Tranh chấp hợp đồng trong thương mại quốc tế

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:31, 15/02/2014

(VLR) Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế VN đang trên đà phát triển, hoạt động kinh doanh, thương mại tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh đó, các vụ tranh chấp về kinh doanh, thương mại, đặc biệt là các hợp đồng có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng. Nội dung tranh chấp cũng đa dạng, phức tạp hơn, như: tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng chuyên chở, hợp đồng đại lý, hợp đồng bảo hiểm…

Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế VN đang trên đà phát triển, hoạt động kinh doanh, thương mại tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh đó, các vụ tranh chấp về kinh doanh, thương mại, đặc biệt là các hợp đồng có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng. Nội dung tranh chấp cũng đa dạng, phức tạp hơn, như: tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng chuyên chở, hợp đồng đại lý, hợp đồng bảo hiểm…

TRANH CHẤP TRONG KINH DOANH, THƯƠNG MẠI NGÀY CÀNG TĂNG

Thông thường, DNVN hay lựa chọn Tòa án kinh tế - thuộc hệ thống Tòa án nhân dân để giải quyết các tranh chấp xảy ra.

Số vụ tranh chấp trong kinh doanh, thương mại tăng qua các năm và có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Điển hình là năm 2011, chỉ là 8.418 vụ nhưng đến năm 2012 đã là 11.995 vụ, tăng 42%. Số lượng các vụ tranh chấp về hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng: năm 2006 có 302/1.978 vụ; năm 2007 với 342/3.783 vụ; năm 2008 là 419/4.748 vụ…

Bên cạnh hệ thống Tòa Kinh tế, hiện nay ở VN có 7 Trung tâm Trọng tài đang hoạt động, đây cũng là lựa chọn để các bên yêu cầu giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại. Trong số đó, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) là tổ chức trọng tài có kinh nghiệm và uy tín nhất, được các DN lựa chọn nhiều nhất trong giải quyết các tranh chấp. Từ năm 1993 cho đến nay, số lượng các vụ tranh chấp do VIAC giải quyết ngày càng gia tăng, đạt gần 1.000 vụ, có 70% là tranh chấp về hợp đồng thương mại quốc tế.

Bảng 1: Các tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết tại VIAC

Năm

Số lượng tranh chấp

Tranh chấp trong nước

Tỷ lệ (%)

Tranh chấp về HĐ TMQT

Tỷ lệ (%)

2005

37

2

5

35

95

2006

36

7

19

29

81

2007

30

9

30

21

70

2008

58

23

40

35

60

2009

48

22

46

26

54

2010

63

37

59

26

41

2011

83

26

31

57

69

2012

64

20

30

44

70

9 tháng 2013

73

23

30

50

70

Nguồn: Hội thảo “Việt Nam gia nhập Công ước của LHQ về

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, ngày 01.11.2013

NGUYÊN NHÂN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp từ hợp đồng thương mại quốc tế. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về các quy định thiếu đồng bộ, rườm rà, lạc hậu của hệ thống pháp luật thì còn phải kể đến những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía DN, như:

  • Hợp đồng được ký kết sơ sài, không quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên. Trên thực tế, rất nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu tất cả điều khoản chỉ nằm trong một trang giấy A4.
  • Nhiều DN thiếu biện pháp phòng ngừa rủi ro, hoặc chưa am hiểu về các chế tài và các biện pháp có thể bảo vệ mình, cũng như cách vận dụng các chế tài này.
  • Trong nhiều hợp đồng thương mại quốc tế, các bên không ghi rõ trong hợp đồng luật áp dụng sẽ là luật nước nào. Theo thống kê tại Hội thảo “Việt Nam gia nhậpCông ước của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” được tổ chức ngày 01.11.2013 tại TP.HCM, thì có đến 80% các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng xuất nhập khẩu của các DNVN là không quy định luật áp dụng.Như vậy, khi tranh chấp xảy ra thì các bên hay Tòa án, Trọng tài cũng rất khó khăn khi xác định luật áp dụng.

KHUYẾN NGHỊ

Để tránh những xung đột, tranh chấp xảy ra trong hoạt động kinh doanh nói chung và thương mại quốc tế nói riêng, nhóm tác giả cũng xin đưa một số khuyến nghị cho DN:

  • Xác định nguồn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế

Bởi vì đặc điểm của hợp đồng thương mại quốc tế các bên tham gia có trụ sở thương mại hoặc quốc tịch ở các nước khác nhau, hàng hóa di chuyển qua biên giới hải quan… nên nếu các bên không thỏa thuận trước nguồn luật áp dụng cho hợp đồng thì có thể áp dụng một trong các nguồn luật sau: luật nước người bán, luật nước người mua, luật nơi ký kết hoặc thực hiện hợp đồng, Công ước quốc tế, tập quán quốc tế… Để bớt đi những tranh chấp liên quan đến luật áp dụng cho hợp đồng cũng như thuận tiện trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên, các DN cần:

- Quy định rõ ràng trong hợp đồng về điều khoản luật áp dụng. Nếu hợp đồng đã ký kết thì ký thêm biên bản bổ sung, thống nhất về nguồn luật áp dụng. Nguồn luật áp dụng, phải là nguồn luật mà DN quen thuộc nhất, phù hợp nhất và nghiên cứu kỹ.

- DN cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại, xác định rõ nghĩa vụ của các bên. Đặc biệt là nghiên cứu về chế tài khi vi phạm hợp đồng thương mại; cần phải xem xét tổng thể về nội dung, điều kiện áp dụng và các nghĩa vụ có liên quan đến các chế tài đó.

- Tiến hành so sánh, đối chiếu các quy định giữa các nguồn luật để tìm ra những điểm tích cực, hạn chế. Trong trường hợp cụ thể sẽ áp dụng nguồn luật nào là có lợi cho DN.

  • Khi có hành vi vi phạm xảy ra cần xác định đúng tính chất của hành vi đó

Ứng với mỗi hành vi vi phạm hợp đồng thương mại sẽ có những chế tài áp dụng tùy theo tính chất của hành vi vi phạm là cơ bản hay không cơ bản. “Vi phạm cơ bản là vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng” (Điều 3, Khoản 13, Luật Thương mại Việt Nam năm 2005). Một trong các chế tài mà các bên có thể áp dụng khi xảy ra hành vi vi phạm cơ bản là hủy hợp đồng.

Việc xác định tính chất của hành vi vi phạm sẽ giúp DN áp dụng được đúng và đủ các chế tài cần thiết để đảm bảo quyền lợi của mình trong cả trường hợp bị vi phạm hay vi phạm hợp đồng thương mại. DN cần phải:

- Nghiên cứu kỹ càng điều khoản có liên quan trong hợp đồng như điều khoản về hàng hóa, điều khoản về số lượng, phẩm chất hàng hóa,…

- Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua theo quy định của hợp đồng và pháp luật. Đối chiếu, so sánh giữa hành vi vi phạm với các quy định trên để xác định hành vi vi phạm là cơ bản hay không cơ bản, hành vi có nằm trong phạm vi được miễn trách hay không,…

- DN cũng nên sử dụng các biện pháp chứng minh hành vi vi phạm có giá trị pháp lý (như giám định của cơ quan có thẩm quyền,…) để có căn cứ pháp lý vững chắc. Đồng thời, việc thu thập các chứng cứ, giấy tờ có liên quan để có cơ sở chứng minh được hành vi vi phạm và các thiệt hại có liên quan là điều rất cần thiết. Đặc biệt, DN tuyệt đối không được dựa vào “kinh nghiệm” hay “phán đoán” mang tính chất chủ quan để xác định tính chất của hành vi vi phạm.

- Khi áp dụng các chế tài khi vi phạm hợp đồng, DN phải thực hiện các nghĩa vụ cần thiết kèm theo như: nghĩa vụ thông báo cho bên vi phạm, hạn chế tổn thất, bảo lưu quyền đòi bồi thường với bên thứ ba… Nếu không thực hiện các nghĩa vụ này, DN có thể sẽ mất quyền khiếu nại, áp dụng các chế tài, thậm chí còn trở thành người vi phạm từ vị trí của người bị vi phạm.

  • Một số khuyến nghị khác

Các DN cũng nên lưu ý trong việc soạn thảo, ký kết hợp đồng. Nội dung các điều khoản cần được soạn thảo chi tiết, đầy đủ và chặt chẽ. Đặc biệt, đối với các điều khoản liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, DN cần dành mức quan tâm thích đáng. Có thể nhờ đến các công ty tư vấn luật trong những trường hợp cần thiết.

DN nên chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và am hiểu luật pháp để có thể chủ động trong hoạt động nghiên cứu thị trường, tìm hiểu đối tác và đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng thương mại.

Lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phù hợp. Có nhiều cách thức các DN có thể áp dụng để giải quyết tranh chấp như: thương lượng, hòa giải, nhờ cơ quan Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết. DN cần tính toán các lợi ích và chi phí cơ hội của từng hình thức giải quyết tranh chấp, đề từ đó lựa chọn chế tài cho phù hợp và hiệu quả.

Bên cạnh đó rất cần sự quan tâm của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng thương mại; thống nhất các quy định của các văn bản luật và dưới luật, phù hợp với luật pháp quốc tế; loại bỏ những quy định rườm rà, chồng chéo… để tạo hành lang pháp lý an toàn cho DN khi áp dụng. Cũng như, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cho DN trong hoạt động cung cấp thông tin, tìm hiểu thị trường, tìm hiểu đối tác trước khi ký kết hợp đồng.