Nguồn nhân lực logistics chưa sẵn sàng

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:48, 26/05/2015

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Cuộc khảo sát về nguồn nhân lực logistics của VN cuối 2014 cho thấy có 60% tự đào tạo qua kinh nghiệm, học hỏi tay nghề lớp đàn anh đi trước, chỉ 40% có đào tạo qua trường lớp nhưng đa phần là những lớp bồi dưỡng tay nghề do các hiệp hội tổ chức. Những lớp này thiếu cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, phương pháp truyền đạt… trong khi đó yêu cầu về một nhân lực logistics thực thụ phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng quản trị trở thành nhà cung cấp logistics tích hợp (3PL).

(Vietnam Logistics Review) Cuộc khảo sát về nguồn nhân lực logistics của VN cuối 2014 cho thấy có 60% tự đào tạo qua kinh nghiệm, học hỏi tay nghề lớp đàn anh đi trước, chỉ 40% có đào tạo qua trường lớp nhưng đa phần là những lớp bồi dưỡng tay nghề do các hiệp hội tổ chức. Những lớp này thiếu cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, phương pháp truyền đạt… trong khi đó yêu cầu về một nhân lực logistics thực thụ phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng quản trị trở thành nhà cung cấp logistics tích hợp (3PL).

THỰC TRẠNG YẾU

Tốc độ phát triển nhanh của ngành logistics đặt ra những thách thức lớn cho các DN và người lao động trong quá trình hòa nhập vào sân chơi toàn cầu. Do phát triển nóng nên nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistics VN thiếu hụt trầm trọng cả về lượng và chất. Dù đã phát triển dịch vụ 3PL nhưng DN trong nước vẫn còn nhiều khoảng cách với DN nước ngoài về uy tín trên thương trường.

Ước tính, hơn 300 DN hội viên Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN (VLA) có khoảng 4.000 nhân viên chuyên nghiệp và 5.000 nhân viên bán chuyên nghiệp, nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, trong khi dự báo 3 năm tới các DN logistics cần thêm 18.000 lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt giúp ngành logistics VN tiến nhanh bắt kịp với nhịp độ của các quốc gia phát triển.

Tại VN chỉ có một số trường có đào tạo cử nhân về quản trị Logistics và vận tải đa phương thức. Tuy nhiên môn học logistics (hoặc liên quan đến logistics) tại các trường đại học của VN có nội dung hạn chế, chủ yếu đào tạo thiên về vận tải biển và giao nhận đường biển mà chưa chú trọng tới sự phát triển của ngành vận tải hàng không và các dịch vụ gia tăng, các kỹ thuật giao nhận hiện đại như vận tải đa phương thức, kỹ năng quản trị chuỗi cung ứng như 3PL, 4PL...

Ngoài ra, yếu tố thực hành thực tế cho sinh viên cũng rất quan trọng, nhưng chỉ một số trường liên kết với các công ty logistics cho sinh viên thực tập. Tuy nhiên với thời gian ngắn, mức độ va chạm thực tế không đáng kể để có thể hình thành kỹ năng. Do vậy nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm yếu sức cạnh tranh của các DN trong nước với các công ty đa quốc gia đang ngày một có mặt càng nhiều trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ logistics tại VN.

VẪN CHƯA SẴN SÀNG

Từ những hạn chế trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics đã dẫn đến tình trạng nhân lực cho tương lai thiếu trầm trọng. Trong khi cơ chế mở cửa tự do thương mại đang trở nên sôi động từ những hiệp định đã ký kết, các hoạt động đi kèm cũng sẽ phát triển theo, điều đáng nói ở đây là nguồn nhân lực trẻ vẫn còn lúng túng chưa thật sự sẵn sàng còn nguồn nhân lực có thâm niên ngày càng gần tuổi về hưu.

Tất cả các phương tiện để phát triển đều đã sẵn sàng, nhưng người vận hành các phương tiện đó còn là vấn đề hiện nay. Theo Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có tới 80,26% nhân lực trong các công ty logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước, thuê các chuyên gia nước ngoài đến đào tạo 6,9%; tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài 3,9.

Trước thực trạng đó, để các DN logistics nước ta phát triển, theo PGS. TS Hoàng Thọ Xuân - chủ biên một báo cáo tổng hợp khá công phu về “Quy hoạch Phát triển Trung tâm logistics và Trung tâm hội chợ triển lãm trên quy mô cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030”: các DN logistics cần hướng tới cung ứng đầy đủ các dịch vụ cơ bản của một trung tâm logistics như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom và chia nhỏ hàng, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ hỗ trợ… Đồng thời, hướng tới đảm bảo cung ứng dịch vụ trọn gói hoặc tham gia toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng từ đặt hàng, thu mua, đóng gói, chia lẻ… đến điều tiết hàng hóa theo kế hoạch bán hàng, dự báo xu hướng nhu cầu, thực hiện thanh toán thay mặt chủ hàng. Bên cạnh đó, thực hiện các hình thức liên kết, kết hợp giữa các DN logistics trong nước để mở rộng quy mô nguồn vốn, hình thành một đơn vị cung ứng logistics có đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài. Liên doanh với các đối tác nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và phương pháp quản lý, nhận hỗ trợ tài chính, xây dựng cơ sở vật chất và các cơ hội mỡ rộng quan hệ, tiếp cận thị trường bên ngoài của đối tác.

Ngoài ra, điểm mấu chốt là cần bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực
logistics, liên kết đào tạo và học tập kinh nghiệm của các trường, các công ty logistics ở các quốc gia trong khu vực có ngành logistics phát triển như: Nhật Bản Trung Quốc, Singapore, hoặc tự đào tạo mời chuyên gia phổ biến trong DN… Để ngành logistics của VN theo kịp tốc độ tăng trưởng của thế giới như hiện nay.