Toàn cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:26, 07/06/2016

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Thị trường bán lẻ Việt Nam (VN) tiếp tục được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực và châu lục. Gần đây, khi Alibaba chính thức vào VN qua việc mua lại lazada.vn đã là một minh chứng rõ ràng.

(Vietnam Logistics Review) Thị trường bán lẻ Việt Nam (VN) tiếp tục được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực và châu lục. Gần đây, khi Alibaba chính thức vào VN qua việc mua lại lazada.vn đã là một minh chứng rõ ràng.

Dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế

Giai đoạn khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và khu vực nói riêng với nhiều sự kiện như: Vấn đề nợ công của châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế âm của Nhật Bản,… đã dần qua đi với nỗ lực không ngừng của chính phủ các nước.

Nền kinh tế VN đã ghi nhận sự phục hồi với dấu hiệu tích cực về mức độ tăng trưởng của GDP thực tế và tỷ lệ lạm phát. Trong giai đoạn (2010 – 2014), tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong cơ cấu GDP không ngừng tăng lên và hiện tại, đang nắm vị trí chủ lực của quốc gia với mức tăng trưởng bình quân 18.01% trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng bình quân là 15.83%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 17.49%.

Đối với ngành bán lẻ, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa trong giai đoạn (2010 – 2015) có sụt giảm về tốc độ tăng trưởng nhưng tỷ trọng của ngành trong cơ cấu vẫn tăng nhẹ từ 75.3% năm 2014 lên mức 76.16% năm 2015. Trong khi đó, doanh thu hai ngành dịch vụ còn lại có chiều hướng giảm nhẹ: doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm từ 12% năm 2014 xuống 11.48% năm 2015, doanh thu dịch vụ và du lịch giảm từ 12.7% năm 2014 xuống 12.36% năm 2015.

Bán lẻ trên internet ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể

Sự tăng trưởng đáng kể của doanh thu bán lẻ trên internet được ghi nhận thông qua báo cáo thương mại của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương). Theo đó, doanh thu B2C ước tính năm 2012 là 700 triệu USD tăng 214% với mức 2.2 tỷ USD, và tiếp tục tăng 35% với mức 2.97 tỷ USD năm 2014. Dự kiến, doanh thu B2C khoảng 4 tỷ USD trong năm 2015. Điều này cho thấy trong tương lai, kênh bán lẻ qua internet sẽ trở thành kênh phân phối hấp dẫn với các nhà cung cấp dịch vụ.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ đối với nhà đầu tư nước ngoài

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào VN đạt mức 252.716 triệu USD với 17.768 dự án (số lũy kế đến ngày 31.12.2014). Trong đó, vốn đầu tư đã được cấp phép vào ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có các động cơ khác đạt mức 4.030 triệu USD (tương ứng khoảng 88.660 tỷ đồng) với 1383 dự án còn hiệu lực. Điểm đáng lưu ý, con số này lại chiếm đến 94.56% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành (93751 tỷ đồng). Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của ngành này đối với các nhà đầu tư nước ngoài là không hề nhỏ.

Mặt khác, giai đoạn (2013 – 2015) chứng kiến những động thái từ phía các nhà đầu tư nước ngoài lớn như Tập đoàn Takayashima (Nhật Bản) đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm lớn với diện tích 15.000 m2 đầu tiên tại Quận 1, TP. HCM; tiếp theo là sự xuất hiện của Tập đoàn AEON với trung tâm mua sắm tại Tân Phú, TP. HCM và Long Biên, Hà Nội; liên minh NTUC FairPrice (Singapore) cũng bắt tay hợp tác với Saigon Co.op để xây dựng đại siêu thị Coop Xtra tại Thủ Đức, TP. HCM với diện tích 25.000 m2. Trong nước, BigC (Casino) cũng được mở ra thêm tại Bình Dương, Ninh Bình, Phú Thọ và Lâm Đồng. Một khía cạnh khác cho thấy sự sôi động của thị trường bán lẻ VN với các nhà đầu tư nước ngoài là đó là một số thương vụ mua bán giữa Central Group và Nguyễn Kim, giữa Berli Jucker và Metro VN.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

Thương hiệu đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ của VN không thể không nhắc đến nhà bán lẻ lớn là Saigon Co.op. Theo báo cáo của Euromonitor cùng với Tạp chí Retail Asia Publishing, Saigon Co.op vẫn tiếp tục là thương hiệu bán lẻ có thị phần nhiều nhất tại thị trường VN trong năm 2013, 2014. Đáng chú ý, năm 2014, Saigon Co.op đã mở thêm các siêu thị tại Đồng Tháp, Gò Vấp, Hóc Môn, Hạ Long và xây dựng trung tâm mua sắm Sense City tại Cần Thơ, nâng số lượng điểm bán năm 2014 lên 354 với tổng doanh thu gần 29 nghìn tỷ đồng (tương đương 1.375 triệu USD).

Năm 2014, Thế giới di động đánh dấu bước ngoặt phát triển khi chính thức niêm yết hơn 62 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, nâng tổng số điểm bán lên số 344 và doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ là hơn 15 nghìn tỷ đồng. Số doanh thu này tiếp tục đạt ở mức hơn 25 nghìn tỷ đồng trong năm 2015.

Tiếp theo là sự xuất hiện của hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart, Vinmart Plus. Lần đầu tiên xuất hiện, Vinmart được biết đến như một sự kế tiếp qua thương vụ mua lại của Vingroup đối với Oceanmart. Động thái này của Vinmart đứng dưới góc nhìn phân tích, có thể thấy là bước đi khá nhanh chóng và kịp thời để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nội địa của thương nhân Việt. Bao quát hơn, có thể thấy rằng, Tập đoàn Vingroup đã từng bước thực hiện kế hoạch chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt với các dấu ấn: Năm 2009 hoàn thiện và đưa vào sử dụng trung tâm thương mại Vincom; Năm 2010 đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi; Năm 2011 khai trương trung tâm thương mại Vincom Long Biên; Năm 2012 khai trương thêm 01 trung tâm thương mại Vincom A tại TP. HCM; Năm 2013 mở thêm trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City và Times City tại Hà Nội; Năm 2014 thành lập Vinmart và Vinmart Plus, khai trương trung tâm thương mại Vincom Hạ Long.

Tính đến cuối năm 2014, đã có 23 siêu thị và cửa hàng tiện ích Vinmart và Vinmart Plus đi vào hoạt động trên khắp cả nước cùng với 6 trung tâm thương mại lớn. Cũng nằm trong chiến lược mở rộng thị phần bán lẻ, Vingroup còn ra mắt hàng loạt các thương hiệu như VinDS (hệ thống cửa hàng chuyên biệt), VinFashion (thời trang), VinPro (hệ thống bán lẻ công nghệ và điện máy), và Adayroi.vn (thương mại điện tử, đã ra mắt năm 2015).

Mặc dù, các tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ đều đã có những tín hiệu rõ ràng chuyển mình với thời cuộc, nhưng theo kết quả khảo sát của Hiệp hội bán lẻ VN vào cuối năm 2015, hơn 70% DN phân phối, bán lẻ được hỏi gần như không quan tâm đến tình hình thời sự trong nước và trên thế giới, đặc biệt là với những cập nhật về pháp luật có liên quan đến kinh tế trong nước nói chung và của ngành nói riêng. Kết quả khảo sát còn chỉ ra thực trạng DN còn có tâm lý chấp nhận các quy định chính sách một cách thụ động, đối phó là chính thay vì chủ động tham gia tác động đến việc ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực bán lẻ. Điểm đáng lưu ý là đa phần những DN tham gia khảo sát này là DN VN. Trong khi đó, cũng là kết quả của một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ từ những doanh nghiệp nhận được sự quan tâm lớn từ phía Hoa Kỳ, 55% DN VN được hỏi cho rằng sự quan trọng của thị trường ASEAN đã tăng lên trong hơn 2 năm qua và 71% cho rằng thị trường ASEAN sẽ tiếp tục có sức ảnh hưởng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. 65% DN đã tăng các hoạt động thương mại và đầu tư vào thị trường các nước ASEAN, chủ yếu là Myanmar (42%), Campuchia (29%), Indonesia (25%) và Thái Lan (22%). Điều này cho thấy, ở một chừng mực nào đó, DN nội địa của VN vẫn còn khá nhiều hạn chế trong quá trình tiếp cận thông tin để hội nhập.

Giai đoạn 2010 – 2015 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi của thị trường bán lẻ. Dự báo năm 2016 sẽ là năm tiếp tục có nhiều sự kiện quan trọng của thị trường bán lẻ VN khi trong quý I/2016 với tin tức đầu tiên là Alibaba vào thị trường VN và coi đó là điểm trung tâm để tiến sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á. Thêm một đối thủ cạnh tranh từ một quốc gia quen thuộc, điều này sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp bán lẻ VN trong thời gian tới.