Chính sách về Lao động, Tiền lương, BHXH có hiệu lực từ tháng 2/2019

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:39, 30/01/2019

(VLR) Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH 2019, quy định chi tiết hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2019.

Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH 2019

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2019.

Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này được điều chỉnh theo công thức sau: (Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm) = (Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm) x (Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng).

Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019, các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01/01/2019.

Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện thì thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này, tiền lương tháng đã đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư này. Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần và trợ cấp tuất một lần được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

Quy định chi tiết hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 31/2018/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 02 năm 2019.

Thông tư quy định đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động, người lao động theo quy định tại Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động; người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; doanh nghiệp tự tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định khoản 7 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Theo đó, tổ chức huấn luyện thành lập Hội đồng sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ huấn luyện và cấp giấy chứng nhận đối với người huấn luyện phải có ít nhất 03 thành viên, là những người đảm bảo tiêu chuẩn về người huấn luyện, am hiểu về pháp luật, nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; trong đó phải có ít nhất 01 đại diện của Cục An toàn lao động tham gia.

Nội dung sát hạch gồm 2 phần: Sát hạch phần lý thuyết (học viên làm bài tập trung trong 90 phút); sát hạch phần kỹ năng (học viên lựa chọn 01 chuyên đề), tự chuẩn bị bài giảng theo chương trình khung quy định và trình bày trước hội đồng sát hạch trong thời gian không quá 20 phút/học viên…

Quy định mức chi quản lý BHXH,BHTN,BHYT trong giai đoạn 2019 - 2021

Ngày 25/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 51/2018/QĐ-TTg Quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019 - 2021.

Theo quy định của Quyết định này, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế năm 2019 bằng 4,6%, năm 2020 bằng 4,2% và năm 2021 bằng 3,8% dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế được trích từ số tiền thu bảo hiểm y tế nhưng tối đa không vượt quá mức quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Trường hợp thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán hoặc lớn hơn dự toán, thì mức chi phí quản lý theo tỷ lệ quy định nêu trên tính trên số thực thu, thực chi. Trường hợp thực hiện thu tiền đóng bảo hiểm y tế trong năm không đạt dự toán hoặc lớn hơn dự toán, thì mức chi phí quản lý theo tỷ lệ quy định nêu trên tính trên số thực thu.

Số thực thu, thực chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp được tính trên cơ sở đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng, mức đóng, mức hỗ trợ tiền đóng theo quy định của pháp luật.

Quyết định số 51/2018/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2019 và được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2019 - 2021.

Nhịp sống kinh tế