Đảm bảo nguồn cung chất lượng cho xuất khẩu Thuỷ sản sang Mỹ

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:37, 10/03/2015

(VLR) (VietNam Logistics Review) VN là quốc gia có nhiều tiềm năng và lợi thế trong việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Với đường bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng hơn 1 triệu km2, 1,4 triệu hecta mặt nước nội địa; hơn 2.000 loài cá, 225 loài tôm, 663 loài tảo, rong biển và nhiều loại hải sản quý như bào ngư, trai ngọc, sò huyết, san hô đỏ,... Có thể nói, nguồn cung thủy hải sản của VN rất dồi dào và ổn định. Đây là những lợi thế để ngành xuất khẩu thủy sản của VN đứng thứ 4 trên thế giới.

HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU THỦY SẢN CỦA VN SANG THỊ TRƯỜNG MỸ

Tính đến thời điểm hiện tại, thủy sản VN đã xuất khẩu sang 165 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, 10 thị trường lớn nhất chiếm đến 85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của VN bao gồm: Mỹ (22%), EU (17%), Nhật Bản (17%), đặc biệt thị trường Mỹ luôn thuộc những thị trường xuất khẩu thủy sản đứng đầu của VN.

Nhìn chung trong giai đoạn 2009-2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN sang thị trường Mỹ có xu hướng tăng qua các năm, nhưng không đồng đều. Năm 2012 chứng kiến việc Mỹ chính thức vượt EU trở thành thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng thủy sản của VN với kim ngạch đạt 1,17 tỷ USD, chiếm 19,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của cả nước. Đến năm 2013, thị trường này một lần nữa lại đứng đầu về nhập khẩu thủy sản của VN. Động lực chính của sự tăng trưởng này chủ yếu là do mức tăng trưởng mạnh của mặt hàng tôm và sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ trong năm 2013 và năm 2014. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đầu năm 2014, VN vẫn phải đối phó với rào cản thuế quan của thị trường Mỹ: đó là kết quả bất lợi của thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm và của thuế chống bán phá giá với cá tra tăng gấp nhiều lần. Từ đó, phần nào ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Thị trường Mỹ dẫn đầu của thủy sản xuất khẩu VN ở 4 mặt hàng là tôm, cá tra, cá ngừ và cua ghẹ. Đây đều là những mặt hàng được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, nằm trong nhóm 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường này trong giai đoạn 2011-2013 (Tôm, Cá ngừ hộp, Cá hồi, Cá minh thái Alaska, Cá rô phi, Cá tra, Cá da trơn, Cua, Cá tuyết, Nghêu). Kim ngạch của xuất khẩu của 4 mặt hàng này chiếm trên 95,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản VN sang thị trường này trong năm 2013, trong đó tôm chiếm 54,7%, cá tra chiếm 25%, cá ngừ chiếm 12,3% và cua ghẹ chiếm khoảng 3,5%.

Hiện nay, tất cả mặt hàng thủy sản xuất khẩu của VN vào Mỹ đều được hưởng mức thuế MFN (Most Favoured Nation - Tối huệ quốc) dưới 5%, nhưng lại phải đối mặt với thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với một số mặt hàng như: tôm nước ấm đông lạnh, cá tra... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, chiến lược và lợi ích kinh doanh của các DN thủy sản VN.

Thị trường Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của VN, tuy nhiên đây cũng là thị trường phức tạp và được quản lý chặt chẽ bởi nhiều rào cản kỹ thuật.

ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Dưới sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VSEP), hiện nay VN có 567 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đang đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như HACCP, GMP, SSOP; hơn 400 nhà máy đông lạnh có công suất 7.500 tấn/ngày; và số lượng này cũng ngày càng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, các DN sản xuất và nuôi trồng thủy sản đã bắt đầu thực hiện sản xuất theo chuỗi: từ khâu đầu vào cho tới khâu cuối đều quản trị theo chuỗi và có cả hệ thống dữ liệu. Theo đó, con giống phải có mã số khu vực nuôi, trại nuôi và được ghi chép nhật kí chi tiết... để khi đến nhà máy chế biến sẽ được mã hóa trên bao bì xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, đến nay mới chỉ có 78/264 cơ sở chế biến thủy sản được Bộ này công nhận đạt tiêu chuẩn ngành về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm các loại hình chế biến thủy sản đông lạnh, chế biến thủy sản khô, chế biến đồ hộp, chế biến nước mắm xuất khẩu. Nhiều DN vẫn có hành vi chống đối khi có đoàn kiểm tra. Thủy sản VN vẫn bị cảnh báo về các chỉ tiêu: Chloramphenicol, Salmonella,
Histamine, Listeria, vi tạp chất, thuốc thú y và nhiễm bẩn. Ví dụ, năm 2010, có 24 lô hàng thủy sản VN bị Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trả về do nhiễm kháng sinh và các tạp chất; năm 2012, 2 lô thủy sản VN nhiễm kháng sinh Chloramphenicol, 57 lô nhiễm khuẩn Salmonella...

VỀ NHÃN MÁC HÀNG HÓA

Các mặt hàng thủy sản VN xuất khẩu còn yếu về bao bì nhãn mác, các yêu cầu về tên sản phẩm và thành phần... chưa được ghi rõ ràng, phần lớn phải ghi theo yêu cầu nhà phân phối; các cam kết về chất lượng sản phẩm vẫn còn chung chung, sơ sài; mẫu mã không bắt mắt hoặc sao chép nhãn sai của đơn vị khác. Thực tế là các DN VN mới chỉ quan tâm đến việc bán được sản phẩm cho các nhà nhập khẩu Mỹ chứ chưa chú trọng đến việc sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng dưới nhãn mác nào.

Dự báo trong thời gian tới thị trường Mỹ vẫn có nhu cầu rất lớn về mặt hàng thủy sản, nhưng các DN VN cũng sẽ gặp phải rất nhiều thách thức. Không chỉ là sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu thủy sản khác như, Thái Lan, Ấn Độ Trung Quốc mà còn do hàng rào thuế quan và phi thuế quan của Mỹ ngày càng được thắt chặt. Mỹ mới ban hành Đạo luật Nông nghiệp (Luật Nông trại - Farm Bill 2014) nhằm bảo vệ nền nông nghiệp Mỹ. Trong đó, với cá tra VN, sẽ chịu sự thanh tra, giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), phải đáp ứng yêu cầu của USDA từ sản xuất giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi đến chế biến, đóng gói, xuất khẩu. USDA sẽ tổ chức kiểm tra quy trình sản xuất và an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và cấp giấy chứng nhận cho phép xuất vào Mỹ nếu đủ tiêu chuẩn. Tóm lại, sản phẩm cá tra của VN phải tương đương sản phẩm cá da trơn sản xuất tại Mỹ thì mới được vào thị trường này.

GIẢI PHÁP CHO NGÀNH THỦY SẢN VN

Từ những thực trạng như vậy, ngành thủy sản VN cần có các biện pháp để ổn định sản xuất, đảm bảo nguồn cung đạt chất lượng cho xuất khẩu.

Về khâu sản xuất: Xây dựng những vùng nuôi an toàn, sạch bệnh. Đối với các vùng nuôi có điều kiện, nên triển khai thực hiện Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP). Các cơ sở và hộ nuôi trồng phải đảm bảo nguồn gốc con giống rõ ràng. Con giống phải được kiểm dịch, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tiến hành thả và nuôi trồng để có thể hạn chế thấp nhất những tổn thất lớn có thể xảy ra do dịch bệnh phát sinh, lan rộng trong quá trình nuôi. Sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, các chất phụ gia, chất bảo quản... một cách chọn lọc, tránh lạm dụng hóa chất độc hại cho sức khỏe con người, làm giảm chất lượng thủy sản.

Về khâu chế biến, DN cần chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất, gia tăng hàm lượng chế biến trong thủy sản xuất khẩu. Các nhà máy chế biến nên mạnh dạn đầu tư đổi mới, nâng cấp công nghệ hiện có; nhập dây chuyền sản xuất hiện đại, khoa học, kỹ thuật tiên tiến và áp dụng biện pháp quản lý hiệu quả. Có như vậy mới góp phần củng cố chất lượng sản phẩm. DN cũng cần đa dạng cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thông qua việc gia tăng hàm lượng chế biến trong những sản phẩm tinh chế có giá trị cao dựa trên những nguyên liệu sản phẩm chủ lực hiện có đồng thời hạn chế tỷ trọng sản phẩm sơ chế có giá trị thấp.

Ngoài ra cũng cần lưu ý một số biện pháp khác như xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa hộ nuôi trồng, các cơ sở chế biến và DN xuất khẩu thủy sản để có được sự hỗ trợ trong quá trình chọn con giống, nuôi trồng đúng kỹ thuật và có nguồn cung ổn định cho xuất khẩu. Lưu ý về bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng quy định luật pháp của Mỹ. DN nên phối hợp với cơ quan đại diện thương mại của VN tại Mỹ, VSEP để thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại nhằm tìm hiểu thị trường, tiếp cận các kênh phân phối trực tiếp, quảng bá sản phẩm của VN trên thị trường Mỹ...