Xã hội hóa kinh tế biển Việt Nam

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:34, 23/06/2015

(VLR) (Vietnam Logistics Review) “Logistics là lĩnh vực khoa học - công nghệ thời đại, còn xã hội hóa là phạm trù kinh tế - nhân văn” đòi hỏi tư duy sâu rộng của những nhà hoạch định chiến lược tầm vĩ mô giải thích rõ hơn.

(Vietnam Logistics Review) “Logistics là lĩnh vực khoa học - công nghệ thời đại, còn xã hội hóa là phạm trù kinh tế - nhân văn” đòi hỏi tư duy sâu rộng của những nhà hoạch định chiến lược tầm vĩ mô giải thích rõ hơn.

“XÃ HỘI HÓA” KINH TẾ BIỂN - XU THẾ CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Trong cơ chế bao cấp, chúng ta ít được tiếp xúc với cụm từ “xã hội hóa”. Nhưng từ khi chuyển sang kinh tế thị trường “xã hội hóa” chẳng những trở nên quen thuộc về ngôn từ mà cả thực tiễn, bởi vì nhiều ngành đã đi vào hoặc được “xã hội hóa” cao độ… Như vậy, đây chính là xu thế thời đại của nền kinh tế thị trường.

Có người đã chứng minh bằng ví dụ lấy “logistics” minh họa:

Hiện nay người ta đang có xu thế thay logistics push bằng logistics pull, vì push được điều hành bởi cung (supply – driven) không thích hợp với tiêu dùng và thị trường, dẫn đến sự dư thừa, tồn kho gây lãng phí lớn. Ngược lại pull thì dựa vào cầu (demand driven) đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong tiêu dùng và thị trường, phát huy tốt chức năng 3PL, 4PL, và 5PL…

Do đó, việc sử dụng logistics pull hay logistics push cũng chẳng khác nào chọn xã hội hóa một ngành hay lĩnh vực nào đó cho phù hợp với năng lực thị trường và đem lại hiệu quả tiêu thụ lớn. Đương nhiên, còn nhiều yếu tố khác chi phối nên người viết bài xin phép được miễn bàn ở đây.

CHIẾN LƯỢC BIỂN VÀ NHỮNG LIÊN QUAN ĐẾN KINH TẾ BIỂN VN

Kinh tế biển là một lĩnh vực rộng lớn và quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Cho đến nay, nhiều quốc gia biển trên thế giới vẫn chưa đồng thuận về khái niệm kinh tế biển mà nhân loại đang khai thác, chỉ công nhận vai trò động lực thời đại trong bối cảnh loài người đang tiến ra biển và đại dương.

Ở VN, Nghị quyết 09-NQ-TW của Ban Chấp hành TW Đảng CSVN khóa X “Về chiến lược biển VN đến năm 2020” ra đời đầu năm 2007, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển kinh tế biển của đất nước, khẳng định:

Kinh tế biển là khái niệm mang tính thực tiễn có thể chia ra làm hai phần chủ yếu:

1. Toàn bộ hoạt động kinh tế diễn ra trên biển: Khai thác dầu khí trên biển; Du lịch biển – Nghề muối biển – Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; Kinh tế hải đảo.

2. Những hoạt động trực tiếp liên quan đến khai thác biển có thể không diễn ra ngay trên biển nhưng dựa vào yếu tố biển và diễn ra trên đất liền: Đóng mới và sửa chữa tàu biển (có nước xếp vào kinh tế hàng hải); Công nghiệp chế biến dầu khí; Công nghiệp chế biến hải sản; Cung cấp dịch vụ biển (khí tượng thủy văn, tìm luồng cá và một số lĩnh vực khác); Thông tin liên lạc biển (đài phát tín ven biển, hệ thống định vị); Nghiên cứu khoa học - công nghệ biển; Điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; Bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Như vậy, kinh tế biển VN là khái niệm mang tính thực tiễn, một phần hoạt động ngay trên biển, một phần ở đất liền nhưng liên quan đến yếu tố biển. Trong bài này chỉ giới hạn những ngành có hoạt động trên biển, còn lại những lĩnh vực khác sẽ đề cập sau.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, cho đến cuối tháng 6.2014, tổng số lượng tàu biển VN (quốc doanh, tư nhân và những thành phần khác) là 1.631 chiếc với tổng dung tích 4.479.984 BRT và tổng trọng tải 7.271.544 DWT. Tàu có tuổi hơn 20 năm là 170.845 chiếc. Đội tàu biển VN được xếp vào loại yếu trong khu vực ASEAN, hiệu quả kinh doanh kém, năng suất thấp chỉ bằng 55-60% năng suất đội tàu biển các quốc gia khác.

Về cơ cấu đội tàu được phân bổ rõ rệt: Loại phục vụ tuyến xa là những tàu có tuổi tương đối trẻ, được mua từ nước ngoài hay đóng mới trong nước, theo thiết kế của Ba Lan hay Nhật Bản, cỡ tàu trên 10.000 DWT, phía Bắc quản lý loại này có Công ty Vosco và một số công ty khác - phía Nam là Công ty Vitranschart. Nhược điểm của đội tàu là thiếu tàu container và tàu chuyên dùng thích hợp với việc xuất khẩu hàng của quốc gia. Những năm trước đây (2008-2011), đội tàu chiếm 21% thị phần hàng xuất khẩu, đến nay chỉ đạt 18-19%. Liệu đội tàu này có đáp ứng 25% thị phần xuất khẩu đề ra đến năm 2020 theo kế hoạch phát triển ngoại thương VN?

Loại phục vụ trong nước và vùng lân cận. Ước có 1.100 chiếc, trọng tải dưới 5.000 DWT, trong đó 70% sở hữu tư nhân, đa số là tàu cũ, trang bị kỹ thuật lạc hậu, không thể cạnh tranh với nước ngoài, tình trạng đội tàu này cần được xử lý gấp thì mới tính đến việc cơ cấu lại sản xuất kinh doanh cho ngành hàng hải VN.

NHỮNG NGÀNH NÀO CÓ THẾ XÃ HỘI HÓA

1/ Ngành Hàng hải (Đội tàu biển)

Đội tàu biển VN có hai loại. Loại phục vụ tuyến xa chưa được xã hội hóa bao giờ (quốc doanh), đã đầu tư bằng vốn nhà nước khá nhiều. Nhưng hiệu quả khai thác đội tàu kém là do khâu quản trị và quản lý cũng như thiếu kinh nghiệm trên thương trường quốc tế. Do mức khi “xã hội hóa” sẽ đầu tư lớn, đội tàu này chỉ có thể kêu gọi liên doanh, liên kết hoặc bằng hình thức nào phù hợp với nước ngoài.

Riêng đội tàu phục vụ trong nước và vùng lân cận vẫn phải tiếp tục “cổ phần hóa” để có “xã hội hóa” như ta đã làm. Thực tế hiện tại xem ra không có cách nào khác, bởi cổ đông VN vốn đầu tư nhỏ không đủ sức mua tàu lớn hay tàu chuyên dùng đóng mới từ nước ngoài mang về kinh doanh.

Chúng ta hưởng ứng tích cực chủ trương xã hội hóa hạ tầng GTVT, coi đây là quốc sách chiến lược trong bước phát triển quốc gia hùng mạnh.

2/ Luồng lạch, cảng biển, các ngành dịch vụ đều có thể “xã hội hóa”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến 2020, chúng ta cần 16-17 tỷ USD/năm cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi ngân sách chỉ đáp ứng 50-60%.

Nếu không tiếp tục huy động các kênh đầu tư mới trong xã hội và ngoài nước thì nguy cơ tụt hậu sẽ rõ ràng và đất nước lâm vào cảnh quốc gia kéo dài thu nhập trung bình vài chục năm nữa, như nhiều nước bạn trong khối chúng ta đang vấp phải. Chúng ta phải thoát ra bằng ý chí và quyết tâm của dân tộc. Luồng lạch, cảng biển, đường sắt, đường thủy nội địa, đường cao tốc là những thứ trong tầm tay và tiềm ẩn trong xã hội hóa thời kỳ này. Cục Hàng hải VN sẽ công bố danh sách 40 dự án kêu gọi các nguồn vốn xã hội đầu tư giai đoạn 2015-2020 là 43.000 tỷ đồng và những ngành khác cũng tiếp tục thể hiện quyết tâm của mình. Chúng ta đang dựa vào những điểm xuất phát khá thuận lợi là hơn 20 năm đổi mới và hội nhập quốc tế với tư duy cởi mở và cách làm ăn lớn.