TP. Hồ Chí Minh: Kết nối hạ tầng với các đô thị vệ tinh

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:29, 24/05/2016

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hiện nay, sự tăng trưởng quá nhanh của dân số đang gây quá tải cho kết cấu hạ tầng của các khu vực trung tâm TP.HCM. Định hướng phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM sẽ mở ra một cánh cửa lớn cho sự phát triển mang tính chủ động hơn.

(Vietnam Logistics Review)Hiện nay, sự tăng trưởng quá nhanh của dân số đang gây quá tải cho kết cấu hạ tầng của các khu vực trung tâm TP.HCM. Định hướng phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM sẽ mở ra một cánh cửa lớn cho sự phát triển mang tính chủ động hơn.

Những năm gần đây, sự phát triển của hệ thống logistics TP.HCM theo xu hướng ứng phó. Các cơ quan chức năng thường chỉ có những biện pháp ngắn hạn để ứng phó với những tắc nghẽn của kết cấu đô thị và hạ tầng giao thông. Do phương án đầu tư không đồng bộ, vấn đề được giải quyết ở chỗ này thì lại gây tắc nghẽn ở chỗ khác, hoặc ở thời điểm này thì phương án đó tốt nhưng sau một thời gian ngắn những vấn đề khác từ phương án đó lại nảy sinh nhiều vấn đề mới.

Một trong những lý do tạo áp lực cho kết cấu hạ tầng đô thị hiện nay là mức độ thu hút đối với người dân các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc. Sự tăng lên quá nhanh của dân số gây quá tải cho kết cấu hạ tầng các khu vực trung tâm TP. Một số lượng dân số rất lớn vẫn tập trung ở nội thành hoặc hoạt động vận chuyển chỉ tập trung vào một số nơi. Chuyển đổi phương thức phát triển hiện tại là một điều khó khăn khi mà dư địa không còn nhiều và sự vận hành của TP đã có sự ổn định tương đối. Tuy nhiên, định hướng phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM sẽ mở ra một cánh cửa lớn cho sự phát triển mang tính chủ động hơn.

Hiện tại, chính sách phát triển đô thị vệ tinh của TP.HCM là chưa thành công, nhiệm vụ kéo giãn dân TP khỏi các trung tâm chưa hiệu quả. Có hai nguyên nhân chính là: quy mô thị trường nơi đầu tư quá nhỏ nên khi đầu tư sẽ khó có hiệu quả kinh tế và khó thu hồi lại được vốn đầu tư; kết nối giao thông đến các đô thị vệ tinh chưa được hoàn chỉnh.

Nếu đánh giá ở phạm vi rộng hơn về tương tác giữa TP.HCM với các tỉnh thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì có thể thấy khi có sự kết nối về giao thông và các mặt kinh tế – xã hội khác giữa TP.HCM với các tỉnh thì người dân lại đổ dồn về TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nhiều hơn trong khi các tỉnh như: Tây Ninh, Long An, Tiền Giang lại không có sự phát triển như mong đợi. Kinh tế phát triển càng tạo cho TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai một sức hút mạnh hơn nên người dân càng đổ về các nơi này nhiều hơn, trong đó, nhiều nhất là TP.HCM. Kinh nghiệm này cho chúng ta bài học để kinh tế phát triển thì cần có sự kết nối với hệ thống giao thông thuận lợi, nhưng nếu những nơi được kết nối không có sự phát triển tương ứng thì sẽ cho kết quả ngược lại. Để tạo ra những lực đối trọng nhằm tạo nên một cấu trúc bền vững cho một hệ thống các đô thị cùng một vùng phát triển thì cần có sự đầu tư đồng bộ và đủ lượng cho các đô thị vệ tinh. Sự đầu tư đồng bộ và đúng mức sẽ biến các đô thị xung quanh thật sự trở thành các đô thị vệ tinh có sức sống đủ mạnh để có thể thu hút nhiều người dân đến sinh sống và phát triển.

Hiện nay, các đô thị vệ tinh của TP.HCM còn được hiểu một cách đơn giản là các đô thị nhỏ nằm ở xung quanh TP.HCM. Điều này làm cho các chính sách đưa ra để thực hiện chưa được quan tâm đúng mức để biến các đô thị vệ tinh thành những nơi có các điều kiện cần và đủ cho một sự phát triển tự thân. Hơn nữa, sự quan tâm chưa đúng mức còn làm cho việc đầu tư các hệ thống kết nối còn rời rạc, gặp nhiều trở ngại. Các hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ ̃thuật và hạ tầng xã hội không phát triển làm cho những nơi này chưa thu hút người dân thành phố đến sinh sống và do đó, sự phát triển của TP càng trở nên mang tính đơn cực. Người dân tìm thấy ở TP.HCM những cơ hội làm ăn và sinh sống thuận tiện nên đã không có nhu cầu hay không muốn đến sinh sống tại những nơi xa trung tâm TP. Điều này dẫn đến các quy hoạch và các chiến lược phát triển của thành phố theo đặc điểm đa cực, đa trung tâm đã không thể trở thành hiện thực. Từ đó, các quy hoạch giao thông và logistics của TP.HCM đã không được thực hiện một cách hiệu quả theo ý đồ của các nhà hoạch định chính sách. Sự phát triển của hệ thống logistics như việc đặt các trung tâm thương mại, đặt các kho cảng… nhiều khi tốt trên kế hoạch nhưng hiện thực lại không hiệu quả.

Yêu cầu cấp thiết là phải thực hiện cho bằng được các đô thị vệ tinh để các đô thị này giảm áp lực cho TP.HCM. Sự đầu tư phát triển đô thị vệ tinh sẽ tạo ra nội lực phát triển đủ mạnh để trước mắt là tự tồn tại, thu hút các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh. Một quy mô thị trường đủ lớn sẽ góp phần giữ chân các nhà đầu tư kinh doanh để họ thực hiện công việc tái đầu tư, tạo ra quy mô sản xuất và kinh doanh lớn hơn, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Chính cơ hội việc làm và môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ là những yếu tố chính thu hút cư dân đến các đô thị vệ tinh sinh sống, giảm áp lực dân số và hạ tầng giao thông của thành phố.

Việc phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM nhằm mục tiêu giãn dân và chia sẻ áp lực với khu vực trung tâm là một chủ trương và chiến lược đúng. Chiến lược phát triển này không những đem lại nhiều tác động tích cực trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của lĩnh vực logistics. Cách thức phát triển này sẽ tạo ra dư địa lớn hơn cho ngành logistics thành phố để chuyển đổi tính chất phát triển từ ứng phó và bị động sang tính chất chủ động hơn. Các doanh nghiệp trong ngành logistics sẽ có những cơ hội kinh doanh mới và khả thi hơn để từng bước đầu tư đem lại hiệu quả, từ đó, tạo ra các giá trị kinh tế cao hơn. Điều này sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho TP.HCM trong quá trình phát triển để trở thành một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình và mang lại một cuộc sống có chất lượng sống cao hơn cho người dân.