Gã khổng lồ Amazon nhảy vào Việt Nam: Ai hưởng lợi?

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:14, 17/01/2019

(VLR) Từ nay ngồi tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn có thể bán hàng bên Mỹ, Pháp, Anh.

Đại gia bán lẻ khổng lồ chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam

Đại gia bán lẻ khổng lồ chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam

Đại gia bán hàng trực tuyến khổng lồ Amazon chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam (VN), mở ra cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp (DN) VN bán hàng đi khắp thế giới.

Giá tăng gấp trăm lần

Bộ Công Thương vừa tuyên bố đã chính thức bắt tay hợp tác với Amazon nhằm hỗ trợ DN Việt xúc tiến xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử (TMĐT). Đây cũng là sự kiện đánh dấu ông trùm bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới chính thức bước chân vào thị trường VN.

Ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á, cho biết Amazon sẽ hỗ trợ DN VN, trong đó ưu tiên các DN nhỏ và vừa tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên trang Amazon.

“VN có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công,... là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Chúng tôi đánh giá VN là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa qua Amazon ” - ông Bernard Tay nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng đây là cơ hội vàng để đưa nhiều hàng hóa VN ra thị trường thế giới. Đánh giá của ông Hải khá chính xác vì hiện Amazon đang có hơn 300 triệu khách đến từ 180 quốc gia trên thế giới.

Mặt khác, một khi đã tiếp cận được với Amazon thì việc bán hàng đi khắp thế giới trở nên dễ dàng hơn. Ông Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling tại Singapore, cam kết: “Chúng tôi cung cấp các công cụ hỗ trợ cho các nhà kinh doanh để bán hàng hóa trên toàn cầu theo cách đơn giản nhất”.

Thực tế, trước khi có cuộc hợp tác này, nhiều nhà kinh doanh đã đưa hàng hóa nguồn gốc VN bán trên trang Amazon với giá cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, hiện nay một số tài khoản trên Amazon rao bán chổi đót, nón lá, phin pha cà phê với giá từ 10 USD trở lên.

Sản phẩm Việt Nam được bán trên trang Amazon với giá rất caoSản phẩm Việt Nam được bán trên trang Amazon với giá rất cao

Sản phẩm Việt Nam được bán trên trang Amazon với giá rất caoSản phẩm Việt Nam được bán trên trang Amazon với giá rất cao

Cụ thể, trên trang Amazon của Mỹ, chổi đót VN có giá 11,99-14,99 USD, tương đương gần 200.000 đồng/cây. Trong khi tại VN, loại chổi này có giá không đầy 30.000 đồng. Thậm chí Amazon của Nhật bán hơn 12.000 yen Nhật, tương đương gần 2,7 triệu đồng/cây. Hay phin pha cà phê có giá 9,99 USD, tương đương 230.000 đồng nhưng cũng loại đó chỉ không đầy 40.000 đồng tại siêu thị VN.

Đáng chú ý các sản phẩm VN được người mua quốc tế đánh giá cao. Thống kê của Amazon cho thấy phin pha cà phê được người mua chấm 4,5 sao (điểm cao nhất là năm sao), trong đó 74% người mua đánh giá năm sao.

“Tôi vừa đi du lịch VN và thấy hứng thú với cà phê VN. Tình cờ thấy được phin pha cà phê này trên trang Amazon nên mua về tự pha cà phê theo kiểu VN và bộ lọc cà phê đem lại thứ nước uống tuyệt vời. Tôi khuyên các bạn nên mua sản phẩm này” - người mua có tên Kevin viết trong mục bình luận và chấm luôn năm sao cho sản phẩm.

Để tận dụng lợi thế bán hàng trên Amazon

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhìn nhận việc gia nhập thị trường VN của Amazon đem lại lợi thế nhiều chiều. Thứ nhất, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển thị trường TMĐT VN, kéo theo sự tăng trưởng cả một hệ sinh thái như bán hàng, logistic và đem lại cho người tiêu dùng VN nhiều hàng hóa chất lượng với giá cạnh tranh.

Khi tham gia vào thị trường Việt Nam, Amazon phải đấu với nhiều đối thủ sừng sỏ

Khi tham gia vào thị trường Việt Nam, Amazon phải đấu với nhiều đối thủ sừng sỏ

Thứ hai, chiến lược của Amazon khi thâm nhập vào một thị trường sẽ có hai chiều. Đó là đưa hàng hóa nhập khẩu vào thị trường VN và đưa hàng hóa xuất khẩu VN ra các nước.

“Không đơn thuần về thương mại mà điều DN Việt hưởng lợi nhiều nhất từ việc Amazon gia nhập thị trường VN là giúp phát triển thương hiệu của các DN, hàng hóa Việt trong môi trường TMĐT; đào tạo các DN Việt về TMĐT, để xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng trên Amazon. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ VN sẽ không còn gặp nhiều rào cản về xuất khẩu hàng hóa một khi tham gia vào Amazon” - ông Hưng nhìn nhận.

Đại diện một công ty sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ cho hay Amazon giúp công ty tiếp cận thị trường toàn cầu rộng lớn. Kể từ khi chính thức bán sản phẩm trên sàn TMĐT, doanh số từ Amazon đóng góp 50% vào doanh số bán hàng trực tuyến của công ty.

Tuy vậy, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), lưu ý để buôn bán thành công trên Amazon, các DN Việt cần tuân thủ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm.

“Các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật,… đều có quy định nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm mà để bán vào đây, DN Việt phải tuân thủ” - ông Phú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, rào cản về ngôn ngữ khiến không ít nhà bán lẻ, DN Việt khó tiếp cận với các sàn TMĐT, bao gồm cả Amazon. Do vậy các DN Việt cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng trên Amazon.

Tự động đóng gói, vận chuyển…
Amazon sẽ cung cấp dịch vụ Fulfillment by Amazon cho DN. Nghĩa là khi có đơn hàng, Amazon sẽ tự động đóng gói và vận chuyển cho khách. Việc của người bán chỉ là gửi hàng sang kho cho Amazon và họ sẽ hoàn tất những việc còn lại.
Quy trình hoạt động của dịch vụ này bao gồm các bước như khai báo hàng lên Amazon; gửi hàng đến kho của Amazon; Amazon nhận hàng và bảo quản sản phẩm trong kho; khi sản phẩm được mua, Amazon sẽ đóng gói và vận chuyển đến khách hàng.

Cuộc đua khốc liệt
Theo tính toán của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT tại VN sẽ có doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2020. Tuy vậy, với việc tham gia của đại gia bán hàng trực tuyến số một thế giới, thị trường TMĐT VN sẽ ngày càng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt. Bởi Amazon sẽ đối đầu trực tiếp với các đối thủ sừng sỏ đang hoạt động tại VN như Lazada, Adayroi, Tiki, Shopee,…

Plo.vn