Việt Nam nên tự do hóa thị trường logistics
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:25, 05/06/2014
Hiện nay, xu thế tự do hóa thị trường dịch vụ logistics để tăng cường sức cạnh tranh cho ngành dịch vụ logistics VN là hướng đi phù hợp với nhu cầu tăng trưởng xuất nhập của VN. Đó là lời khuyên của các chuyên gia đối với ngành logistics VN.
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI VÀ CHI PHÍ LOGISTICS
Đa phương thức vận tải
Từ khi con người biết dùng sức kéo của động vật, rồi động lực của máy hơi nước, tiếp theo là động cơ đốt trong, cho đến nay năng lượng hạt nhân để cải thiện các phương thức vận chuyển của mình thì vận tải (transport) luôn là bạn đồng hành với tiến trình phát triển của nhân loại. Tiến bộ của các nền khoa học - công nghệ từng thời kỳ đều ưu ái đầu tư cho việc cải tiến, cũng như chế tạo những phương thức vận chuyển mới trên địa cầu.
Hiện nay chúng ta có thể xác định khối lượng vận chuyển và tính toán hiệu quả kinh tế để sắp xếp trình tự những phương thức như sau:
Vận tải đường biển, chiếm hơn 85% lượng trao đổi hàng hóa ngoại thương giữa các quốc gia - vận tải đường sông (đường thuỷ nội địa) là phương thức vận chuyển chiếm ưu thế ở những nước có hệ thống vận tải thủy thuận lợi, sông rạch nhiều - vận tải đường sắt - vận tải đường bộ - vận tải hàng không giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Thông thường, mỗi phương thức vận tải đều có những đặc thù và ưu điểm riêng, nên tùy theo hoàn cảnh và điều kiện địa lý của từng nước, mỗi quốc gia lựa chọn cho mình một vài phương thức vận tải chủ lực thích hợp, hiệu quả kinh tế cao.
Cuối thế kỷ 20, logistics ra đời và toàn cầu hóa dần thì những phương thức vận tải được kết nối với nhau thành dây chuyền gọi là “Đa phương thức vận tải” (Multimodal transport) hoạt động vừa có hiệu quả chẳng những cho ngành logistics mỗi quốc gia mà cả cho xã hội loài người. Như vậy, đa phương thức vận tải là công cụ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển cũng như tăng năng suất xếp dỡ trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics toàn cầu.
Chi phí logistics
Bản thân logistics là ngành khoa học - kinh tế mang tính tổng hợp cao, phát triển nhanh chóng, được ghi nhận như một chức năng kinh tế đem lại hiệu quả cho các DN khu vực sản xuất và lưu thông phân phối trên địa cầu với giá trị hàng hóa chiếm 15% GDP của thế giới, tương đương 2000 tỷ USD/năm.
Các quốc gia công nghiệp hiện đại, chi cho logistics từ 10-15% GDP/năm các nước khác còn lại từ 25-27% GDP/năm.
Mỹ là nước khởi xướng logistics, chi mỗi năm khoảng 7,7% GDP, Singapore cường quốc logistics thế giới khoảng 8% GDP, các quốc gia khối EU khoảng 10% GDP, Nhật Bản 11% GDP và Trung Quốc là 18% GDP.
Riêng VN, nước đang du nhập logistics từ 25 năm nay, chi khoảng 25% GDP/năm cho logistics. Năm 2009 GDP của VN là 96,6 tỷ USD thì chi phí logistics là 23,6 tỷ USD. Quả thật, con số này khó chấp nhận được đối với một quốc gia đang phát triển vừa mới ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp nhất của thế giới, đang trên đường hướng đến quốc gia có thu nhập trung bình vào những năm sắp tới. Logistics vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời cũng là gánh nặng cho nền kinh tế quốc dân, nếu chúng ta chưa phát huy đầy đủ những ưu việt của nó, nhất là đối với những nước mới hội nhập, có kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế yếu kém.
Mỗi khi đề cập đến logistics, bao giờ người ta cũng nói tới chuỗi cung ứng các dịch vụ (Logistics System Chain) và người cung cấp dịch vụ (Logistics Service Provider) bởi vì chúng có nhiệm vụ chẳng những giảm giá thành ở đầu ra mà còn giúp khách hàng tiết kiệm chi phí cho các khâu đầu vào.
Tổng chi phí = Chi phí vận tải + chi phí lưu kho bãi + chi phí giải quyết đơn đặt hàng và cung cấp thông tin + chi phí sản xuất + chi phí dự trữ.
Mục tiêu của ngành logistics là tối ưu hóa những chi phí cấu thành để có chi phí thấp nhất ở đầu ra hay nói cách khác là mang hiệu quả cao hơn cho người sử dụng và toàn xã hội.s
Chỉ số LPI (Logistics Preformance Index)
Năm 2007, lần đầu tiên WB công bố năng lực logistics của các quốc gia trên thế giới bằng báo cáo mang tên: “Kết nối để cạnh tranh của ngành logistics trong nền kinh tế toàn cầu” (Connecting to Compete: Trade Logistics in the global Economy) với 6 chỉ tiêu, chu kỳ xét 2 năm/lần. VN được xếp 53/155 quốc gia. Đến năm 2009 VN vẫn giữ nguyên thứ hạng, kèm nhận xét là Nước đứng đầu về LPI trong nhóm những quốc gia thu nhập thấp nhất của thế giới. Từ đó có người nhận định đây là ý tốt mà WB dành cho logistics VN. Đúng sai cũng chưa ai kết luận, nhưng trong thực tế thì tốc độ tăng trưởng logistics của VN tương đối nhanh và thị trường logistics VN là nơi hấp dẫn với quốc tế, cho dù logistics VN vẫn còn nhiều bất cập.
Đáng tiếc! ở thời điểm (2010-2014) do tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, logistics không được quan tâm đúng mức, chúng ta đành bỏ lỡ một cơ hội hiếm hoi vực dậy ngành này, trong khi nước bạn láng giềng có một bước đi dài và đã thành công tốt đẹp. Hiện nay có 6/10 cảng biển nước sâu lớn nhất thế giới thuộc Trung Quốc, đồng thời quốc gia này cũng có lượng container thông qua cao nhất hành tinh, trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế toàn cầu.
Chỉ số LPI chẳng những thể hiện năng lực logistics của mỗi quốc gia mà còn nói rõ môi trường cạnh tranh quốc tế trong ngành logistics thế giới. Với 6 chỉ tiêu đánh giá cụ thể: Độ hiệu quả của quá trình thông quan - chất lượng cơ sở hạ tầng - khả năng chuyển hàng đi với giá cả cạnh tranh - chất lượng dịch vụ logistics - khả năng theo dõi tình trạng hàng hóa sau khi gửi - thời gian thông quan và dịch vụ. (Customs, Infrastructure, Shipments International, Competence Logistics, Tracking & Tracing, Timeliness).
Đối với những nước có thu nhập thấp và trung bình thì việc nâng cao năng lực logistics có thể thúc đẩy thương mại tăng trưởng 15%, đem lại lợi ích cho cả DN và người tiêu dùng.
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC LOGISTICS QUỐC GIA VÀ TỰ DO HÓA THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ LOGSTICS VN
Tăng cường năng lực logistics quốc gia
Logistics du nhập vào nước ta đã hơn 20 năm qua, thời gian tuy không dài lắm nhưng cũng đủ để thử thách và kiểm nghiệm sự phát triển cùng như lợi ích mà nó mang lại cho nền kinh tế quốc dân. Hiện nay chúng ta đã có trên 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực này. Tuy thứ bậc xếp hạng ở quốc tế chưa cao và thực chất logistics VN còn nhiều bất cập. Nhưng có thể khẳng định là ngành logistics VN đã giành được chỗ đứng vững chắc trong kinh tế và trên thương trường quốc gia. Sự phát triển trì trệ trong thời gian qua thuộc nhiều nguyên nhân, song trong đó phần chủ quan là cơ bản, cần rút ra những bài học bổ ích để hướng đến tương lai. Trước mắt nên tăng cường năng lực logistics quốc gia, không chỉ tiếp tục đầu tư cho hạ tầng giao thông mà bằng luật pháp, chính sách, cơ chế phù hợp với sự phát triển trong nước, cũng như sự đồng thuận quốc tế trong khi hội nhập thế giới. Quan trọng hơn là xây dựng chiến lược phát triển logistics quốc gia nhằm thống nhất ý chí và hành động của các ngành liên quan toàn xã hội cùng hướng về mục tiêu “Vượt qua bẫy thu nhập trung bình” để trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại có thu nhập cao từ năm 2020.
Tự do hóa thị trường dịch vụ logistics VN
Ai cũng biết, tàn dư của nền kinh tế bao cấp ảnh hưởng không nhỏ đến tính cạnh tranh của ngành kinh tế VN, trong đó có logistics. Vì thế, thời gian gần đây xuất hiện nhiều ý kiến, trong đó kể cả những khuyến cáo của các Tổ chức quốc tế chuyên về logistics, khuyên VN nên tự do hoá thị trường dịch vụ logistics để tăng tính cạnh tranh ở lĩnh vực này. Thống kê cho biết năm 2007 cả nước có khoảng 700 DN hoạt động logistics, thì đến 2012 có 1.200 DN. Số đơn vị nội địa tuy lớn về lượng nhưng chỉ chiếm 20% thị phần xuất nhập khẩu VN, trong khi chưa đầy 10% DN liên doanh hay đại diện của nước ngoài chiếm lĩnh 80% thị phần còn lại. Nghiêm trọng hơn, từ năm 2014 trở đi, theo cam kết mở cửa về vận tải biển với WTO và khối ASEAN có hiệu lực thì nước ngoài có thể mở xí nghiệp logistics 100% vốn của họ ở thị trường VN. Khó khăn lại chồng chất cho hoạt động logistics. Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn kiến nghị sự đồng thuận về việc tự do hóa thị trường dịch vụ logistics để tăng cường sức cạnh tranh cho những đơn vị hoạt động logistics VN, phù hợp với đà tăng trưởng xuất nhập quốc gia từ 105 tỷ USD vào năm 2012 lên 131 tỷ USD năm 2013.