Xuất khẩu tiểu ngạch vẫn ùn ứ tại cửa khẩu
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:58, 10/07/2015
(Vietnam Logistics Review) Xuất khẩu tiểu ngạch thường tiềm ẩn nhiều bất ổn cũng như rủi ro từ việc thay đổi chính sách trong kiểm dịch, tiêu thụ… không được thông báo trước, hoặc do năng lực giao nhận, hạ tầng tại những lối mở không phát triển kịp làm giảm năng lực thông quan dẫn đến ùn tắc.
GIAN NAN XUẤT KHẨU THEO ĐƯỜNG TIỂU NGẠCH
VN là đất nước có nền sản xuất nông nghiệp rất lớn, do vậy việc tiêu thụ nông sản cho nông dân là hoạt động trọng tâm ưu tiên của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đặc thù của nông sản khác với các mặt hàng công nghiệp là có độ hư hỏng nhanh, việc bảo quản phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sản xuất nông nghiệp vẫn phải theo thời vụ gieo trồng, không chủ động được đơn hàng đặt trước, khâu tìm thị trường dẫn đến bị ảnh hưởng.
Hiện nay xuất khẩu nông sản của VN về cơ bản vẫn được tiến hành thông qua con đường chính ngạch với số lượng hợp đồng lớn, giao hàng qua qua đường biển chiếm 2/3 sản lượng xuất khẩu, chỉ có 1/3 hàng hóa nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
Ngoài ra, đặc thù của VN với các nước bạn có chung đường biên giới nên hoạt động thương mại qua biên giới sẽ là thành phần tất yếu trong giao dịch, giao thương giữa các nước. Vì vậy, những giao dịch này cũng có những quy luật khác, không giống thương mại quốc tế thông thường, do những chính sách của hai bên, có nước bạn hoạt động thương mại vùng biên do chính quyền địa phương điều tiết, không phụ thuộc vào chính sách quản lý thương mại của Trung ương, từ đó dẫn đến nhiều sự phụ thuộc, các xe chở gạo, nông sản cần phải có thời gian nhập kho bảo quản chờ
xuất khẩu.
Việc ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu còn có nhiều nguyên nhân, điển hình là do thuế quan không đồng nhất. Như ở Lào Cai, hàng nông sản của TQ xuất sang thì thuế suất bằng 0%, trong khi hàng VN xuất sang lại bị đánh thuế cao như gạo là 17%, đường 60%, ngô có thời điểm lên tới 80%, nên bản thân DN bên họ nếu đi cửa khẩu chính cũng không còn lãi để mà đón hàng.
CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC GIẢI QUYẾT
Những tháng đầu năm, liên tục xảy ra hàng nông sản VN ùn ứ tại các cửa khẩu, Bộ Công Thương đã kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục xem xét, bàn với địa phương có biện pháp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thông quan tại khu vực cửa khẩu biên giới với sự tham gia của lực lượng chức năng hai nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN đầu mối của hai bên.
“Chính phủ cần có biện pháp mang tính chiến lược, bắt buộc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp để gắn kết giữa khâu tiêu thụ, lưu thông và xuất khẩu với khâu sản xuất của người nông dân. Trong đó, đặc biệt tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao trình độ và chất lượng canh tác thông qua mô hình sản xuất mới có quy mô lớn hơn, có điều kiện tiếp cận với DN, tạo liên kết với vùng nguyên liệu, hướng sản phẩm nông sản đạt đến những quy chuẩn chất lượng sản phẩm bền vững, từ đó tiến vào những thị trường lớn của thế giới với những yêu cầu khắt khe” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.
Thực tế này đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Mặc dù giải quyết được khâu tiêu thụ nông sản cho người dân nhưng trong suốt thời gian qua, xuất khẩu tiểu ngạch luôn tiềm ẩn rủi ro nên đã có nhiều cơ quan đề xuất siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên, thương mại tiểu ngạch là thương mại truyền thống đã, đang và sẽ tồn tại giữa nhiều quốc gia có chung đường bộ, đường thủy. VN có đường biên giới dài nên thương mại tiểu ngạch là do nhu cầu có thật của thương nhân các nước với nhau. Xuất phát từ nhu cầu nên về khía cạnh nào đó, xuất khẩu tiểu ngạch đáp ứng được nhu cầu của DN, nhanh chóng, đàm phán đơn giản, giá cả, lợi nhuận có thể cao hơn, chất lượng mặt hàng không đòi hỏi cao, nhãn mác, sản phẩm, sở hữu trí tuệ cũng
không cần…
Đã có ý kiến cho rằng nên loại bỏ xuất khẩu theo đường tiểu ngạnh. Nhưng nhu cầu của người dân như vậy thì không thể hạn chế tiểu ngạch ngay được. Mà vấn đề được đặt ra là tìm được phương hướng lâu dài để giải quyết vấn đề.