40 năm giải phòng miền Nam: Một vận đơn lịch sử

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:17, 04/05/2015

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Sài Gòn được giải phóng trước thời gian dự kiến khá xa do những thay đổi bất ngờ và nhanh chóng của tình hình chiến sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh khiến những tàu biển chở hàng từ Mỹ đến Sài Gòn chưa coi đây là vùng có chiến sự để chủ tàu áp dụng điều khoản chiến tranh trong quá trình vận chuyển.

(Vietnam Logistics Review) Sài Gòn được giải phóng trước thời gian dự kiến khá xa do những thay đổi bất ngờ và nhanh chóng của tình hình chiến sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh khiến những tàu biển chở hàng từ Mỹ đến Sài Gòn chưa coi đây là vùng có chiến sự để chủ tàu áp dụng điều khoản chiến tranh trong quá trình vận chuyển.

Và cũng chính vì vậy, chủ hàng (người giữ vận đơn) cũng không kịp có những phản ứng phù hợp để xử lý hàng hóa về mặt sở hữu. Nhiều ngân hàng ghi trên vận đơn là người nhận hàng thuộc vận đơn theo lệnh (to order bill of lading) nhưng không thể ký hậu để chuyển nhượng theo thỏa thuận với chủ hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa.

Hình dưới đây là một bản vận đơn gốc (xem chữ "Original") - một trong những chứng từ quan trọng nhất trong buôn bán, vận tải biển và thanh toán quốc tế - do hãng tàu APL (American President Lines) của Mỹ ký phát, chở hàng từ Mỹ đến cảng Sài Gòn trong tháng 4/1975.

Tên tàu biển: "President Jeffeson" ("Tổng thống Jeffeson") - một tổng thống của Mỹ), cảng bốc hàng: "New York", cảng dỡ hàng: "Saigon", vận đơn ký ngày 5.3.1975 tại New York (vận đơn nhận để bốc), hàng thực bốc lên tàu ngày 21.3.1975 (xem dấu hình chữ nhật có ghi "validated"). Tàu đến cảng Sài Gòn trong khoảng nửa cuối tháng 4.1975.

Người giao hàng là "Interose Corporation Inc.", New York, người nhận hàng là "theo lệnh của Ngân hàng thương mại quốc tế China" (Order of: The International Commercial Bank of China), địa chỉ thông báo: "Huynh Ngoc My Cong ty "My Tok", 46, Bui - Chu, Sai Gon, So. Vietnam". Hàng hóa là 88 kiện phốt phua kẽm (zinc phosphide) sản xuất tại Mỹ.

Có 3 dòng chữ nhỏ ở phần gần giữa vận đơn in quy định của Mỹ: "Luật của Mỹ cấm đưa những hàng hóa này đến các nước trong khối Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Triều Tiên, những khu vực do cộng sản VN kiểm soát, Cu Ba hoặc Nam Rô-đê-si-a trừ phi được Mỹ cho phép". Ngân hàng Thương mại quốc tế China đã ký hậu chuyển nhượng vận đơn cụ thể như sau: "Sau khi thanh toán mọi chi phí, yêu cầu giao hàng theo lệnh của Ngân hàng Việt Nam Thương tín" nhưng không được chấp nhận do chính quyền đã thay đổi và thuộc quyền chỉ huy của Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định. Cuối cùng, vận đơn đã phải ký hậu chuyển nhượng: "Sau khi thanh toán mọi chi phí, yêu cầu giao hàng theo lệnh của "Tổng Công ty Vận tải Ngoại thương" (Vietnam Foreign Trade Transport Cortporation". "Chữ "Transport" lẽ ra phải viết là "Transportation" mới đúng với tên của Tổng công ty này nhưng đây là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Ngoại Thương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ nên có toàn quyền tiếp nhận lô hàng thuộc vận đơn này (ký hậu bỏ trống hoặc ra lệnh tiếp theo chỉ thị của chính quyền mới) mà không cần sửa lại.

Hãng tàu APL (chở lô hàng nêu trên) với hơn 160 năm lịch sử, đã chính thức hoạt động trở lại tại VN sau khi quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa. Bản vận đơn cho thấy chi tiết của một vận đơn gốc cách đây 40 năm và là tài liệu thú vị về chuyển nhượng vận đơn khi có thay đổi chế độ
chính trị.