết lập tương đối ổn định chuỗi cung ứng của mình. Vì vậy, không dễ để họ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ những nước không nằm trong TPP dịch chuyển về những nước nằm trong TPP. Chưa tính đến trường hợp các DNVN có thể lo được vốn để đẩy mạnh đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm nhưng nếu các nhà máy trên không nằm trong chuỗi cung ứng, thì khả năng tham gia và hưởng lợi từ TPP là khó đạt được. Và một dẫn chứng từ thực tế để thấy rõ thách thức này đối với ngàng dệt may VN hiện nay là khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản, VN được hưởng nguyên tắc “từ vải trở đi”. Mặc dù thông thoáng hơn cả nguyên tắc “từ sợi trở đi” của TPP nhưng trong 4 năm qua, việc thu hút đầu tư sản xuất vải cho thị trường Nhật Bản để đáp ứng được FTA thực sự không đáng kể.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP

Để đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, các DN cần nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ trong Hiệp định TPP (sau khi được ký kết) để chắc chắn hàng hóa đáp ứng quy tắc cộng gộp và các tiêu chí xuất xứ tương ứng trước khi sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt cần nhận thức rõ một điều là nguyên nhân chính cho khó khăn hiện tại của VN trong vấn đề xuất xứ hàng hóa là do VN vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực, và nguyên nhân sâu xa từ thực trạng này chính là do VN chưa xây dựng được công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày và dệt may, hầu hết các phụ kiện đều phải nhập khẩu. Cho nên, nếu thực hiện nguyên tắc xuất xứ hàng hóa theo TPP, thì không có đủ cơ sở để khẳng định mặt hàng mà chính chúng ta sản xuất mang nguồn gốc VN. Vì vậy, vấn đề căn cơ nhất hiện nay là VNphải khẩn trương xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho ngành may mặc cũng như các ngành khác. Đó là giải pháp căn cơ nhất. Bên cạnh đó, chúng ta có thể có những giải pháp tạm thời khác ví dụ như thương lượng với các nước TPP để có thời gian, gọi là thời gian ân huệ nhất định để giúp điều kiện thời gian cho công nghệ phụ trợ đó phát triển.

Tóm lại, xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho các ngành hàng sản xuất xuất khẩu là giải pháp cấp bách nhất hiện nay đối với VN trong bối cảnh thực thi Hiệp định TPP. Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan là giải pháp này mang tính dài hạn. Vì vậy, trước mắt mỗi DN cần xác định chiến lược kinh doanh riêng cho mình tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, hoặc là tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có, để chiếm lĩnh thị trường nội địa và phát huy thế mạnh, tạo thương hiệu đẩy mạnh xuất khẩu hoặc là xây dựng chuổi cung ứng riêng ngay trong nước cho chính DN? Dù theo định hướng nào thì khi VN tham gia những hiệp định TPP, các doanh nghiệp cần phải thông suốt mọi quy định, và nắm bắt kịp thời những lợi thế, từ đó có những chiến lược phù hợp thì mới tránh được những thua thiệt trong thương mại quốc tế.