Xúc tiến thương mại thời hội nhập
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:59, 25/01/2016
(Vietnam Logistics Review) Công tác xúc tiến thương mại (XTTM) thời gian qua có thể "gói gọn" bằng vài cụm từ như “dàn trải”, “chưa hiệu quả”, “hình thức”, “chưa đúng mong muốn của DN”.Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, hoạt động XTTM phải đi theo hướng khác thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Đó là nâng cao vai trò của các văn phòng XTTM ở nước ngoài.
Đồng bộ
Liên tiếp mấy năm gần đây, khi vào thời điểm cận tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch dưa hấu (vụ Đông Xuân, Xuân Hè), nhu cầu tiêu thụ dưa hấu của cư dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc thường tăng đột biến nên XK sang thị trường Trung Quốc thường bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh, bị hư hỏng nhiều. Trước thực trạng này, vụ dưa 2015-2016 Bộ Công Thương đã tổ chức một cuộc hội thảo với sự có mặt của rất nhiều đơn vị tham gia từ Bộ NN&PTNT cho đến các vụ, cục, sở ban ngành, các địa phương để “giải cứu” cho bà con nông dân.
Sự chủ động của các bộ, ngành nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhất là khi các giải pháp cụ thể được đưa ra. Bộ NN&PTNT sẽ cân đối nguồn cung dưa hấu bằng cách sẽ chỉ đạo ngành trồng trọt các địa phương cần rải vụ xen canh, tránh việc thu hoạch đồng loạt, tập trung gây ra tình trạng thừa cung cục bộ. Về lâu dài cần tạo điều kiện và cơ chế cho DN hai nước ký kết hợp đồng chặt chẽ, từ đó xác định vùng cung cấp sản phẩm và hợp đồng vận chuyển đến biên giới. Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ chủ động xúc tiến thương mại, đưa dưa hấu vào sâu hơn thị trường nội địa Trung Quốc, mở thêm các điểm thông quan trên cơ sở hạ tầng đã có nhưng ưu tiên những điểm đã và đang thông quan.
Tuy nhiên, có một ý kiến của một vị đại biểu nêu ra rất đáng lưu ý. Đó là, trong khi có rất nhiều giải pháp được đưa ra thì nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc lại không được thống kê. Nếu không biết thị trường cần bao nhiêu thì những giải pháp nêu trên xem ra cũng không có nhiều tác dụng. Giả sử thị trường chỉ cần 10 tấn nhưng các DN Việt Nam lại cứ “ùn ùn” chuyển hàng lên cửa khẩu thì chắc chắn sẽ không thể giải quyết được vấn đề ùn tắc, lại còn bị thương nhân Trung Quốc ép giá. Đặc biệt, khi mà Trung Quốc cũng đang tập trung trồng dưa hấu trên đất thuê tại Lào, Campuchia thì việc dưa hấu XK phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc phải xem lại, cần tính đến phương án mở rộng thị trường XK khác.
Thông luồng hàng hóa
Có thể thấy, cơ chế thông tin còn bị “đứt đoạn” nên việc xúc tiến XK mặt hàng nói trên đang bị “nghẽn”. Có lẽ đây không chỉ là “biểu hiện” của riêng mặt hàng dưa hấu mà còn là tồn tại trong công tác XTTM nói chung của Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hoạt động XTTM nhiều năm qua vẫn chưa có gì thay đổi. Hiệu quả của hoạt động XTTM mới chỉ dừng ở những hoạt động bề nổi như các hội chợ, triển lãm, hội thảo… mà ít nội dung đi vào thực chất. Đáng chú ý, cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu về thông tin của DN, nếu có thì lại là những thông tin DN không cần đến. Người làm XTTM phải hiểu được nhu cầu trước mắt của DN, của thời vụ sản phẩm và nhu cầu dài hạn của thị trường để định hướng cho các nhà sản xuất phát triển sản phẩm. Đây cũng là “đơn hàng” mà cộng đồng DN đang đặt hàng cho các cơ quan XTTM. Thêm vào đó, vấn đề thông tin, sự tương tác thông tin giữa các Trung tâm xúc tiến thương mại, thương vụ với các hiệp hội, ngành hàng chưa phát huy hiệu quả. Trên thực tế, một số thị trường, vai trò cung cấp thông tin của tham tán thương mại cho DN rất mờ nhạt làm hạn chế việc nắm bắt thông tin thị trường.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng, Trưởng đại diện, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ XK tại TP. HCM (Cục Xúc tiến thương mại) nhìn nhận, công tác XTTM thời gian qua còn nhiều hạn chế là do nguồn nhân lực còn hạn chế, nhiều cán bộ còn kiêm nhiệm. Ngoài ra, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương còn cho rằng, việc đầu tư cho hoạt động này vẫn còn hạn chế so với thế giới cũng như với các nước trong khu vực. Bộ Công Thương đã gặp rất nhiều khó khăn khi phê duyệt chương trình XTTM. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực, phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh XK và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí nên không thể phê duyệt thực hiện. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới hạn chế về sự kết nối giữa DN và cơ quan XTTM, các văn phòng XTTM ở nước ngoài.
Cần hơn sự “viện trợ” thông tin
Thông tin thị trường là một yếu tố quan trọng trong công tác XTTM, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, cùng với đó là công nghệ thông tin cũng phát triển mạnh. Chính vì thế, yêu cầu cao nhất mà ông Hải đặt ra cho Cục Xúc tiến thương mại- đơn vị đầu mối về hoạt động XTTM phải làm ngay trong năm 2016 này là đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Văn phòng XTTM tại nước ngoài. Đây là bộ phận có nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Bộ Công Thương, là nơi cung cấp thông tin, hỗ trợ thương mại, dịch vụ tư vấn, là cầu nối liên lạc cho các DN tìm kiếm đối tác... Hiện nay, công tác này chưa đạt được như mục tiêu đã đề ra. Nếu không có hệ thống văn phòng này thì Bộ Công Thương sẽ khó thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. “Do vậy, đây là việc quan trọng đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại phải làm mạnh hơn nữa trong năm 2016, làm sao đạt được kết quả tốt như một số văn phòng xúc tiến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đang thực hiện ở Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.
Người đứng đầu Cục Xúc tiến thương mại ông Bùi Huy Sơn cũng nhận ra những hạn chế trong hoạt động XTTM thời gian qua, nên nhiệm vụ đặt ra trong năm 2016 của đơn vị này đặt lên hàng đầu việc tăng cường công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quản lý Nhà nước về hoạt động XTTM; chủ động rà soát, tổng hợp ý kiến các Sở Công Thương, DN, cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình thực tế giai đoạn mới. Đáng chú ý, Cục này sẽ thành lập và tăng cường hoạt động của các văn phòng XTTM Việt Nam tại nước ngoài. Được biết, Cục Xúc tiến thương mại sẽ thành lập từ 1-2 văn phòng XTTM của Việt Nam tại Trung Quốc; hoàn chỉnh Đề án thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại tại một số địa bàn trọng điểm.