Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh "Cao Bằng: mong muốn trờ thành trung tâm logistics"
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:27, 28/03/2015
(Vietnam Logistics Review) Trong những năm gần đây, với hiệu quả rõ rệt của ngành kinh tế dịch vụ logistics, một số tỉnh miền núi, dù không có lợi thế về biển nhưng cũng mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật nhằm phát triển ngành dịch vụ hậu cần. Một trong số đó phải kể đến tỉnh Cao Bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao BằngNguyễn Hoàng Anh
TẬN DỤNG LỢI THẾ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, Cao Bằng là một tỉnh biên giới miền núi, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt phân tán, chủ yếu là đồng bào dân tộc; tài nguyên khoáng sản không nhiều... Chính vì vậy mà kinh tế xã hội của Cao Bằng còn nhiều khó khăn, nằm trong nhóm cuối của cả nước.
Tuy nhiên, Cao Bằng cũng có những lợi thế nhất định. Cụ thể, tỉnh quản lý trên 330 km đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc với một cửa khẩu (CK) quốc tế Tà Lùng, ba CK quốc gia và nhiều đường mòn lối mở khác. Cao Bằng lại giáp với thành phố Bách Sắc, kết nối với thành phố Trùng Khánh - một trong bốn trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc. Đồng thời là điểm trung chuyển hàng hóa của 6 tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc với 300 triệu dân kết nối các địa phương bên ngoài như Bắc Kinh, Đại Liên, Thượng Hải... Kim ngạch XNK hàng năm lên tới 60-70 tỷ USD. Trước đây, hàng hóa luân chuyển đến hoặc từ Trùng Khánh tới các điểm nội địa hoặc ra nước ngoài đều rất xa. Vì vậy các tỉnh miền Tây Trung Quốc cũng mong muốn tìm những tỉnh cửa ngõ biên giới như Cao Bằng của VN để xuất, nhập hàng hóa với các nước ASEAN, vì nếu luân chuyển qua đây sẽ tiết kiệm được trên 1.000 km. Đây là lợi thế để Cao Bằng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư... đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ thương mại, XNK, logistics.
Một thuận lợi nữa là giữa Cao Bằng và Trùng Khánh (Trung Quốc) đã có đàm phán hợp tác 7 lĩnh vực, trong đó có 6 lĩnh vực kinh tế thương mại theo khung khổ hợp tác kinh tế biên giới theo định hướng của Chính phủ hai bên.
Cũng theo ông Hoàng Anh, nhờ phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, nhất là kinh tế cửa khẩu, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của Cao Bằng có nhiều biến chuyển tích cực. Nếu như năm 2009, thu ngân sách của cả tỉnh chỉ khoảng 390 tỷ đồng thì đến 2013 đã đạt 1.126 tỷ đồng, năm 2014 dù có nhiều biến động nhưng cũng đạt 1.230 tỷ đồng, trong đó thu từ hải quan và phí cửa khẩu đạt gần 400 tỷ đồng. Lĩnh vực XNK trực tiếp và qua địa bàn cũng đạt kết quả khá, năm 2009 chỉ đạt 300 triệu USD, thì đến 2013 đạt 2 tỷ USD. Năm 2014 dù có khó khăn nhưng vẫn đạt không dưới 1,5 tỷ USD.
KỲ VỌNG VÀO KINH TẾ LOGISTICS
Một trong 3 định hướng chiến lược phát triển kinh tế của Cao Bằng là phát triển dịch vụ thương mại, XNK hàng hóa và du lịch, đặc biệt ưu tiên đẩy mạnh hợp tác thương mại biên giới, phát triển kinh tế cửa khẩu. Theo đó, mục tiêu của lãnh đạo tỉnh là biến nơi đây trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn kết nối giữa Việt Nam, ASEAN với 6 tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc.
Theo ông Hoàng Anh, chỉ cần kéo từ 1/3 đến 1/4 kim ngạch hàng hóa XNK của riêng Trùng Khánh, đã có trên dưới 20 tỷ USD đi qua Cao Bằng. Dù chưa mang lại hiệu quả về tiền nhưng nguồn thu từ dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ kê khai hàng hóa XNK, rồi tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển hạ tầng thương mại, thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội địa phương... là rất lớn.
Đối với hoạt động XNK hàng hóa, trở ngại lớn nhất là đường giao thông, DN vừa mất thời gian, chi phí cao. Đây cũng là điều khiến Cao Bằng “lép vế” so với nhiều tỉnh biên giới khác mặc dù khoảng cách địa lý từ Hà Nội chỉ khoảng trên dưới 300 km.
Hiện Cao Bằng đang xây dựng khu liên hợp, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang, trước mắt sẽ dành 100 ha để xây dựng khu sản xuất, dịch vụ phục vụ hàng hóa XNK. Về mặt chủ trương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý đầu tư tuyến đường cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và từ chợ Mới (Bắc Kạn) đến Cao Bằng. Nếu được triển khai sớm, sẽ mở ra cơ hội lớn cho Cao Bằng trong tương lai.
Tuy nhiên để phát triển thương mại biên giới, kinh tế cửa khẩu dựa trên nền tảng logistics thì cần đầu tư kết cấu hạ tầng như hệ thống đường giao thông, kho tàng bến bãi, vừa tạo điều kiện phát triển dịch vụ, chủ động được hàng hóa XNK, vừa tạo điều kiện cho du lịch phát triển; Đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt kết hợp giữa thương mại quốc tế và thương mại cửa khẩu.
“Về đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế CK, chúng tôi không chỉ mong nhận được hỗ trợ về nguồn lực của Nhà nước, mà còn rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho địa phương chủ động thực hiện và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Quyết tâm của Cao Bằng là biến nơi đây thành khu hợp tác kinh tế biên giới như chủ trương của hai Chính phủ, đồng thời là Trung tâm dịch vụ logistics toàn vùng sau này”, Ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.