Quảng Bình: Tăng cường kết nối logistics tạo động lực phát triển mới
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:27, 29/04/2016
(Vietnam Logistics Review) Quảng Bình - Thủ đô của hang động, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nơi có các đầu mối giao thông quan trọng mà nhiều địa phương mơ ước như sân bay Đồng Hới, ga Đồng Hới, cảng nước sâu Hòn La. Vấn đề đặt ra là phải có các giải pháp đột phá tận dụng thế mạnh về giao thông tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Phóng viên Tạp chí Vietnam Logistics Review đã có buổi trao đổi với ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên BCH Trung Ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về vấn đề này.
Xin ông vui lòng cho biết thế mạnh phát triển của Quảng Bình hiện nay là gì?
Quảng Bình là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển du lịch, cả về du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch hang động có tính đặc sắc, vượt trội. Trong đó, nổi bật là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai. Đặc biệt, hang Sơn Đoòng được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới và được truyền hình trực tiếp trong chương trình Good Morning America ngày 13.5.2015 trên kênh ABC, một kênh truyền hình lớn của Mỹ.
Có thể nói, tiềm năng về một vùng du lịch đa dạng đang mở ra nhiều cơ hội mới để du lịch Quảng Bình phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
Theo ông, hệ thống giao thông tại Quảng Bình hiện nay có đáp ứng được yêu cầu về phát triển du lịch của tỉnh nhà không?
Quảng Bình có vị trí địa lý thuận tiện, hội đủ các yếu tố về giao thông. Đường bộ, có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A nối Cảng Hòn La với các tỉnh Lào, Thái Lan. Ngoài ra còn có đường sắt, đường thủy, sân bay Đồng Hới, cảng Hòn La,... Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình lớn, mang tính kết nối cao, phục vụ cho các chương trình kinh tế xã hội trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng. Hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình: đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa. Những yếu tố này giúp kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực, góp phần đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Quảng Bình.
Hiện nay, Quảng Bình đang triển khai các định hướng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng GTVT nói riêng, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác nói chung theo hướng hiện đại, đồng bộ nhằm tiếp tục phát triển kinh tế tỉnh nhà. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm đến điều kiện để hình thành và phát triển dịch vụ logicstics trên địa bàn, phù hợp với xu hướng hội nhập trong giai đoạn mới.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cúc
Để tạo động lực cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh Quảng Bình, định hướng mở rộng phát triển kết cấu hạ tầng GTVT trong giai đoạn mới của tỉnh là gì? Thưa ông?
Về đường bộ: Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ các tuyến quốc lộ và đường tỉnh phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật. Mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B, trong đó ưu tiên việc cải tạo, nâng cấp hoàn thành Quốc lộ 9B kết nối mới sang Lào qua cửa khẩu Chút Mút - Lã Vơn, từ đó hình thành tuyến vận tải từ Xa Vẳn Na Khẹt về cảng Hòn La.
Từng bước xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch được duyệt, tạo bước đột phá trong việc kết nối, khai thác tiềm năng du lịch, tiềm năng vùng bờ biển và nâng cao năng lực phòng thủ theo Chiến lược biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành cầu Nhật Lệ 2, đầu tư xây dựng đường nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện khai thác quỹ đất phía Đông Nam thành phố Đồng Hới, kết nối cửa ngõ Tây Nam thành phố ra biển, phát triển đô thị, du lịch biển. Đầu tư cầu và đường nối phía Bắc huyện Quảng Trạch với Xuân Trạch, Bố Trạch đến Phong Nha - Kẻ Bàng, tạo điều kiện liên kết các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Xây dựng, nâng cấp một số trục đường chính có ý nghĩa chiến lược về phát triển thành phố Đồng Hới theo quy hoạch được duyệt, cải tạo các nút giao thông lớn nội thành để bảo đảm mỹ quan đô thị, hạn chế tai nạn giao thông.
Nâng cao tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 có tối thiểu 50% số xã trên địa bàn toàn tỉnh hoàn thành Tiêu chí 2 về nông thôn mới. Xây dựng hệ thống cầu dân sinh với mục tiêu đến năm 2020 giải quyết cơ bản không còn tình trạng thôn bản cô lập về giao thông do chưa có cầu.
Về đường biển và đường thủy nội địa: Đầu tư xây dựng hoàn thành cảng Hòn La để nâng cao năng lực thông qua đạt công suất 9,5 triệu tấn hàng hóa/năm, gồm cảng tổng hợp giai đoạn 2 và tiếp nhận các tàu cỡ lớn 30.000 - 50.000 DWT, khu trung chuyển cho tàu 70.000 - 100.000 DWT và các cảng chuyên dùng xăng dầu, xi măng, than theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường năng lực thông qua cảng Gianh đạt 300.000 - 400.000 tấn hàng hóa/ năm, cho phép tàu 2.000 DWT ra vào. Tăng cường thực hiện công tác xã hội hóa việc xây dựng cảng biển, bến thủy nội địa, nạo vét nâng cấp các tuyến sông để nâng cao năng lực khai thác.
Về đường sắt: Cải tạo, nâng cấp 7/19 nhà ga ở các vùng đông dân cư, xây dựng các trạm cảnh báo trên các tuyến đường ngang giao cắt với đường sắt, từng bước xây dựng cầu vượt đường sắt tại các điểm giao cắt với các trục giao thông chính. Phối hợp tốt với các cơ quan của Bộ GTVT trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Về hàng không: Tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới để nâng cao năng lực vận tải bằng đường hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện để mở mới các tuyến bay nội địa và quốc tế đến Quảng Bình.
Cảm ơn những chia sẻ của ông. Chúc ông nhiều sức khỏe, chúc Quảng Bình ngày càng phát triển, đạt được những chỉ tiêu về kinh tế trong giai đoạn mới.