Thực trạng và giải pháp phát triển logistics Việt Nam (kỳ cuối)

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:52, 19/05/2014

(VLR) Theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai gần, logistics sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của VN. Đặc biệt trong khoảng 10 năm tới, khi kim ngạch xuất nhập khẩu của VN đạt khoảng 200 tỷ USD thì nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics sẽ càng lớn.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai gần, logistics sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của VN. Đặc biệt trong khoảng 10 năm tới, khi kim ngạch xuất nhập khẩu của VN đạt khoảng 200 tỷ USD thì nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics sẽ càng lớn.

VN có tiềm năng rất lớn trong phát triển dịch vụ logistics nhưng năng lực còn hạn chế, vì vậy, để nắm bắt cơ hội ngay từ thời điểm này cần phải có một hệ thống các giải pháp cả về quản lý Nhà nước và của các DN cung ứng dịch vụ này. Cụ thể như sau:

CÁC GIẢI PHÁP VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Cần xây dựng chiến lược, chính sách phát triển hệ thống dịch vụ logistics; Theo đó ban hành các văn bản pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý cho ngành dịch vụ logistics; và xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động cho ngành logistics.

Quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ngành dịch vụ logistics; Các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, quản lý và hiện đại hóa hải quan, thuế, phí, lệ phí; quản lý cạnh tranh và bảo vệ người sử dụng dịch vụ;

Đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển ngành dịch vụ logistics; Các giải pháp về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ cho ngành logistics;

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) với tư cách là tổ chức đại diện, quản lý các hoạt động chuyên môn của ngành dịch vụ này;

Tăng cường vai trò và sự cộng tác chặt chẽ giữa các hiệp hội ngành nghề liên quan; Hợp tác, liên kết, sáp nhập và cổ phần hóa các DN cung cấp dịch vụ logistics nhằm cung cấp dịch vụ logistics trọn gói.

Các giải pháp kết nối dịch vụ logistics VN với khu vực và thế giới; đồng thời cần có các giải pháp về quản lý, khuyến khích các hoạt động thương mại có liên quan đến dịch vụ logistics;

Các giải pháp bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ phát triển dịch vụ logistics;Tuyên truyền hướng dẫn các DN nhận thức đúng vai trò của logistics, vai trò của quản trị logistics và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản trị logistics trong hoạt động của các DN.

GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI DN CUNG ỨNG DỊCH VỤ LOGISTICS

Để xây dựng thương hiệu DN logistics và khẳng định vai trò và vị trí của logistics trong chiến lược kinh doanh của mỗi DN, cần thực hiện các liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác ngoại bao gồm cả các hoạt động mua bán sáp nhập DN; Thực hiện chiến lược hợp tác, liên kết với các công ty cung ứng dịch vụ hỗ trợ logistics;

- Xây dựng giải pháp đầu tư tổng thể và chi tiết, trong đó có định hướng dài hạn coi trọng việc đầu tư vào hạ tầng thông tin, đầu tư các trang thiết bị công nghệ phục vụ dịch vụ logistics đạt chuẩn, đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng nhằm cung cấp các dịch vụ logistics tạo giá trị gia tăng; Các DN tự huy động các nguồn vốn đầu tư, tự nâng cao khả năng tăng trưởng nội sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ tối ưu; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) của các DN cung cấp dịch vụ logistics VN; Xây dựng chiến lược cộng tác với khách hàng; Xây dựng chiến lược nhân lực cho hoạt động logistics trong DN; Sử dụng các chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc phát triển các dịch vụ logistics mới.

Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”, biển là nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên vô cùng phong phú và ngày càng cần thiết đối với con người. Chính vì vậy, gần 15 năm qua của thế kỷ XXI các quốc gia đều mạnh mẽ hướng ra biển để khai thác biển, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của quốc gia mình. VN là quốc gia ven biển, nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế nên nhiệm vụ phát triển dịch vụ logistics là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chiến lược biển VN đến năm 2020 cũng đã chỉ rõ: Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP cả nước.

Để nhanh chóng khắc phục những bất cập, tồn tại, khó khăn trong công tác phát triển dịch vụ logistics, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển VN cần sớm xem xét triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch cảng biển, quản lý cảng biển và pshát triển dịch vụ logistics tại VN theo Quyết định số 169/QĐ-TTg, ngày 22/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Đề án Phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là tín hiệu mừng cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành logistics.

1. Nội dung và giải pháp về kết cấu hạ tầng GTVT

a) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, đảm bảo tính kết nối, tạo thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ logistics;

b) Phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả kết cấu cầu cảng và luồng hàng hải của các cảng biển quốc gia phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển; đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ kết nối vào cảng biển, tạo thuận lợi cho hoạt động của cảng và dịch vụ logistics;

c) Phát triển hệ thống đường bộ kết nối với các hành lang, vành đai kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt;

d) Cải tạo, nâng cấp các tuyến luồng, cảng, bến cảng thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động GTVT trên các tuyến đường thủy nội địa;

đ) Phát triển hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt kết nối với cảng biển khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu;

e) Hoàn thiện hệ thống cảng hàng không, sân bay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics.

2. Nội dung và giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa

Phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

3. Nội dung và giải pháp nâng cao năng lực DN dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT

a) Kiện toàn mô hình tổ chức của DN; thực hiện kết nối các chuỗi dịch vụ logistics để từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ logistics;

b) Huy động các nguồn lực xã hội bao gồm cả nguồn lực tài chính để phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics;

c) Có chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

4. Nội dung và giải pháp phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế

a) Hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ logistics;

b) Tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức đào tạo, huấn luyện nâng cao kiến thức hiểu biết và kinh nghiệm quản trị cung ứng dịch vụ logistics cho cán bộ quản lý và DN dịch vụ logistics.

5. Nội dung và giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ

a) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, bao gồm cả việc quản lý, sử dụng đất phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics;

b) Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của dịch vụ logistics;

c) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính bao gồm cả cơ chế, chính sách về thuế, nguồn vốn, lãi suất… đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ logistics;

d) Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics;

đ) Đẩy mạnh cải cách hành chính đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động cung ứng dịch vụ logistics.