Vai trò và các yếu tố ảnh hưởng đến cảng trung chuyển

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:51, 03/06/2016

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác. Cảng trung chuyển quốc tế hoạt động như một cảng biển trung tâm, nơi mà tất cả các tuyến vận tải hàng hóa của hãng tàu đều sử dụng như một trạm dừng để xếp, dỡ hàng hóa lên và xuống tàu.

(Vietnam Logistics Review)Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác. Cảng trung chuyển quốc tế hoạt động như một cảng biển trung tâm, nơi mà tất cả các tuyến vận tải hàng hóa của hãng tàu đều sử dụng như một trạm dừng để xếp, dỡ hàng hóa lên và xuống tàu.

Vai trò của các cảng biển

Về mặt kinh tế

Cảng biển là cơ sở hạ tầng cơ bản cho vận tải hàng hóa phục vụ thương mại quốc tế nên ý nghĩa lớn nhất về mặt kinh tế là nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Mặt khác, cảng biển nói chung còn thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ và là tiền đề cho việc phát triển ngành logistics. Việc hình thành khu vực phát triển kinh tế trọng điểm xoay quanh cảng biển cũng là cơ sở thu hút đầu tư vào các ngành tài chính, xây dựng, vận tải,… trong khu vực.

Cảng biển nói chung và cảng trung chuyển quốc tế nói riêng còn tăng cường mở rộng thị trường cho các ngành sản xuất trong nước, cũng như gia tăng giá trị giao dịch thương mại với vai trò trung gian, cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả vận tải so với phương thức vận tải trực tiếp. Ngoài ra, việc sở hữu và vận hành tốt một cảng trung chuyển quốc tế còn giúp nâng cao mức độ tín nhiệm cho nền kinh tế quốc gia.

Về mặt chính trị – xã hội

Cảng trung chuyển quốc tế có khả năng góp phần củng cố chủ quyền lãnh hải nhờ vào việc quốc tế hóa tuyến đường hàng hải liền kề, thống nhất cửa ngõ giao thương trong nước với quốc tế, tăng khả năng kiểm soát an ninh, quốc phòng hàng hải. Ngoài ra, cảng trung chuyển quốc tế còn tạo thêm việc làm cho lao động trong khu vực với nhiều vị trí có trình độ khác nhau và là cơ sở để tiếp thu công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Với nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, đặc biệt là hàng hóa vận chuyển qua khu vực vùng biển Thái Bình Dương. Vùng bờ biển VN gần nhất với các tuyến đường biển quốc tế, gần sát các trục hàng hải quốc tế từ châu Âu về Đông - Bắc Á, từ châu Âu qua châu Á đi tiếp châu Mỹ La-tinh, các tuyến Bắc Á đi Nam Á, đi châu Đại Dương và ngược lại. Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó có khoảng 50% tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Đây là tiềm năng rất lớn để khai thác và phát triển cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ ở VN.

Khả năng cạnh tranh của một cảng trung chuyển được xây dựng ở VN còn có thể hiện thực hóa ở việc giảm chi phí, giá thành cho tàu cập cảng. Hiện nay, ngoài số ít hàng hóa đi từ cảng Cái Mép – Thị Vải có thể đi trực tiếp đến châu Âu và Bắc Mỹ, phần lớn hàng XNK đi những khu vực trên buộc phải trung chuyển qua Singapore hoặc Hồng Kông. Chi phí chuyển tiếp bình quân hơn khoảng 94 USD/TEU so với trực tiếp và thời gian cũng kéo dài thêm 6 - 7 ngày. Việc trung chuyển hàng hóa ở Hồng Kông, Singapore khiến các nhà XNK VN phải chịu giá cước tăng thêm tối thiểu 400 USD/TEU. Với số lượng vận chuyển hàng hóa bằng container đạt khoảng 5 triệu TEU/năm, mỗi năm, nền kinh tế VN tổn thất gần 1,5 tỷ USD (Theo báo cáo của Portcoast, năm 2009).

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cảng trung chuyển

Để phát triển hiệu quả cảng trung chuyển ở VN, chúng ta cần hiểu rõ về các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn một cảng làm cảng trung chuyển của các hãng tàu lớn, đặc biệt là các hãng tàu có luồng hàng hải đến hoặc đi qua vùng biển của VN. Dưới đây là các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cảng trung chuyển của các hãng tàu.

Cơ sở hạ tầng

Bao gồm những công trình, trang thiết bị, phần mềm và hệ thống các cấu trúc xây dựng khác bao quanh có chức năng hỗ trợ hoạt động. Cơ sở hạ tầng chính là nền tảng cơ bản cho tất cả loại hình dịch vụ vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng. Cơ sở hạ tầng được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau: - Độ sâu mực nước phù hợp cho tàu ra vào cảng. - Số cầu cảng và cần cẩu phục vụ xếp dỡ hàng hóa. - Hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. - Mức độ tự động hóa trong hoạt động cảng. - Cảng có mạng lưới giao thông kết nối bao phủ. - Cảng có bến bãi neo đậu phục vụ tàu vận tải. - Cửa ngõ ra vào cảng và cầu cảng không có tình trạng tắc nghẽn.

Vị trí địa lý

Là một trong những đặc tính cố hữu khi điều hành hoạt động cảng trung chuyển, vì vậy cần xem xét kĩ lưỡng trước khi lên kế hoạch xây dựng. Vị trí địa lý cảng biển ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút hàng hóa và tàu thuyền qua cảng. Các tiêu chí đánh giá bao gồm:

- Cảng có vị trí gần với nguồn hàng.

- Cảng thuộc khu kinh tế mở.

- Cảng có mạng lưới tàu tiếp vận thu gom và phân phối hàng hóa.

- Cảng gần với tuyến hàng hải quốc tế.

- Điều kiện thời tiết khu vực cảng ổn định, địa thế cảng có khả năng sử dụng để tránh bão.

- Tốc độ dòng chảy ổn định, thuận lợi cho tàu ra vào cảng.

- Cảng nằm trong khu vực kín gió, ít bị tác động bởi các điều kiện tự nhiên như sóng, thủy triều,…

Quản lý hoạt động

Là yếu tố duy trì trong suốt quá trình hoạt động của cảng trung chuyển, mang tính quyết định đến hiệu quả trong hoạt động cảng. Đây cũng là trọng tâm trong sự phát triển mà cảng trung chuyển quốc tế PSA, Singapore đã và đang theo đuổi. Các tiêu chí đánh giá bao gồm:

- Tình hình chính trị, luật pháp và nhân công.

- Tính hiệu quả của hoạt động hải quan cảng.

- Thời gian hoạt động của cảng.

- Hiệu quả hoạt động xếp dỡ hàng, sắp xếp tàu vào cảng.

- Quy hoạch luồng tàu ra, vào cảng.

- An ninh kiểm soát nội bộ và vòng ngoài cảng.

- Mức độ phản hồi thông tin khách hàng.

- Thương hiệu về dịch vụ của cảng.

Chi phí và các khoản thu khác

Đây là yếu tố mà phần lớn các cảng trung chuyển có thời gian hoạt động chưa dài vận dụng làm lợi thế cạnh tranh. Điều này đã được khẳng định về tính hiệu quả khi hãng vận tải lớn nhất thế giới Maersk Lines di chuyển cảng trung chuyển chính ở khu vực châu Á từ PSA, Singapore sang PTP, Malaysia vào năm 2000 và điều tương tự đối với Evergreen 2 năm sau đó. Các tiêu chí đánh giá bao gồm:

- Phí xếp dỡ, lưu và thuê container.

- Phí chuyển tải container.

- Chi phí nhiên liệu và tiếp ứng nhu yếu phẩm.

- Các loại phí khác như phí ra vào cảng, phí lai dắt và neo đậu.