Logistics miền Bắc đón đầu cơ hội?
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:22, 10/12/2015
(Vietnam Logistics Review)Trong nhiều năm qua, với việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng vận tải, kinh tế và dịch vụ đã giúp ngành logistics ở khu vực phía Bắc có bước tiến đáng kể, tuy nhiên nếu nhìn vào thực tế, vẫn còn một số khó khăn bắt nguồn từ nội tại.
Nhiều người băn khoăn, liệu ngành logistics miền Bắc có vượt qua được thách thức để tận dụng cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh hiệu lực của nhiều hiệp định thương mại đang đến gần.
Những nổ lực vượt bậc
Nếu so sánh với khu vực miền Trung và miền Nam, thì miền Bắc có nhiều tiềm năng phát triển ngành logistics hơn cả. Là khu vực cửa ngõ giữa Trung Quốc và ASEAN, với hệ thống vận chuyển đa dạng từ đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Về đường sắt, đường bộ từ miền Bắc có thể kết nối đến các quốc gia lân cận như Lào, Trung Quốc qua nhiều cửa khẩu quốc tế như Nội Bài, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai), Móng Cái (Quảng Ninh), Cầu Treo (Hà Tĩnh); về đường thủy, miền Bắc có nhiều cảng quốc tế và nước sâu ở Hải Phòng,
Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An... Thuận lợi là vậy, thế nhưng trong cả một thời gian dài, kinh tế thương mại ở miền Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng các yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Trước hết là về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành logistics, trước đây hầu như toàn bộ hệ thống đường giao thông (đường bộ, đường sắt và cảng biển…) đều do người Pháp xây dựng nhưng đã bị tàn phá sau chiến tranh, đồng thời bị ảnh hưởng bởi sự cấm vận kinh tế nên đã không được quan tâm đầu tư. Thêm vào đó, hầu hết các cơ sở hạ tầng kho tàng bến bãi, phương tiện vận tải như ôtô, đội tàu biển, kinh doanh XNK đều giao cho các công ty nhà nước quản lý theo hình thức nền kinh tế kế hoạch. Nhân sự dù đông nhưng không được đào tạo bài bản phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế nên ngành logistics không theo kịp được quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước kể cả đến thời kỳ sau mở cửa từ năm 1995 cho đến trước 2005.
Nhưng từ 2006 cho đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, ngành logistics miền Bắc đã có bước phát triển đột phá. Cụ thể, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại… được đầu tư bài bản. Sự cạnh tranh gay gắt của thị trường thời hội nhập hậu WTO, cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương là nhân tố thúc đẩy phát triển thông qua việc sửa đổi về chính sách XNK, thương mại. Các DN nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực giao nhận vận tải, logistics cũng đổi mới để cung cấp nhiều dịch vụ logistics mang tính chuyên biệt sâu hơn. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào hạ tầng logistics cũng đa dạng hơn.
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, Bộ đã hoàn thành, đưa vào khai thác 77 công trình, dự án; hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công, triển khai thi công mới 37 công trình, dự án trên toàn quốc. Trong đó, có nhiều dự án ở miền Bắc như Cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Nhà ga Cảng hàng không Vinh; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Nhà ga đường sắt Ninh Bình... Ngoài ra còn nhiều dự án đã và đang hoàn thành như đường cao tốc nâng cấp mở rộng từ Hà Nội đi Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Ninh Bình… hàng loạt dự án cảng hàng không, cảng biển được xây mới, mở rộng, nâng cấp như cảng Lạch Huyện, sân bay Cát Bi, Vũng Áng, Nghi Sơn…
Trong lĩnh vực hạ tầng thương mại phục vụ cho logistics, XNK cũng có nhiều biến chuyển tích cực với hàng loạt trung tâm logistics đã có chủ trương đầu tư, điển hình là khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn và Cao Bằng.
Có thể thấy, việc đầu tư hạ tầng đã thúc đẩy hoạt động XNK phát triển, mở rộng giao thương, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với tốc độ trên 10%/năm.
Giải pháp thúc đẩy logistics miền Bắc phát triển
Mặc dù đã có nhiều biến chuyển nhưng ngành logistics miền Bắc nói riêng và cả VN nói chung vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Nhiều DN trong ngành cho rằng họ vẫn gặp khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, nhất là về nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin đào tạo nhân lực; chi phí “ngoài luồng” vẫn còn cao... nên rất khó cạnh tranh và đang đối mặt với nhiều nguy cơ mất thêm số % thị phần vốn đã ít ỏi vào tay các đối thủ nước ngoài, nhất là trong tương lai gần.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ logistics ở VN nói chung và miền Bắc nói riêng, Nhà nước cần đưa ra giải pháp tổng thể, đồng bộ. Trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật như hệ thống đường giao thông, các cảng biển, sân bay nội vùng, trung tâm logistics cửa khẩu biên giới với Lào, Trung Quốc... để đón đầu cơ hội XNK hàng hóa giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính sao cho phù hợp với bối cảnh hội nhập; xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, lựa chọn các DN có nền tảng truyền thống để hỗ trợ nhằm giữ vai trò hạt nhân; tăng cường đối thoại với DN vận tải, hiệp hội ngành hàng... để tìm hiểu nhu cầu, tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ DN trong công tác nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho các DN hoặc thông qua các cơ sở đào tạo chuyên biệt.
Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN và cộng đồng về lợi ích của logistics, hạn chế tối đa những tiêu cực trong hoạt động logistics, XNK.