Thách thức lớn khi Việt Nam gia nhập AEC

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:37, 25/05/2015

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Logistics trong đó có vận tải là nhân tố chính tạo ra sự dịch chuyển của dòng vật chất và thương mại vật chất sẽ không thể thực hiện được khi một quốc gia không có hệ thống hạ tầng giao thông và các dịch vụ giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển của nền kinh tế

(Vietnam Logistics Review) Logistics trong đó có vận tải là nhân tố chính tạo ra sự dịch chuyển của dòng vật chất và thương mại vật chất sẽ không thể thực hiện được khi một quốc gia không có hệ thống hạ tầng giao thông và các dịch vụ giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển của nền kinh tế

Chất lượng hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian, chi phí và độ tin cậy của hoạt động thương mại cũng như XNK. Do vậy việc đánh giá chất lượng hạ tầng giao thông và đo lường hiệu quả của dịch vụ logistics có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc đo lường hiệu quả của trụ cột này hiện nay chủ yếu dựa vào chỉ số LPI được WB sử dụng để đánh giá và xếp hạng năng lực logistics của các quốc gia. LPI được đánh giá 6 chỉ số như sau: hải quan, cơ sở hạ tầng, dịch vụ vận tải quốc tế, dịch vụ logistics, chi phí logistics nội địa, tính chính xác về thời gian giao hàng. Việc tính toán các chỉ số được thực hiện qua khảo sát các DN cung ứng dịch vụ logistics theo thang điểm từ 1 đến 5 với mức độ 1 là kém nhất và 5 là tốt nhất. Chỉ số LPI tổng thể cho một quốc gia được tính bằng cách tính trung bình trọng số của 6 chỉ số thành phần. WB so sánh và xếp hạng trình độ phát triển logistics của một quốc gia bằng cách phân chia LPI ra thành 4 nhóm các quốc gia như sau: Nhóm 1 gồm các quốc gia có LPI từ 1-2,48; Nhóm 2: các quốc gia có LPI từ 2,48 đến 2,75; Nhóm 3: quốc gia có LPI từ 2,75 đến 3,23 và nhóm 4 là các quốc gia có LPI trên 3,23.

Theo đánh giá của WB, năm 2014 VN đã có sự cải thiện rất đáng kể về hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, từ vị trí 72 và điểm trung bình là 2,68/5 trong năm 2012 thì đến 2014 VN đã vươn lên vị trí 44 với điểm trung bình 3,11/5, trong đó đáng kể nhất là sự thay đổi hạ tầng thông tin. Đây là thành tích vượt bậc mà VN chưa đạt được trong suốt 10 năm góp phần cải thiện chỉ số LPI và đưa VN từ vị trí 53 lên vị trí 48 vào năm 2014. Tuy nhiên, so sánh với các nước trên thế giới và trong khu vực thì chỉ số LPI giai đoạn 2007-2014 là 2,89/5 và giữ vị trí thứ 53 trên tổng số 160 nước được khảo sát. So sánh với các nước ASEAN thì logistics giai đoạn này của VN đứng thứ 5 sau các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Ghi nhận hiệu quả logistics của VN cho các kết quả không đồng đều. Vận tải quốc tế và hải quan có sự cải thiện rõ rệt. Hoạt động vận tải quốc tế ở VN chủ yếu là vận tải biển và vận tải hàng không trong đó vận tải biển do các hãng tàu nước ngoài thực hiện. Hiện nay đã có 40 hãng tàu biển nước ngoài chủ yếu là vận tải container đang hoạt động tại VN kết nối VN với các điểm trung chuyển như Singapore, Hồng Kông cũng như vận chuyển thẳng hàng hóa của VN tới châu Âu và châu Mỹ. Đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ số về vận tải quốc tế của VN có thứ hạng cao hơn trung bình. Các hãng vận tải container của VN như Germadept, Vinalines, Biển Đông do hạn chế về mạng lưới nên không cạnh tranh được với các DN nước ngoài khiến các DN XNK VN phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của các hãng tàu biển quốc tế khiến cước phí vận tải biển bị đẩy lên cao, cùng với việc các hãng tàu tận thu nhiều loại phí gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của VN.

Việc tăng cường áp dụng hải quan điện tử, đơn giản hóa thủ tục hải quan đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện LPI của VN khiến xếp hạng hải quan được cải thiện đáng kể và cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên, chất lượng hạ tầng giao thông của VN thuộc hàng thấp nhất trong khu vực (bảng 1). Là một quốc gia có bờ biển dài với rất nhiều cảng biển nhưng chất lượng cảng biển của VN hiện đứng thứ 111, thấp hơn nhiều so với các nước có cơ cấu kinh tế tương đồng cũng như đang cạnh tranh với VN trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản như Thái Lan, Indonesia.

Theo xếp hạng về chỉ số kinh doanh qua biên giới (Trading across border rank) được đánh giá qua các tiêu chí về thời gian, chi phí XNK, số lượng chứng từ cần thiết cho hoạt động XNK thì năm 2014 VN đứng thứ 75 và cũng đứng sau nhiều nước trong khu vực (bảng 2).

Qua số liệu bảng 2 có thể thấy thời gian làm thủ tục xuất khẩu của VN ở mức cao nhất khiến các DN mất nhiều cơ hội kinh doanh. Mức chi phí cho việc XNK một container hàng hóa của VN còn thấp hơn một số nước như Philippines, Thái Lan. Tuy nhiên, nếu so sánh cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thì có thể thấy hàng xuất khẩu của VN là hàng nguyên liệu thô, sản phẩm dựa vào tài nguyên và sản phẩm công nghệ thấp chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 60% trong khi của Thái Lan là 47,7% và của Philippines là 31,5%. Vì vậy, dù chi phí XNK một container hàng của VN có thể thấp hơn hoặc tương đương nhưng tỷ trọng chi phí trên giá thành hàng xuất khẩu cao cũng là một nhân tố khiến năng lực cạnh tranh thương mại của VN thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015 với mục tiêu là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề trong khối. Thách thức lớn nhất của VN khi tham gia AEC đến từ sự cạnh tranh toàn diện, nghĩa là cạnh tranh không chỉ ở thị trường nước ngoài mà còn trên thị trường trong nước, không chỉ cạnh tranh với DN đến từ ASEAN mà còn phải cạnh tranh với DN các nước ASEAN + như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… Do vậy, VN không chỉ cần đầu tư phát triển hạ tầng logistics mà các DN logistics, vận tải của VN cần nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu về dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh khi AEC chính thức được thành lập nhằm tận dụng cơ hội từ AEC cũng như giảm sự lệ thuộc vào các DN logistics, vận tải biển như hiện nay. Có làm được điều đó thì năng lực cạnh tranh thương mại của VN mới được cải thiện và là đòn bẩy để kinh tế VN hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế khu vực và thế giới.