Sắp thông tuyến luồng cho tàu biển vào sông Hậu
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:35, 11/11/2015
(Vietnam Logistics Review) Mục tiêu đến ngày 31.12 thông luồng kỹ thuật Luồng cho tàu biển vào sông Hậu sẽ thành hiện thực.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật kiểm tra dự án
Yên tâm đê biển phía Nam
Gói thầu 10A – Thi công đê chắn sóng phía Nam được xem là “xương” nhất của dự án Luồng cho tàu biển vào sông Hậu. Với tổng chiều dài 2,4 km, công tác triển khai thi công bắt đầu từ đầu năm 2015, tuy nhiên phải đến tháng 4/2015 công việc mới triển khai rầm rộ vì bị gián đoạn những tháng gió chướng. Sau khi vượt qua những khó khăn ban đầu, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô “đánh” từ trong bờ ra, Vinawaco “đánh” từ ngoài biển vào. Đến nay toàn bộ thân đê dài 2,4 km đã hoàn thành công tác thi công đá đệm, đá lõi đạt cao trình +5,7m.
Phần việc của Tổng công ty 319 là đúc, vận chuyển và lắp các khối phủ Chinese Accropode phủ thân đê để phá sóng. Công việc tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng không hề đơn giản. Chiếc sà lan 1000 tấn chở chiếc cần cẩu bóc từng cục Chinese Accopode nặng hàng tấn lắp vào thân đê vẫn chòng chành trước những con sóng lớn mùa gió chướng.
Ông Trần Văn Chung, Chỉ huy trưởng nhà thầu 319, cho biết lường trước mùa gió chướng năm nay đến sớm nên từ đầu tháng 9 khi Vinawaco triển khai thi công phần đầu đê phía ngoài biển, đơn vị cũng đã tập kết các khối phủ Chinese Accopode để thi công ngay. Đến nay đã lắp hoàn thành 100 m khối phủ 5T ở đầu đê để bảo vệ tuyến đê trong mùa gió chướng.
“Chúng tôi chỉ kịp hoàn thành lắp khối phủ 5T bảo vệ đầu đê trước mùa gió chướng năm nay khoảng 1 tuần. Không phủ kịp thì bao nhiêu công sức đắp đê đều trôi xuống biển. May mà triển khai kịp chứ đến giờ phút này thì thua”, ông Chung nói.
Ông Chung cho biết, cái khó khăn của nhà thầu 319 là do các đơn vị thi công thân đê bàn giao mặt bằng chậm, trong khoảng thời gian thời tiết tốt phải nhường mặt bằng cho các đơn vị Lũng Lô và Vinawaco thi công đổ đá lõi đê, công tác thi công lắp đặt khối Accropode gặp nhiều khó khăn do thi công vào mùa gió chướng nên phải vận chuyển khối phủ từ Vũng Tàu về Duyên Hải bằng đường bộ làm tăng chi phí phát sinh.
Đích thông luồng 31/12
Ông Trần Anh, Tổng giám đốc BQLDA Hàng hải cho biết tiến độ tổng thể của dự án đến nay đã trên 75%. Việc nạo vét kênh tắt, kênh Quan Chánh Bố thời gian qua đã đạt kết quả rất tốt. Nhìn tổng thể đã nên hình hài của một tuyến kênh đào từ biển vào đến sông Hậu, sẵn sàng đón tàu trọng tải lớn đi vào. Trên bờ, các nhà thầu tiếp tục thảm đá bờ kè hai bên.
Hiện nay vẫn còn hai điểm “tắc” là QL53 và để Hải Thạnh Hòa. Phà qua QL53 đã cơ bản hoàn thành, đang chờ chạy thử để chính thức đi vào hoạt động phục vụ người dân. “Chỉ cần cắt QL53 và đê Hải Thạnh Hòa là có thể thông luồng từ biển vào sông Hậu. Thời điểm 31/12 sẽ thông luồng kỹ thuật để đón tàu đi vào”, ông Trần Anh khẳng định.
Tuyến đê biển phía Nam sông Hậu
Trên chiếc phà từ QL53 đi dọc kênh Tắt dài 5 km đến đê Hải Thạnh Hòa, ông Đồng Văn Lâm – Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh không dấu được niềm vui khi chứng kiến một trong trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Trà Vinh sắp hoàn thành. Ông Lâm cho biết công trình này sẽ góp phần thay đổi vùng quê nghèo Trà Vinh. Tuy vậy vị chủ tịch UBND tỉnh cũng không khỏi lo ngại khi trong quá trình thi công dự án đã phát sinh một số vấn đề như: sạt lở một số kênh tự nhiên, nước làm ngập một số vuông tôm, vườn của dân; việc thi công tuyến đường kết nối bờ Nam kênh Tắt giữa tỉnh lộ 913 đến đê biển Hải Thạnh Hòa chưa được bố trí nguồn vốn bổ sung vào tiểu dự án bồi thường GPMB nên chưa triển khai…
Tại cuộc kiểm tra hiện trường ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu BQLDA Hàng hải phối hợp chặt chẽ với địa phương để tháo gỡ những vướng mắc trên. “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, phục vụ lợi ích của người dân nên không để bất kỳ vấn đề phát sinh nào trong quá trình triển khai dự án ảnh hướng đến đời sống người dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Một vấn đề khác là công tác giải ngân đến nay mới chỉ đạt 35%, Thứ trưởng yêu cầu BQLDA Hàng hải, các tư vấn của các gói thầu phối hợp và hướng dẫn các nhà thầu hoàn tất thủ tục thanh toán khi các hạng mục kết thúc, tránh để dây dưa gây khó khăn cho nhà thầu.