Cơ chế một cửa ASEAN: Bước đệm cho doanh nghiệp logistics vươn ra biển lớn

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:12, 22/10/2015

(VLR) Việt Nam đã thực hiện thành công kết nối kĩ thuật và trao đổi xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với Cơ chế một cửa quốc gia các nước thành viên, đã tạo bước đệm tiền đề cho các DN, trong đó có DN dịch vụ logistics vươn ra thế giới.

(Vietnam Logistics Review) Tại Việt Nam, việc thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia đã được nội luật hóa tại Luật Hải quan 2014 và Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, vấn đề này còn được Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao thông qua các nghị quyết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Tại Diễn đàn Logistics, giới thiệu về Cơ chế một cửa ASEAN tạo thuận lợi cho DN Việt Nam bước ra thế giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã nêu bật mối quan hệ giữa Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia, những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, những lợi ích và những vấn đề đặt ra cho DN, đặc biệt là những DN hoạt động trong lĩnh vực logistics khi Việt Nam chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, Việt Nam đã thực hiện thành công kết nối kĩ thuật và trao đổi xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với Cơ chế một cửa quốc gia các nước thành viên. Các lợi ích mang lại cho cộng đồng DN, trong đó có DN logistics, như: Giảm thời gian thủ tục hành chính, chẳng hạn đối với các hãng tàu, thay vì phải sao chụp giấy tờ nộp cho 5 cơ quan quản lý, bây giờ DN chỉ cần một lần khai điện tử trên cổng thông tin điện tử quốc gia để chuyển tiếp tới các cơ quan có liên quan. Theo kế hoạch trong ASEAN, Cơ chế một cửa ASEAN sẽ tiếp tục trao đổi hàng loạt các chứng từ thương mại và vận tải bằng phương thức điện tử. Khi đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính để lưu thông hàng hóa, dịch chuyển phương tiện giữa các quốc gia ASEAN sẽ thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử với hồ sơ điện tử. Như vậy, hàng loạt các chứng từ phải nộp, phải xuất trình sẽ được đơn giản hóa, thậm chí loại bỏ và kéo theo lợi ích mang lại cho DN logistics về mặt chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động giao nhận và vận tải.

Thực hiện Cơ chế một cửa tác động giảm chi phí cho DN do không phải thực hiện thủ công, sao chụp nhiều giấy tờ. Mục tiêu của các cơ quan Nhà nước trong giai đoạn tới rút ngắn từ 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan cho các DN theo Nghị quyết 19 của Chính phủ. Như vậy, thời gian thông quan hàng hóa phải giảm 7-8 ngày và theo mục tiêu này, nếu áp dụng số liệu ước tính năm 2014 có khoảng 6,8 triệu lô hàng được thông quan, với chi phí lưu kho tại cảng là 250 USD/ngày/lô hàng, tạm tính toán, với việc rút ngắn được 8 ngày, một năm chi phí tiết kiệm cho các DN khoảng 13,6 tỷ USD tính riêng đối với chi phí lưu kho, chưa kể giảm các chi phí khác.

Trong thời gian tới, đối với Cơ chế một cửa quốc gia, Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan hoàn tất kết nối kỹ thuật trong năm 2015 để sớm triển khai chính thức thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN. Đối với việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, các bộ, ngành sẽ tập trung mở rộng tại tất cả các cảng biển, với sự tham gia đầy đủ của tất cả các cơ quan chức năng tại cảng biển, cảng sông nhằm đơn giản thủ tục cho DN vận tải và logistics; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cho đường hàng không và đường thủy nội địa; về thủ tục hải quan, tiếp tục hoàn thiện các quy trình quản lý kho ngoại quan, hàng chuyển phát nhanh…

Theo phân tích của Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, để đảm bảo triển khai Cơ chế một cửa quốc gia với mục tiêu góp phần tạo thuận lợi cho thương mại và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics cho DN XNK, đề nghị DN tham gia hoạt động XNK logistics cần chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng kĩ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; tích cực tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật triển khai Cơ chế một cửa quốc gia; tham dự đầy đủ các buổi tập huấn do cơ quan Hải quan và các bộ, ngành tổ chức...