Doanh nghiệp đau đầu với phụ phí của hãng tàu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 17:17, 21/08/2014

(VLR) Phụ phí cước tàu biển là khoản thu từ các chủ hàng nhằm bù đắp thêm chi phí phát sinh cho hãng tàu vì những lý do bất khả kháng như tắc nghẽn ở cảng khiến thời gian chờ tàu kéo dài, giá nhiên liệu tăng…

Phụ phí cước tàu biển là khoản thu từ các chủ hàng nhằm bù đắp thêm chi phí phát sinh cho hãng tàu vì những lý do bất khả kháng như tắc nghẽn ở cảng khiến thời gian chờ tàu kéo dài, giá nhiên liệu tăng…

Đây là một chính sách nhằm điều hòa vấn đề lợi ích giữa hai bên. Tuy nhiên, thực tế ở VN hiện nay, các chủ hàng thường bị các hãng tàu ép buộc phải đóng nhiều khoản phí một cách bất công và vô tội vạ. Điều đáng nói là thực trạng trên đã diễn ra trong một khoản thời gian khá dài nhưng các cơ quan chức năng ở VN chưa có tiếng nói quyết liệt nên các hãng tàu vẫn mặc sức lạm thu.

THU PHÍ VÔ TỘI VẠ

Từ giữa tháng 5 năm 2014, do lượng hàng vận chuyển về cảng Cát Lái tăng nhanh, cộng với những thay đổi trong chính sách siết tải trọng xe và kiểm tra thông quan hải quan điện tử… khiến cho hàng hóa trong cảng Cát Lái bị ùn ứ khá nhiều. Dường như ngay lập tức sau đó, các hãng tàu lớn như Maersk Lines, MOL, OOCL, SITC, Hanjing, Wanhai… đồng loạt gửi thông báo đến các chủ hàng về việc áp dụng chính sách thu phụ phí tắc nghẽn cảng từ giữa tháng 7.2014 với mức từ 50-100USD/container.

Thế nhưng với những nỗ lực của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, tình trạng tắc nghẽn cảng tại Cát Lái đã nhanh chóng được giải quyết. Ngày 5.8.2014, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn ra thông báo tình hình tắc nghẽn tại cảng này đã được giải quyết xong, các hoạt động của cảng đã trở lại bình thường. Dù vậy, các hãng tàu vẫn cố tình phớt lờ việc dừng thu khoản phụ phí tắc nghẽn cảng một cách hết sức vô lý.

Tại cuộc họp ngày 8.8.2014 vừa qua, Cục Hàng hải VN cũng như các chủ hàng một lần nữa đã yêu cầu các hãng tàu cần chấm dứt thu khoản phí vô lý này bởi hiện nay không còn tình trạng tắc nghẽn tại cảng Cát Lái. Thế nhưng tính đến hết ngày 20.8.2014, chỉ duy nhất mới có hãng tàu Mearsk Lines thông báo dừng thu khoản phí này. Còn các hãng tàu khác vẫn cố tình “đè cổ” các chủ hàng VN ra để tận thu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Vasep cho biết hiện không chỉ có khoản phí trên mà còn có hàng chục loại phụ phí bất hợp lý khác đang đổ lên vai các DN. Chẳng hạn như phí mất cân đối vỏ container (CIC). Đúng ra, phí này phải tính vào cước vận chuyển ở đầu nước xuất khẩu thì mới hợp lý và thu vào những thời điểm có sự mất cân đối container giữa hai đầu. Nhưng hiện nay các hãng tàu vẫn thu đều từ các DN VN từ 50USD/cont 20feet và 100USD/con 40feet liên tục từ năm 2010 đến nay để bù lỗ cho họ.

Bên cạnh đó, một số khoản phí do hãng tàu thu từ các chủ hàng để nộp lại cho cảng thường bị kê thêm để hưởng chênh lệch. Chẳng hạn như phí xếp dỡ tại cảng (THC). “Mức thu của cảng đối với phí THC thường là 20USD/cont 20feet và 35USD/cont 40feet nhưng các hãng tàu thường thu từ 60-70USD/cont 20feet và 100-120USD/cont 40feet để hưởng chênh lệch bất hợp lý” ông Hòe bức xúc.

Không những vậy, nhiều DN khác còn bức xúc trước việc các hãng tàu thu phí không có căn cứ. Chẳng hạn như phí vệ sinh container được các hãng tàu thu với lý do công nhân, máy móc bốc xếp gây bẩn. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng như dệt may, gia dày không hề làm bẩn container những vẫn bị các hãng tàu bắt nộp phí. Một số hãng tàu bắt nộp khoản phí này lên đến 2,5 triệu đồng/container.

Theo Cục Hàng hải VN, các loại phí này chủ tàu áp dụng thu trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay. Chỉ tính riêng các loại phụ phí được công bố đã có gần 10 loại như phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa container, phí đặt cược container (đối với hàng đông lạnh),…

ĂN HẾT LỢI NHUẬN

Theo ông Trương Đình Hòe cho biết, từ tổng hợp các phản ánh của các DN trong hiệp hội thì năm nay các loại phụ phí đã tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2013, khiến cho lợi nhuận của DN bị giảm mạnh. Chưa kể trong những năm gần đây, giá cước vận tải biển của VN vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines… từ 10-15%/cont 20feet. Điều này khiến cho hàng hóa từ VN đang mất đi khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN với các nước trong khu vực.

Trong cuộc họp với Cục Hàng hải VN mới đây, đại diện Hiệp hội Da giày VN cho biết tiền phụ phí mà các DN trong ngành này phải đóng cho các hãng tàu chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu. Tính ra số tiền này lên đến 110 triệu USD/năm, tương đương với trên 2.300 tỷ. Trong bối cảnh các DN đang rất nhiều khó khăn như hiện nay thì đây là một khoản tiền không nhỏ.

Dù biết các hãng tàu nước ngoài chèn ép các chủ hàng VN nhưng họ vẫn đành phải chấp nhận bởi không có một lựa chọn nào khác khi đội tàu trong nước chỉ đáp ứng được có 10-12% nhu cầu vận chuyển, còn lại 90% thị phần rơi vào tay các hãng tàu nước ngoài. Riêng lĩnh vực vận chuyển hàng bằng container thì các hãng tàu nước ngoài một mình một chợ.

Bên cạnh đó, ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết chủ hàng VN thường sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB nên quyền thuê phương tiện chủ yếu thuộc đối tác nước ngoài và đội tàu biển nước ngoài. Do đó, thực chất các loại phí này nằm trong giá cước vận tải nhưng các hãng tàu hạ giá cước vận tải để giành hợp đồng vận tải bên ngoài VN và tăng phụ phí của các chủ hàng VN để bù lại giá cước.

Luật sư Hồ Minh Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo luật hiện nay quy định nếu một DN nắm 30% thị phần trở lên có hành vi áp đặt các điều kiện thương mại làm méo mó sự phát triển lành mạnh của thị trường là hành vi vi phạm luật cạnh tranh. Việc các hãng tàu nước ngoài thống lĩnh gần như toàn bộ thị phần vận tải biển VN tự ý áp đặt nhiều loại phụ phí bất hợp lý lên vai các chủ hàng trong nước để bù đắp cho việc hạ giá cước vận chuyển ở nước ngoài có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh rất rõ. Các cơ quan chức năng của VN có đủ cơ sở để xử lý các hành vi này.