Để lọt xe quá tải, cảng biển sẽ bị đình chỉ hoạt động
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 18:57, 19/09/2014
Đồng loạt 29 cảng biển ở TP HCM ký cam kết với Bộ GTVT sẽ kiểm soát tải trọng hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào cảng. Nếu vi phạm, các cảng có thể bị đình chỉ hoạt động từ một đến ba tháng. Như vậy nếu làm nghiêm thì xe quá tải sẽ được chặn từ gốc.
Nơi làm chặt, chỗ nghe ngóng
Sáng 16/9, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công dẫn đầu đã đi kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe tại các cảng ở TPHCM. Cùng đi có Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân Việt Nam; đại diện Cục Hàng hải, Tổng cục Đường bộ, Thanh tra, Vụ ATGT, Cảng vụ Hàng hải TP HCM
Kiểm tra thực địa cảng Sài Gòn, cảng Bến Nghé, cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) nhận thấy các đơn vị đều nhận thức đúng về chủ trương kiểm soát tải trọng xe của Bộ GTVT. Tuy nhiên mỗi đơn vị có cách làm khác nhau nên việc kiểm tra chưa thống nhất. Ông Võ Hoàng Giang, Phó TGĐ cảng Sài Gòn cho biết, việc triển khai kiểm soát tải trọng được thực hiện đến từng đơn vị thành viên, các khách hàng và cả chủ phương tiện.
Tại các cảng thành viên như cảng Nhà Rồng Khánh Hội, cảng Tân Thuận, cảng Tân Thuận 2 đều xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát. Khi phương tiện vận tải vào cảng nhận hàng phải xuất trình giấy yêu cầu nhận hàng của chủ hàng và giấy đăng kiểm tải trọng của phương tiện nhận hàng. Khi xe vào nhận hàng tại cầu tàu hoặc kho bãi, công nhân xếp dỡ cũng như nhân viên giao nhận chỉ chất xếp và giao nhận đúng tải trọng xe đã đăng ký. Khi xe chạy ra cổng, bảo vệ sẽ đối chiếu phiếu xuất hàng và đăng kiểm tải trọng xe khi vào, nếu đúng thì cho phép phương tiện rời cảng, nếu quá tải thì yêu cầu phương tiện quay lại hạ đúng tải trọng mới cho ra khỏi cảng.
Trong khi đó VICT đã xây dựng phần mềm kiểm soát tải trọng. Những phương tiện chở hàng ra vào cảng đều được ghi nhận các thông số như: Biển số đầu kéo, biển số rơ - móoc, tự trọng xe, trọng tải hàng cho phép chở… Hệ thống sẽ đối chiếu với hàng mà xe này chở, nếu trọng lượng hàng vượt quá sức chở của xe thì sẽ yêu cầu chủ phương tiện đưa xe khác đến chở. Ông Glenn Kong Wai Keong - Tổng Giám đốc Cảng VICT cho biết: ”Mặc dù triển khai kiểm soát tải trọng container/hàng hóa chất lên xe tại cảng sẽ gây khó khăn cho cảng, làm phát sinh thêm chi phí và đặc biệt có thể mất một số khách hàng, nhưng vì lợi ích chung của toàn xã hội, cảng VICT vẫn quyết tâm ủng hộ tích cực chính sách kiểm soát tải trọng của Bộ GTVT và thực hiện nghiêm quy định này”.
Tuy nhiên, tại cảng Tân Cảng Cát Lái, ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc cho biết, có trường hợp tài xế bảo quên không đem theo giấy đăng kiểm nên không nhập được các thông số. Tình trạng ùn tắc thời gian qua khiến cảng rất khó khăn. Ông Thuấn kiến nghị cho Tân Cảng Cát Lái được “đặc cách” không kiểm tra tải trọng trong trường hợp có xảy ra ùn ứ.
Không có ngoại lệ cho cảng nào
Trả lời kiến nghị của Tân Cảng Cát Lái, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định là, không có ngoại lệ cho bất cứ cảng nào. Không có chuyện cho phép Tân Cảng Cát Lái không kiểm soát tải trọng khi có hiện tượng ùn ứ. “Bộ GTVT sẽ kết hợp với Bộ Công an và các địa phương để thực hiện quyết liệt, triệt để, đồng bộ trong việc kiểm soát tải trọng ở tất cả các cảng, từ cảng lớn, cảng nhỏ, cảng Nhà nước, cảng cổ phần, liên doanh. Đồng thời kiểm soát tại các kho hàng, khu công nghiệp…”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân Việt Nam cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2014 qua kiểm tra tại TP HCM có trên 7.325 phương tiện chở quá tải. Mặc dù chưa xác định được nguồn hàng đi từ đâu nhưng chắc chắn cũng có xe xuất phát từ các cảng. “Sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu lực lượng công an làm việc ở trạm cân kiểm tra xe quá tải xuất phát từ nguồn hàng nào. Đó là cơ sở để quy trách nhiệm của các nơi xếp hàng”, Trung tướng Đỗ Đình Nghị nói.
Về phương án kiểm tra tải trọng hàng hóa, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, thời điểm này chỉ kiểm tra hàng nhập khẩu chứ không kiểm tra hàng xuất khẩu. Với hàng container xuất nhập khẩu nguyên kẹp chì thì khối lượng hàng hóa căn cứ vào vận đơn. Mặc dù thực tế kiểm tra ở cảng Hải Phòng vừa có container trong vận đơn ghi 29 tấn nhưng kiểm tra là 42 tấn. Với container vận chuyển nội địa thì phải căn cứ vào tải trọng cân thực tế. Đối với hàng hóa đóng gói theo bao kiện thì căn cứ vào lược khai và mác mã ghi trên bao kiện.
Trong bản cam kết mà các doanh nghiệp cảng ký với Bộ GTVT có ghi rõ: Nếu các cảng vi phạm xếp hàng quá tải trọng lần đầu xe bị xử lý theo Nghị định 171/2012/NĐ-CP và Thông tư 55/2013/TT-BGTVT. Trường hợp vi phạm lần thứ hai sẽ bị đình chỉ hoạt động từ một đến ba tháng. Quy định nghiêm khắc là vậy song tất cả các cảng đều ký cam kết và khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GTVT.