Việt Nam trong xu hướng FTA thế hệ mới (kỳ 1)
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:22, 30/03/2015
(Vietnam Logistics Review) Hiệp định Thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) thế hệ mới là một xu thế tất yếu của tự do hóa thương mại hiện nay và có tác động đáng kể đến các nước, trong đó có VN. Xu hướng này vừa mang lại cơ hội những đồng thời cũng tạo ra các thách thức lớn đối với nền kinh tế của mỗi một quốc gia. Lợi ích thu được từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế phụ thuộc vào năng lực của từng quốc gia trong tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức từ các FTA thế hệ mới. Đối với VN, điều này đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp và biện pháp thực hiện đồng bộ từ cả các cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành hàng và chính các DN trong nền kinh tế.
XU HƯỚNG FTA THẾ HỆ MỚI
Từ sau bế tắc của Vòng đàm phán Doha (DDA - Doha Development Agenda) vào năm 2008 mà nguyên nhân trực tiếp là do các nước phát triển và các nước đang phát triển chưa đi đến những thỏa thuận về thị trường nông sản, sự bất đồng lợi ích cùng với xu hướng tự do hóa mạnh mẽ về thương mại như một nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia, Hiệp định Thương mại tự do ngày càng phát huy được vai trò và thế mạnh do tính ưu việt vốn có so với WTO về thời gian đàm phán ngắn, lĩnh vực đàm phán rộng và các quốc gia dễ dàng tìm được sự đồng thuận hơn. Từ việc hình thành các hiệp định thương mại tự do song phương đến việc hình thành các hiệp định thương mại tự do khu vực với sự tham gia của nhiều nước, điển hình như Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) đến các hiệp định giữa các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia / New Zealand với ASEAN, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và sáu nước đối tác (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australian và Trung Quốc) cũng đang trong tiến trình đàm phán... đã cho thấy tính chất toàn cầu trong xu hướng phát triển của các FTA khi số lượng các thành viên không ngừng được mở rộng, được đa dạng hóa về hình thái và toàn diện về phạm vi tự
do hóa.
Xu hướng tiến đến FTA toàn cầu nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại đa biên đã cho ra đời các FTA thế hệ mới mà điển hình là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Parnership Agreement - TPP) mà VN đang tham gia đàm phán. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do VN – châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cũng được xem là những FTA thế hệ mới với phạm vi điều chỉnh rộng, mức độ tự do hóa cao và khả năng tác động đến thể chế lớn hơn. Đó cũng là kết quả của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa thương mại trên thế giới với ba thế hệ FTA đã ra đời: FTA thế hệ đầu tập trung vào tự do hóa thương mại hàng hóa với việc cắt giảm thế quan và loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, FTA thế hệ thứ hai tiếp tục phát triển và ra đời với việc tự do hóa thêm về thương mại dịch vụ và FTA thế hệ thứ ba hay còn gọi là FTA thế hệ mới với phạm vi tự do hóa bao gồm cả các lĩnh vực phi truyền thống cùng với mức độ cam kết sâu rộng hơn.
Như vậy, xu hướng phát triển của các FTA thế hệ mới nhằm tiến tới thiết lập một khu vực tự do thương mại toàn diện, loại bỏ tất cả các rào cản, tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên được mở rộng tiếp cận thị trường đối với các lĩnh vực mà các quốc gia thành viên đó có lợi thế so sánh. Phạm vi tự do hóa thương mại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại truyền thống về hàng hóa và dịch vụ mà còn bao gồm cả các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm công... Đối với thương mại hàng hóa thì việc tiếp cận thị trường sẽ trở nên dễ dàng hơn khi rào cản thuế quan được cắt giảm về 0% đối với 95% đến 100% số dòng thuế ngay lập tức hoặc theo lộ trình đối với một số mặt hàng nhạy cảm. Các biện pháp về vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật trong thương mại... được thực hiện theo cơ chế hợp tác và siết chặt hơn về các yêu cầu, các thủ tục hải quan được thực hiện một cách minh bạch hơn.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ tiếp tục có những cam kết sâu rộng hơn, chuyển hình thức cam kết sang phương pháp “chọn - bỏ” (negative approach) thay vì phương pháp “chọn – cho” (positive approach) theo kiểu truyền thống. Lĩnh vực đầu tư liên quan đến thương mại được tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư, thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS). Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại được bảo hộ ở mức độ cao hơn so với mức cam kết trong WTO, tiêu biểu là về sáng chế (đặc biệt là đối với thuốc và nông hóa phẩm), chỉ dẫn địa lý và quyền tác giả... Cạnh tranh và mua sắm công sẽ được thực hiện một cách minh bạch hơn, DN nhà nước sẽ phải thực hiện cạnh tranh một cách bình đẳng.
Vấn đề lao động được quy định rõ ràng hơn đối với quyền tự do lập hội, giải quyết tranh chấp, tôn trọng các quyền lao động cơ bản trong các công ước quốc tế, quy định về quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, cấm khai thác lao động trẻ em, không phân biệt đối xử đối với người lao động...
Vấn đề môi trường được thực hiện theo nguyên tắc trong các công ước về bảo vệ môi trường, nhất là về cơ chế giải quyết tranh chấp. Các vấn đề phi thương mại khác cũng được đề cập trong FTA thế hệ mới với các phạm vi và mức độ cam kết phù hợp. Trong số các FTA thế hệ mới hiện nay, Hiệp định TPP được xem là một trường hợp điển hình với các thỏa thuận tiêu chuẩn cao và quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử tự do hóa thương mại. So với WTO, phạm vi tự do hóa thương mại trong TPP rộng hơn, mức độ cam kết sâu hơn vì WTO hội nhập chủ yếu theo chiều rộng còn TPP lại đi vào chiều sâu.
(Còn nữa ...)