Chỉ số EQ tăng tính ổn định về nhân sự
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:15, 19/03/2016
(Vietnam Logistics Review) EQ – chỉ số cảm xúc, thể hiện tính phù hợp của nhân viên với văn hóa doanh nghiệp, chỉ số này góp phần đảm bảo tính ổn định về nhân sự, hạn chế tình trạng “tuyển không đúng người” gây thất thoát không đáng có về chi phí nhân sự của một doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Vietnam Logistics Review đã có buổi trao đổi khá thú vị với ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc công ty Tư vấn tuyển dụng Iglocal Resource (HRNAVI) tại TP.HCM.
Vấn đề lớn nhất gây lãng phí về thời gian và chi phí của các doanh nghiệp trong tuyển dụng theo ông là gì?
Nói tóm gọn trong vài chữ, đó là: “tuyển không đúng người”. Cụ thể hơn, một ứng viên không đủ năng lực thì không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc quá thừa năng lực sẽ nảy sinh tâm lý muốn nhảy việc. Bên cạnh đó, lí do quan trọng nhất là bản chất và tính cách của họ không phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp nói chung và tầm nhìn của chủ doanh nghiệp nói riêng. Qua đây, tôi muốn đề cập đến việc cần thiết phải phối hợp giữa các chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ) trong tuyển dụng để bảo đảm cả 2 yếu tố: chuyên môn và tính phù hợp của ứng viên vào các vị trí công việc. Tính phù hợp này sẽ bảo đảm mức độ cam kết với doanh nghiệp về lâu dài.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, chỉ 25% số người thành công là có chỉ số IQ cao hơn trung bình. Nghĩa là chỉ số IQ không giải thích được sự thành công vượt trội của 75% số người còn lại. 75% này thuộc về EQ. Tương ứng, EQ nhân viên sale cao mang đến 80% doanh số cho một công ty so với 20% từ IQ.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự thất thoát không cần thiết về chi phí nhân sự (HR) trong một công ty do chưa có sự phối hợp giữa IQ và EQ trong tuyển dụng? Vậy có phải việc đo chỉ số EQ trong tuyển dụng giúp các công ty tiết kiệm chi phí không?
Như đã nói ở trên, bài test EQ giúp một công ty tìm ra nhân sự phù hợp nhất với cam kết cao nhất, điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian liên quan đến việc: tuyển dụng, phỏng vấn training ban đầu và chuyên sâu. Đó là chưa nói đến tính ổn định trong hoạt động để doanh nghiệp tập trung tạo ra lợi nhuận hơn là giải quyết vấn đề cơ bản của bộ máy: con người - đầu máy vận hành. Đầu máy còn trì trệ thì đừng đề cập đến cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp.
Tôi xin liệt kê cụ thể thêm lần nữa những chi phí doanh nghiệp phải gánh do nhân viên bỏ việc: Chi phí để duy trì công việc vị trí vừa mới bị bỏ trống; Chi phí phỏng vấn các ứng viên mới; Chi phí quản lý; Chi phí đào tạo nhân viên thử việc; Chi phí do năng suất nội bộ thấp hơn; Phí bồi thường nghỉ việc và trợ cấp nghỉ việc; Chi phí những kiến thức, kỹ năng và các mối quan hệ mà người thôi việc mang đi; Chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp; Chi phí của việc mất đi khách hàng; Tổn thất phát sinh trong thời gian vị trí bị bỏ trống.
EQ là chỉ số gì? Thực trạng áp dụng trên thế giới diễn ra như thế nào?
Nói một cách đơn giản, tôi xin trích câu này:
“Chỉ số EQ của bạn thể hiện ở mức độ thấu hiểu, động viên và hợp tác tốt với người khác”, theo Howard Gardner, Đại học Harvard. Nói về kinh doanh quan trọng là “làm hài lòng khách hàng”. Một cá nhân có thể hiểu, kiểm soát tốt cảm xúc và nhu cầu của mình, của đồng nghiệp, khách hàng thì đương nhiên “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Việc áp dụng EQ ở các doanh nghiệp mang đến kết quả khả quan nào, xin ông chia sẻ?
Bản thân công ty tôi và nhiều khách hàng công ty đã áp dụng bài test EQ trong tuyển dụng nhân sự. Và kết quả rất rõ ràng: những ứng viên được bài test đánh giá EQ cao và phù hợp thì tính cam kết sẽ rất cao. Biến động về nhân sự cũng giảm hẳn.
Những công cụ đo EQ được áp dụng như thế nào tại thị trường tuyển dụng VN? Thực trạng đó như thế nào?
Thống kê cho thấy 71% quản lý nhân sự chú trọng đến chỉ số EQ hơn là chỉ số IQ của ứng viên, 59% người sử dụng lao động thậm chí còn nói rằng, họ sẽ không tuyển dụng người dẫu với chỉ số IQ cao nhưng EQ lại thấp.
Ông có gợi ý gì cho các doanh nghiệp trong việc dùng các công cụ đo EQ?
Một số kiểu trắc nghiệm EQ hiện có trên thế giới: Trắc nghiệm EQ của John Mayer, Perter Salovey và David Caruso, phiên bản 2.0 2002 dành cho người lớn từ 16 tuổi trở lên, gồm có 141 câu và thời gian làm từ 40 đến 45 phút, thực hiện với cá nhân hoặc với nhóm. Hoặc trắc nghiệm đo EQ của Bar – On dành cho trẻ em từ 10 đến 15 tuổi, gồm 60 câu và thời gian hoàn thành là 15 phút, trắc nghiệm này đã được chuẩn hóa tại Hoa Kỳ và Canada. Trắc nghiệm sáng tạo TSD - Z của Klaus L. Urban 1994, dạng trắc nghiệm phi ngôn ngữ (vẽ tranh) được thiết kế cho cả trẻ em và người lớn, thời gian là 15 phút, đưa ra một trang giấy test có 6 họa tiết.
Hiện tại, ở VN, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng bài test EQ ngắn, khoảng 30 câu trong 10 phút so với 60 hay 90 phút của các bài test khác. Kết luận được đưa ra rất xúc tích, dễ hiểu giúp doanh nghiệp dễ dàng quyết định nên tuyển ứng viên liên quan hay không. Một điểm thú vị khác là kết luận cuối cùng của bài test đưa ra lời cảnh báo về chỉ số AQ của ứng viên (chỉ số vượt khó) cho biết khả năng chịu áp lực với công việc và tính chia sẻ với doanh nghiệp giai đoạn khó khăn. Chương trình này do người Nhật thiết kế nên rất phù hợp với tư duy châu Á nói chung và VN nói riêng.
Bên cạnh chỉ số IQ, EQ, ông còn có gợi ý nào cho doanh nghiệp trong tuyển dụng nhằm đạt hiệu quả cao nhất?
Bên cạnh IQ và EQ còn có những chỉ số khác như: SQ (speech quotient) - trình độ biểu đạt ngôn ngữ; AQ (adversity quotient) - chỉ số vượt khó; MQ (moral quotient) - chỉ số đạo đức; SQ (social quotient sq) - thông minh xã hội; CQ (creative intelligence) - trí thông minh sáng tạo; PQ (passion quotient) – chỉ số đam mê. Tùy vào tính chất công việc và văn hóa của doanh nghiệp mà các công ty có thể áp dụng kết hợp IQ, EQ cùng với một trong các chỉ số như trên.
Ông dự đoán như thế nào về xu thế áp dụng các chỉ số đo về tư chất, trình độ và tính cách của nhân lực trong tương lai?
Tôi tin rằng việc áp dụng bài kiểm tra các chỉ số trên sẽ ngày càng mở rộng và được chuẩn hóa khi các doanh nghiệp bắt đầu nhận thức tốt hơn về giá trị của tài sản “con người”. Khi quy mô hoạt động ngày càng tăng, đòi hỏi tính chuẩn hóa và phối hợp cao hơn.
Chân thành cảm ơn những chia sẻ quý báu của ông!