Hợp tác công – tư trong logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:00, 21/05/2015

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Theo đánh giá của WB thì cước phí vận chuyển không phải là thành phần chính trong chi phí logistics của VN. Cơ hội chính để cải thiện dịch vụ logistics là giảm các chi phí khác đối với hàng hóa trên hành trình vận chuyển trong nước và quốc tế.

(Vietnam Logistics Review) Theo đánh giá của WB thì cước phí vận chuyển không phải là thành phần chính trong chi phí logistics của VN. Cơ hội chính để cải thiện dịch vụ logistics là giảm các chi phí khác đối với hàng hóa trên hành trình vận chuyển trong nước và quốc tế.

ĐÁNH GIÁ TỪ THỰC TẾ

Nhìn từ các nghiên cứu của WB thì bên cạnh những nội dung khác, trong kết quả thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với 73 đơn vị liên quan trong lĩnh vực logistics (chủ hàng và nhà cung cấp dịch vụ), các hiệp hội DN và các cán bộ nhà nước ở VN để hiểu rõ hơn quan điểm của các bên về những yếu tố cơ bản cấu thành chi phí logistics và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thương mại. Kết quả cho thấy 5 thách thức lớn nhất mà VN cần phải vượt qua để nâng cao năng lực cạnh tranh logistics.

1. Các quy định của Chính phủ thường rườm rà và khó hiểu. Việc diễn giải, và triển khai và thực thi các quy định của Chính phủ thiếu tính nhất quán giữa các tỉnh và giữa các cán bộ nhà nước. Điều này dẫn đến thủ tục thông quan hàng hóa XNK mất thời gian hơn so với các quốc gia, dư thừa hàng lưu kho trong chuỗi cung ứng của các chủ hàng, chi phí quản lý cao hơn cho các chủ hàng và các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

2. Chi phí bôi trơn cho cán bộ hải quan và công an thường được hiểu ngầm là cần thiết để những hàng hóa XNK chủ chốt như linh kiện, nguyên liệu thô và thành phẩm có thể lưu thông trong chuỗi cung ứng với mức chậm trễ tối thiểu. Điều này làm tăng các chi phí
logistics cho thủ tục hải quan, dịch vụ hải quan, kiểm hóa hàng hóa và vận chuyển đường bộ.

3. Các dự án hạ tầng GTVT được quy hoạch và triển khai mà không áp dụng cách tiếp cận hành lang đa phương thức và chiến lược. Điều này đã dẫn đến các bất cập như hệ thống cảng và cảng biển rất phân tán, số lượng được chú trọng nhiều hơn chất lượng. Thời gian hoàn thành các dự án đường cao tốc cần thiết để hỗ trợ cho phát triển cầu cảng thường xuyên bị chậm trễ, đó là yếu tố chính dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường lưu thông hàng hóa từ cảng. Các đường giao thông kết nối giữa đường cao tốc và cảng biển và các cảng container nội địa (ICD) không đủ đáp ứng nhu cầu và là nguyên nhân chính gây nên tình trạng tắc nghẽn. Ngoài ra, hệ thống đường sắt không phải là một phương thức hợp lý cho vận tải hàng hóa.

4. Ngành vận tải đường bộ manh mún, cung cấp dịch vụ cho chủ hàng với chất lượng tương đối thấp hơn so với các quốc gia khác.

5. Cụm cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải đang được sử dụng dưới công suất thiết kế và không đủ số lượng khai thác để đạt tầm của một trung tâm trung chuyển vận tải, và các hãng vận tải biển container hoạt động tại cảng biển này đang cần tiếp tục có sự hỗ trợ từ Chính phủ và giảm giá. Trong khi đó thị trường Hà Nội/Hải Phòng chưa được đáp ứng đầy đủ.

VAI TRÒ CỦA THỂ CHẾ TRONG VẬN TẢI VÀ LOGISTICS

Nhiều bằng chứng khác cũng cho thấy chi phí logistics của VN thực sự tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực mặc dù điều này đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để triển khai các khuyến nghị vào thực tế.

Các hình thức tổ chức đối thoại công - tư cũng có ý nghĩa quan trọng tương đương, và nếu thiếu, hoạt động của Ủy ban liên ngành sẽ không thực sự hiệu quả. Lý tưởng nhất nếu Chính phủ thông qua một Ủy ban Logistics liên ngành (hiệu quả nhất) hoặc thông qua một hoặc nhiều bộ riêng lẻ (kém hiệu quả hơn) - có thể đảm bảo rằng mọi quyết định chính sách trong lĩnh vực vận tải và logistics đều có sự tham gia ý kiến của những người sử dụng dịch vụ từ khu vực tư nhân. Yếu tố thành công là duy trì sự tham gia của các thành viên từ cả khu vực công và tư.

Các bên liên quan trong khu vực tư thường phân tán và thiếu nhất quán hơn so với khu vực công, do đó cần có những nỗ lực mạnh mẽ và bền vững từ phía khu vực tư để cùng ngồi lại thảo luận và đưa ra các thông điệp rõ ràng, hợp lý và thống nhất, có sự cân bằng giữa các mối quan tâm và lợi ích của DN lớn và nhỏ, trong nước và quốc tế.

Một bài học thành công chính là Ủy ban Logistics Australia, tổ chức “đại diện cho khách hàng, nhà cung cấp chuỗi cung ứng logistics của Australia, chủ sở hữu và là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng” và “làm việc với tất cả các cấp chính quyền để đảm bảo các nhu cầu của ngành logistics được cân nhắc trong mọi hoạt động đầu tư và ra quyết định”.