Công nghệ thông tin trong chuỗi logistics toàn cầu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 17:28, 28/03/2014

(VLR) Trong vòng 5 năm trở lại đây, thế giới đang phải đương đầu với một chuỗi các khủng hoảng liên tiếp trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường, như một hậu quả tất yếu của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn tại Mỹ năm 2007 và sự phát triển thiếu bền vững của nhiều quốc gia trong kỷ nguyên công nghiệp.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, thế giới đang phải đương đầu với một chuỗi các khủng hoảng liên tiếp trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường, như một hậu quả tất yếu của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn tại Mỹ năm 2007 và sự phát triển thiếu bền vững của nhiều quốc gia trong kỷ nguyên công nghiệp.

Một môi trường suy thoái trầm trọng về mọi mặt kết hợp với sức ép cạnh tranh khốc liệt từ những nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga đã khiến cho sự sinh tồn trên thị trường của nhiều DN trở nên vô cùng khó khăn. Lợi nhuận sụt giảm và sự gia tăng không ngừng của các chi phí đã trở thành một hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới, tạo sức ép buộc các DN phải tìm ra các giải pháp mới cho sự thích nghi với môi trường kinh doanh đầy biến động để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển trong tương lai, đặc biệt là đối với các DNVN...

TÁC ĐỘNG CỦA KHỦNG HOẢNG

Theo Pearson & Clair (1998), khả năng quản trị khủng hoảng trong mỗi DN đã dần trở thành một chủ đề được quan tâm và gây tranh cãi trong thời kỳ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, lại có rất ít DN quan tâm về mối quan hệ giữa quản trị khủng hoảng với quản trị chuỗi logistics toàn cầu. Bởi lẽ cách hiểu về khủng hoảng còn ít được DN hiểu rõ, ở đây khủng hoảng hầu hết bắt nguồn từ trong nội tại DN và là nguyên nhân chính cho khủng hoảng chuỗi cung ứng, mà nơi thường tập trung nhiều rủi ro nhất chính là tại chuỗi cung cấp nguyên vật liệu và nhu cầu của người tiêu dùng.

Khủng hoảng kinh tế thế giới đã để lại nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thị trường còn non trẻ của VN nói chung và hoạt động của chuỗi logistics tại VN nói riêng. Sự thua lỗ, khan vốn của DN cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và đặc biệt là sự phá sản của hàng loạt công ty vận tải biển VN đã làm chao đảo hệ thống logistics của rất nhiều DN. Bất ổn trong chuỗi logistics đã khiến các DN sản xuất bị rơi vào tình trạng thiếu nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất và chi phí chung (đặc biệt là chi phí vận tải) và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tiêu thụ sản phẩm. Tình hình cũng không khả quan hơn đối với các công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics như: dịch vụ xếp dỡ, dịch vụ kho bãi và đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ phân phối, dịch vụ máy tính và tư vấn quản lý… do khan hiếm nguồn vốn cũng như khách hàng, trong khi các chi phí về lãi suất ngân hàng, khấu hao máy móc, bảo dưỡng và duy trì hoạt động của kho bãi, phương tiện… thì vẫn phải thanh toán hàng ngày.

Cần phải lưu ý một điều là khủng hoảng chuỗi logistics là cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống và có hệ quả dây chuyền lên tất cả các nhân tố thành viên. Tình trạng hoạt động tồi tệ tại một DN cũng có thể trở thành nguyên nhân khơi nguồn khủng hoảng cho toàn hệ thống, hay sự bất đồng trong phản ứng giữa các DN trước vấn đề khủng hoảng chuỗi cung ứng cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn chung. Do đó, để đề phòng khủng hoảng tại chuỗi cung ứng thì nhiệm vụ đầu tiên cần hoàn thành chính là dự báo tốt các rủi ro có thể tác động xấu tới sự vận động của toàn bộ hệ thống cũng như dẫn tới nguy cơ khủng hoảng. Theo nhà nghiên cứu Tang (2006) thì việc xác định được các rủi ro tiềm tàng trong chuỗi cung ứng chính là bước đầu tiên trong công tác quản trị khủng hoảng chuỗi cung ứng.

HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐỐI VỚI CHUỖI LOGISTICS

Sự can thiệp của CNTT vào trong cơ cấu của các DN đã được dự báo từ những năm 50 của thế kỷ trước bởi 2 nhà nghiên cứu người Mỹ Leavitt và Whisler và thực tế đã chứng minh rằng chính CNTT đã tạo ra những thay đổi to lớn trong cách thức tổ chức DN. Thập kỷ 90 của thế kỷ XX được đánh dấu bởi toàn cầu hóa thị trường, kéo theo đó là sự gia tăng nhanh chóng của cơ sở vật chất hạ tầng, sự tăng trưởng của sức ép cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực và sự rút ngắn vòng đời sản phẩm.

Những biến đổi này đã làm thay đổi hoàn toàn các quan niệm kinh doanh truyền thống, đặt khách hàng vào vị trí trung tâm của DN và tìm kiếm sự khác biệt từ các hoạt động cung cấp dịch vụ. Theo Forrester (1958), bối cảnh trên đã tạo ra cho các DN nguyên tắc ứng xử mới, lấy tốc độ đáp ứng nhu cầu của khách hàng làm cốt lõi và sự cần thiết phải gắn kết mật thiết các nhân tố trong chuỗi cung ứng. Mặt khác, toàn cầu hóa cũng góp phần thúc đẩy, tạo ra những bước tiến đáng ngạc nhiên trong CNTT như: tốc độ phát triển của Internet và sự ra đời của các phương thức trao đổi thông tin điện tử, sự tăng tốc của bộ vi xử lý và lưu trữ cùng với sự phát triển của các công trình mạng xã hội.

Lĩnh vực áp dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh của các DN cũng theo đà phát triển đó đi lên và sự xuất hiện của các hệ thống quản trị thông tin điện tử đã thay đổi hầu như hoàn toàn cách thức hoạt động của DN. Trong chuỗi logistics, hệ thống thông tin được hiểu là một cấu trúc tương tác giữa con người, thiết bị, các phương pháp và quy trình nhằm cung cấp các thông tin thích hợp cho các nhà quản trị logistics với mục tiêu lập kế hoạch, thực thi và kiểm soát logistics hiệu quả.

Nói một cách cụ thể, hệ thống thông tin logistics giúp các nhà quản trị DN nắm vững thông tin về biến động của nhu cầu, thị trường và nguồn cung ứng, từ đó chủ động lên kế hoạch mua hàng, giao hàng, dự trữ, mua dịch vụ vận tải… một cách hợp lý, vừa thỏa mãn yêu cầu của khách hàng lại vừa có mức chi phí thấp nhất. Ngoài ra, hệ thống thông tin logistics còn góp phần đảm bảo sự linh hoạt trong các hoạt động logistics, xây dựng chương trình logistics hiệu quả, chỉ rõ thời gian, không gian và phương pháp vận hành các chu kỳ hoạt động trong logistics.

Quá trình xâm nhập và khẳng định mình của CNTT trong quản trị chuỗi cung ứng có thể được điểm qua bằng những sản phẩm công nghệ nổi tiếng cùng mốc thời gian ra đời của những sản phẩm đó. Ra đời trong giai đoạn sơ khai của CNTT ứng dụng trong DN những năm 90 của thế kỷ XX, phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho phép các DN, tổ chức thống nhất các cơ sở dữ liệu để tạo thành cột sống thông tin, thông qua 2 hệ thống lập kế hoạch là: hệ thống lập kế hoạch cho chuỗi cung ứng (SCP) và hệ thống thực hiện chuỗi cung ứng (SCE), cho phép DN đạt được các mục tiêu về rút ngắn thời gian giao hàng, sản xuất sản phẩm theo hướng thỏa mãn các yêu cầu cá nhân và sự gắn kết ngày càng mạnh mẽ giữa các nhân tố trong chuỗi logistics. Đến những năm đầu của thiên niên kỷ mới, hàng loạt phần mềm đã được ra đời, hỗ trợ đắc lực cho DN trong việc theo sát các dự án tối ưu của mình, đặc biệt là khả năng kết nối nội bộ với các đối tác đầu vào và đầu ra. Các mô hình quản trị truyền thống được thay thế bằng các hình thức tổ chức hoạt động đa kênh, kết nối nhiều DN khác nhau dưới sự quản lý của chính các bên tham gia vào chuỗi cung ứng, thông qua các phần mềm logistics trong 3PL, 4PL.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong thời đại ngày nay, hầu hết các DN đều tự trang bị hệ thống thông tin song các vấn đề về tồn kho, hủy bỏ hợp đồng hay quá hạn giao hàng… vẫn luôn làm đau đầu các nhà quản trị và tiêu tốn nhiều chi phí của DN.